Châu Á đối mặt với đợt sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử
Châu Á đang trải qua “tháng 4 nóng nhất lịch sử” với nhiệt độ phá kỷ lục khắp châu lục, từ Đông Nam Á đến Nam Á. Chống biến đổi khí hậu đang trở nên vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.
Người dân địa phương đổ ra sông tắm giải nhiệt ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, Ấn Độ
Nhiều kỷ lục nắng nóng bị phá vỡ
Đợt nắng nóng đầu tháng 4 vừa qua được các chuyên gia đánh giá là “sóng nhiệt tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á”. Theo truyền hình CNN, nền nhiệt trung bình ở nhiều nước châu Á liên tục lập kỷ lục mới khi đợt nắng nóng đầu tiên vào đầu tháng 4 chỉ mới bắt đầu. Nắng nóng gay gắt gần như bao trùm toàn bộ châu Á và không có dấu hiệu thuyên giảm.
Ở Ấn Độ, những đợt nắng nóng thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7. Tuy nhiên, những năm gần đây những đợt nắng nóng này trở nên gay gắt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, 48 trạm thời tiết ở nước này đã ghi nhận nhiệt độ trên 42°C vào ngày 18-4, với mức cao nhất là 44,2°C ở bang Odisha phía Đông Ấn Độ. Ở bang Maharashtra phía Tây Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì say nắng sau khi tham dự lễ hội địa phương. Trong khi đó, ít nhất hai bang Tripura ở phía Đông bắc và Tây Bengal ở phía Đông Ấn Ddodoj đã ra lệnh đóng cửa trường học trong tuần này do nền nhiệt độ cao hơn 5°C so với bình thường.
Tại Ishurdi của Bangladesh trong ngày 17-4, nhiệt độ cũng tăng vọt lên 43°C. Trước đó, Thủ đô Dhaka cũng ghi nhận mức nhiệt rất cao 40,5°C, đây là mức nhiệt cao nhất trong vòng gần 60 năm qua. Đường phố Dhaka ít người đi bộ hơn bình thường và một số công trường xây dựng đã tạm dừng mọi hoạt động ngoài trời. Ở Đông Nam Á, một số quốc gia đã công bố nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận. Lào là quốc gia mới nhất lập kỷ lục mới mọi thời đại khi Luang Prabang ghi nhận nền nhiệt lên đến 42,7°C vào hôm 18-4. Myanmar cũng ghi nhận nắng nóng kỷ lục vào đầu tháng 4 khi nền nhiệt được đo tại thị trấn Kalewa, thuộc vùng Sagaing lên đến 44°C. Còn tại Campuchia, ngày 10-4 Bộ Y tế đã phải ra thông báo hướng dẫn người dân uống nhiều nước, tránh thức uống có cồn, không ăn mặn, ngọt, mặc quần áo chống nắng, tránh ra ngoài vào buổi trưa, Ở Thái Lan, tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất và nước này đã trải qua đợt nắng nóng nhất trong lịch sử vào giữa tháng 4 vừa rồi. Hôm 14-4, Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt vượt ngưỡng 45°C, cao nhất là 45,4°C tại thị trấn Tak trong dịp lễ đón năm mới. Theo Arabiaweather, kỷ lục nhiệt độ trước đó tại Thái Lan là 44,6°C ghi nhận ở tỉnh Mae Hong Son vào năm 2016. Giống như nhiều quốc gia châu Á, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các kỷ lục nắng nóng hay “sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử”. Từ đầu mùa tới nay, Tây Bắc Bộ và miền Trung đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng nhưng đã có tới 2 đợt ghi nhận những giá trị vượt mức kỷ lục so với cùng kỳ các năm trước. Trong đợt nắng nóng đầu tiên, ngày 22-3, tổng cộng có tới 18 trạm khí tượng ở miền Bắc, miền Trung ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay trong cùng thời kỳ tháng 3, tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Nhiệt độ tại Kim Bôi là 41,4°C, vượt mốc lịch sử 38,1°C vào năm 1996. Tại Lạc Sơn nhiệt độ 39,4°C, vượt mốc lịch sử 39°C độ năm 1996. Tại thành phố Hòa Bình ghi nhận nhiệt độ 38,8°C, vượt mốc lịch sử năm 1996. Con Cuông là 40,4°C, vượt giá trị lịch sử năm 2014. Hương Sơn là 39,7°C, vượt giá trị lịch sử năm 2014.
Sang tháng 4, một lần nữa nhiệt độ lại phá vỡ các kỷ lục trước đó. Ngày 18-4, khoảng 10 trạm khí tượng ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã có giá trị lịch sử mới… Dự báo trong tháng 5-2023, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc, kể cả ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đặc biệt, cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6, 7 ở Bắc bộ và từ nửa cuối tháng 6, 8 ở Trung bộ. Trong khi đó, tháng 5 và tháng 6, Nam bộ sẽ chấm dứt nắng nóng.
Việt Nam tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, nắng nóng kỷ lục ở châu Á trong tháng 4 này là do dòng xiết gió Tây nhánh phía Nam cao nguyên Tibet rút lui lên phía Bắc sớm, tạo điều kiện cho vùng thấp nóng ở châu Á hoạt động sớm và mạnh hơn so với trung bình hàng năm, gây ra nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm.
Nắng nóng không phải là điều lạ trong mùa hè nhưng biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác đang khiến nó trở nên thất thường, nguy hiểm và đáng sợ hơn. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự quay trở lại của El Nino, các chuyên gia lo ngại không chỉ tháng 4 này mà các tháng mùa hè tiếp theo của năm 2023 hoặc cũng có thể là 2024, Việt Nam và thế giới có thể sẽ tiếp tục có những kỷ lục mới về nắng nóng.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Harvard và Đại học Washington, do biến đổi khí hậu, các đợt sóng nhiệt nguy hiểm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn gấp 3 - 10 lần vào năm 2100. Nghiên cứu này cũng chỉ ra, ở vùng nhiệt đới, bao gồm phần lớn châu Á, người dân có thể tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm hầu hết các ngày trong năm. Những ngày có nhiệt độ ở mức cực kỳ nguy hiểm - chạm ngưỡng 51°C - có thể tăng gấp đôi, thách thức giới hạn về khả năng sinh tồn của con người.
Với Việt Nam, với kịch bản phát thải cao, đến cuối thế kỷ, nhiệt độ trung bình mùa hè ở Việt Nam sẽ gia tăng trong khoảng từ 3,3 - 4,6°C, số ngày nắng nóng tức là ngày có nhiệt độ trên 35°C là sẽ tăng lên 75-90 ngày. Số ngày nắng nóng gay gắt trên 37°C cũng tăng trên nhiều vùng trên cả nước, đặc biệt là Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ. Chính vì thế, Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước những thách thức biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả. Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch… liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này thể hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam về định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới gắn với các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26, tập trung vào 8 mục tiêu chính. Trong đó, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính được thực thi trước hết. Các bộ, ngành cũng ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng xây dựng và ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho địa phương. Một số địa phương đã ban hành bản cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn: [Link nguồn]
Vụ việc thương tâm xảy ra trong một sự kiện ngoài trời do chính phủ tài trợ.