Châu Âu âm thầm chuẩn bị cho khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng

Đầu tuần qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành nhân vật trung tâm trên chính trường châu Âu một lần nữa.

Ông Trump với các lãnh đạo EU bên lề thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018. (Ảnh: Getty)

Ông Trump với các lãnh đạo EU bên lề thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018. (Ảnh: Getty)

Ông Thierry Breton, quan chức phụ trách thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU), kể rằng vào năm 2020, ông Trump nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng “nếu châu Âu bị tấn công, chúng tôi (Mỹ) sẽ không bao giờ đến để hỗ trợ”.

Câu chuyện được ông Breton kể tại một sự kiện của Nghị viện châu Âu trước khi bắt đầu cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ của đảng Cộng hòa ở Mỹ, cuộc bầu cử mà nhiều người dự đoán ông Trump sẽ giành chiến thắng. Cũng trong dịp này, ông Breton đề xuất lập quỹ 100 tỷ euro để tăng cường sản xuất đạn dược trên toàn khối.

Nhiều quan chức và nhà ngoại giao EU nói với CNN rằng câu chuyện này được kể lại vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi EU đang cố gắng xây dựng khả năng phòng thủ của riêng mình ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu. Điều mà ai cũng biết là kho đạn dược của nhiều quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt sau khi hỗ trợ cho Ukraine.

Việc ông Trump có thực sự nói như trên hay không không quan trọng với các quan chức châu Âu, vì quan điểm của cựu tổng thống về vai trò của Mỹ đối với an ninh châu Âu đã được biết đến rộng rãi. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump thường xuyên nói về việc cắt giảm ngân sách cho NATO và ca ngợi các nhà lãnh đạo vốn được coi là đối thủ của liên minh quân sự này.

Khả năng ông Trump có thể sớm quay lại Nhà Trắng đang gây ra mối lo ngại thực sự ở Brussels.

Một sự thật là các quốc gia châu Âu không dành nhiều ngân sách cho quân đội của họ trong nhiều thập kỷ qua, với giả định rằng chiến tranh khó có thể xuất hiện, và nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, Mỹ sẽ nhanh chóng viện trợ. Ông Trump đã bác bỏ giả định đó.

Và thái độ đối ngược của ông đối với nỗ lực xung đột ở Ukraine vẫn có tác động đến tận bây giờ, khiến đảng Cộng hòa ngăn cản việc Mỹ tài trợ thêm cho Kiev.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói với CNN: “Khi ông Trump xuất hiện, chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào Mỹ cũng hành động vì lợi ích của châu Âu, đặc biệt nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Nói ra thì có vẻ ngây thơ nhưng đó từng là giả định của rất nhiều người”.

"Mối đe doạ"

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, thực tế mới đã khiến châu Âu nhận ra rằng họ phải chuẩn bị cho một tương lai mà không thể dựa vào Mỹ như trước đây. Tư duy đó càng được củng cố khi Tổng thống Joe Biden giữ nguyên nhiều chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, đặc biệt là về thương mại và Trung Quốc.

Về thương mại, châu Âu đã thực hiện các biện pháp để giảm phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào và đa dạng hóa chuỗi cung ứng để phòng nguy cơ chính sách thay đổi đột ngột, như ông Trump đã làm với thép, khi áp thuế 25% với mặt hàng này nhập khẩu từ EU.

Về quốc phòng và an ninh, EU thừa nhận những thất bại trước đây và chấp nhận tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trên toàn khối. Họ coi cuộc xung đột ở Ukraine là rất nghiêm trọng, vì thế đã gửi hàng tỷ euro và vũ khí cho Kiev, đồng thời đang nỗ lực để đưa Ukraine gia nhập khối càng sớm càng tốt.

Về mặt lịch sử, việc chọc giận Nga hay gửi lượng tiền và nguồn lực lớn của châu Âu cho bên thứ ba là không thể, vì các quốc gia thành viên gần như chắc chắn sẽ không đồng ý. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là EU có thể đi xa đến vậy trong việc hỗ trợ Ukraine kể từ cuộc chiến toàn diện nổ ra.

Mặc dù vậy, việc tái vũ trang cho 27 quốc gia thành viên và thay đổi cách làm thương mại sẽ mất một thời gian rất dài. Những mối quan hệ sâu xa và phụ thuộc lẫn nhau không dễ dàng tháo gỡ, ngay cả trong điều kiện bình thường.

Tuy nhiên, những năm vừa qua không phải điều kiện bình thường đối với châu Âu, sau giai đoạn dài COVID-19 gây ra nhiều khó khăn.

Khác với Trung Quốc và Nga, Mỹ không phải là quốc gia thù địch với châu Âu. Với Bắc Kinh hay Mátxcơva, châu Âu có thể sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc tăng cường hiện diện quân sự để bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng ngay cả dưới thời ông Trump, châu Âu khó có thể làm như vậy với Mỹ.

Theo một số nhà ngoại giao của châu Âu, cách tốt nhất để đối phó với ông Trump, nếu ông tái đắc cử cuối năm nay, là giữ bình tĩnh và tiếp tục duy trì khoảng cách giữa châu Âu với Mỹ.

Điều không có gì bí mật là châu Âu không hề muốn ông Trump trở lại Nhà Trắng. Trong tuần này, bà Christine Lagarde, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu, nói rằng sự trở lại của ông Trump sẽ là một “mối đe dọa” đối với châu Âu.

"Di sản độc hại" trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump có thể khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không bao giờ trở lại như cũ. Vấn đề đối với châu Âu là sẽ phải mất nhiều năm, có thể nhiều thập kỷ, mới có thể chấm dứt phụ thuộc vào Mỹ.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã công kích lẫn nhau tại cuộc tranh luận ở TP Des Moines, bang...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN