Châu Á “nóng” cuộc đua vũ trụ

Việc Hàn Quốc chuẩn bị phóng vệ tinh quân sự nội địa đầu tiên gắn trên tên lửa SpaceX cùng với việc Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung mới (IRBM) đã khiến cuộc chạy đua vào vũ trụ ở châu Á đang trở nên nóng hơn. Các nhà phân tích cũng đề cập đến việc gia tăng số vụ phóng vệ tinh quân sự ở châu Á và lưu ý rằng, sự phát triển của các công nghệ vũ trụ thương mại sẽ thúc đẩy thị trường nội địa trong lĩnh vực này.

Ám chỉ về việc mở rộng địa chính trị vào quỹ đạo, Chính phủ Hàn Quốc lưu ý rằng, quan hệ đối tác với Mỹ sẽ hình thành một liên minh không gian đảm bảo an ninh quân sự và kinh tế, cũng như tiến bộ công nghệ. Kế hoạch hợp tác phóng giữa Hàn Quốc và tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk sẽ đánh dấu việc vệ tinh do thám nội địa đầu tiên của Seoul được đưa lên vũ trụ vào năm 2025, nhằm hình thành hệ thống giám sát không gian riêng ở phía trên Triều Tiên và không cần phụ thuộc vào Mỹ như trước đây.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, vệ tinh do thám của nước này sẽ được phóng bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California vào ngày 30/11. Nhà nghiên cứu danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Lee Choon-geun cho biết, các vệ tinh do thám của Mỹ cho hình ảnh có độ phân giải cao hơn nhiều, nhưng lại vận hành theo các mục tiêu chiến lược của Mỹ. Washington đôi khi không chia sẻ ảnh vệ tinh chứa thông tin nhạy cảm cao với Hàn Quốc.

Triều Tiên thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung. Ảnh: Reuters.

Triều Tiên thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 14/11 cho biết Bình Nhưỡng đã tiến hành thành công các cuộc thử nghiệm trên mặt đất động cơ nhiên liệu rắn mới được phát triển cho một loại IRBM mới. Nhà phân tích cấp cao Cheong Seong-chang tại Viện Nghiên cứu Sejong cho biết tầm bắn lên tới 4.000 km của IRBM có thể tiếp cận các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa và Guam. Triều Tiên cũng mong muốn có được vệ tinh do thám riêng, nhưng chưa phóng thêm vệ tinh mới sau hai lần thử thất bại vào đầu năm nay.

Tháng 6 năm ngoái, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới đưa một vệ tinh nặng hơn một tấn lên quỹ đạo, nhằm thúc đẩy tham vọng chinh phục không gian với tên lửa Nuri tự sản xuất. Seoul cũng đặt mục tiêu phóng thêm 4 tên lửa Nuri trong 5 năm tới, hạ cánh tàu thăm dò lên Mặt trăng vào năm 2030 cũng như tăng đội vệ tinh do thám gấp 6 lần lên 130 chiếc vào năm 2030. Nhưng nhà phân tích Lee Il-woo tại Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc đã đặt ra câu hỏi về năng lực vệ tinh quân sự đầu tiên của Hàn Quốc. Ông cho rằng độ phân giải tương đối thấp, thậm chí còn thấp hơn cả các vệ tinh thương mại có độ phân giải cao. Ông nói: “Bên cạnh việc thu thập dữ liệu không gian từ vệ tinh, Hàn Quốc cũng cần nỗ lực rất nhiều để tăng cường khả năng lọc và phân tích những dữ liệu được thu thập đó, một lĩnh vực mà đất nước này thua xa các đối thủ tiên tiến khác”. Theo ông, với 5 vệ tinh, Hàn Quốc chỉ có thể theo dõi Triều Tiên 10 giờ mỗi ngày, rất ngắn so với khoảng thời gian cần thiết để giám sát hoạt động của các bệ phóng di động.

Hợp tác kỹ thuật với Mỹ sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park-jin nói rằng, “liên minh không gian” của các nước này sẽ đặt nền móng cho quan hệ đối tác quốc tế trong lĩnh vực không gian, không chỉ bao gồm an ninh mà còn an ninh kinh tế chung và công nghệ vũ trụ tiên tiến. Ông nhấn mạnh tại diễn đàn không gian Mỹ - Hàn: “Không gian ngày càng được quân sự hóa và vũ khí hóa”. Theo ông, không gian đang giống như một bàn cờ địa chính trị khổng lồ. Do đó, việc đáp ứng lợi ích và ưu tiên của các bên liên quan để đảm bảo một không gian an toàn, chắc chắn và bền vững sẽ là một thử thách phức tạp.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg cũng nhắc lại cam kết của Washington trong việc tăng cường hợp tác không gian với Seoul trên nhiều lĩnh vực. Năm 2021, Hàn Quốc đã ký Hiệp định Artemis khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tìm cách hợp nhất với các đối tác để khám phá Mặt trăng và tăng hiện diện ở hành tinh này. Seoul đã phóng tàu quỹ đạo Mặt trăng đầu tiên Korea Pathfinder trong chương trình hợp tác với NASA vào năm ngoái, mang theo ShadowCam để thu thập hình ảnh về các vùng bị che khuất vĩnh viễn gần các cực của Mặt trăng. Washington đã dỡ bỏ những biện pháp hạn chế kéo dài hàng thập kỷ đối với khả năng thử nghiệm tên lửa và rocket của Seoul – tất cả đều dựa trên công nghệ của Mỹ – trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2021, cho phép Hàn Quốc tự phát triển các phương tiện phóng.

Ông Omkar Nikam, chuyên gia về vũ trụ và quốc phòng, người đứng đầu nền tảng phân tích Access Hub, đánh giá châu Á đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt hơn các châu lục khác trong việc sản xuất vệ tinh quân sự. Nhà phân tích cho hay: “Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, tiếp theo là Australia, Hàn Quốc, New Zealand cùng các nước khác, đang nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ vũ trụ trong cả lĩnh vực vệ tinh thương mại và quân sự”.

Ông Nikam cũng cho biết, các dịch vụ vệ tinh hạ nguồn đã nhanh chóng nổi bật ở khu vực châu Á, nhưng sự phát triển thị trường thượng nguồn liên quan đến sản xuất và phóng vệ tinh lại ít rõ ràng hơn. Ông phân tích: “Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp vũ trụ thượng nguồn mang lại ưu thế cho một quốc gia nhất định, bằng cách củng cố chuỗi cung ứng trong nước và giúp các cơ quan quốc phòng phát triển tài sản của chính họ thay vì phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nước ngoài”. Nhiều quốc gia dự định phát triển và đầu tư chiến lược vào thị trường thượng nguồn của họ trong những năm tới. Vị chuyên gia cho rằng, sự hiện diện của các công ty như KT Sat và Intellian đã giúp thúc đẩy dấu ấn thương mại của Hàn Quốc trên thị trường vệ tinh hạ nguồn.

Điều này đã mang lại cho Seoul lợi thế trong việc xác định nhu cầu ở một số ngành dọc và từ đó mở rộng quy mô thị trường vũ trụ thượng nguồn, chẳng hạn như sản xuất vệ tinh. Ông tin rằng, mặc dù Mỹ là đồng minh chủ chốt, nhưng căng thẳng địa chính trị và vị trí của Hàn Quốc có nghĩa là nước này cần phát triển tài sản không gian quân sự có chủ quyền, tạo nền tảng vững chắc cho các công ty trong nước và hỗ trợ nhất quán cho họ thông qua các chương trình của chính phủ và quân đội.

Về phần mình, Giáo sư quản lý ngành hàng không vũ trụ Kim Kwang-ok tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc cho biết Mỹ khởi động dự án Artemis bằng cách mời gọi các đồng minh, trong đó có cả Hàn Quốc, vào cuộc chạy đua phát triển không gian, trong bối cảnh cạnh tranh quân sự ngày càng gia tăng với Nga và Trung Quốc. Ông nói: “Về mặt thương mại, Mỹ đã mở ra một chương mới trong lĩnh vực khám phá không gian, phát triển thành công các phương tiện phóng có thể tái sử dụng của SpaceX… chứng minh rằng ngành công nghiệp vũ trụ có hiệu quả kinh tế”.

Thị trường vũ trụ nội địa của Hàn Quốc trị giá 2,63 tỷ USD vào năm 2020, chiếm chưa đến 1% thị trường toàn cầu và vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Tuy nhiên, họ có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng cách hợp tác với ngành công nghiệp vũ trụ thống trị của Mỹ, đồng thời tận dụng các ngành sản xuất cũng như nhân lực kỹ thuật mạnh mẽ.

Nga chuyển trọng tâm ưu tiên sang vùng lãnh thổ châu Á

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga đặt mục tiêu phát triển khu vực Viễn Đông trở thành ưu tiên hàng đầu của thế kỷ 21, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN