Châu Á, châu Âu vào cuộc đua tranh giành khí đốt
Nhiều nước châu Á và châu Âu đẩy mạnh thu mua khí đốt hóa lỏng để tăng nguồn dự trữ cuối năm giữa lúc thị trường năng lượng có nhiều biến động.
Tờ Financial Times mới đây cho biết nhiều nước châu Á và châu Âu đang ráo riết thu mua khí đốt hóa lỏng (LNG) nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước cho cuối năm nay. Điều này tạo ra một cuộc cạnh tranh LNG giữa các nước này với độ quyết liệt ngày càng được đẩy cao, làm dấy lên nguy cơ giá khí đốt toàn cầu sẽ tăng mạnh hơn nữa và khiến cuộc khủng hoảng giá cả hiện hữu trở nên trầm trọng hơn.
Châu Á, châu Âu tăng mua LNG
Theo đó, Financial Times cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo nguồn cung cho những tháng mùa đông tới và xa hơn nữa. Điều này diễn ra vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) cũng đang gia tăng nhu cầu khí đốt từ các nguồn khác nhằm thay thế nguồn cung thông qua các đường ống từ Nga.
Ngoài ra, Mỹ cũng là nhà cung cấp LNG mà châu Á và châu Âu đang tranh giành tiếp cận. Quốc gia này đã xuất khẩu 74% LNG sang châu Âu trong bốn tháng đầu năm nay, nhiều gấp đôi so với mức 34% của năm ngoái. Trong khi đó, châu Á lại là thị trường chính của LNG Mỹ vào các năm 2020 và 2021.
So với một năm trước, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gần năm lần và điều này đã làm tăng mạnh hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng, cũng như gây sức ép cho các công ty dịch vụ thiết yếu.
“Các nước đang tranh nhau mua LNG, tình trạng này sẽ kéo dài đến hết năm nay và có thể sang cả năm 2023. Sự cạnh tranh hiện chưa làm tăng giá nhưng giá sẽ sớm tăng và những người chậm chân sẽ lãnh đủ” - giám đốc một công ty năng lượng ở châu Á giấu tên cho biết.
Giám đốc Tập đoàn năng lượng Triden LNG (Ý) Toby Copson nhận định các nước năm nay chạy đua tích trữ LNG sớm hơn mọi năm. Các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký các hợp đồng tương lai mua khí đốt trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 1-2023. “Hàn Quốc và Nhật Bản đang có vấn đề với an ninh năng lượng nên họ cần chuẩn bị trước cho những gì có thể xảy ra trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn” - ông Copson nói.
EU hiện tìm cách để giảm dần và tiến tới chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tăng cường thu mua LNG là giải pháp hiếm hoi, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn cung khí đốt khác từ các nước Bắc Phi. Từ cuối tháng 7, lượng khí đốt Nga bán cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm xuống chỉ còn 20% công suất tối đa.
Giới chức EU cảnh báo Moscow có thể cắt hoàn toàn nguồn cung bất kỳ lúc nào. Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng không đổi, thậm chí tăng lên nhưng nguồn cung khí đốt từ Nga giảm xuống, giá khí đốt châu Âu tăng là điều không thể tránh khỏi.
Một tàu hàng chở khí đốt hóa lỏng neo tại cảng thuộc TP Incheon, Hàn Quốc hồi tháng 6. Ảnh: YONHAP
Châu Âu đang tạm dẫn đầu
Từ lâu, châu Á đã là khu vực nhập khẩu LNG lớn trên thế giới, với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba nước nhập khẩu nhiều nhất. Trong một thời gian dài, giá LNG tại châu Á luôn cao hơn so với châu Âu. Nhưng sau khi Trung Quốc phong tỏa hàng loạt TP vì dịch COVID-19 và đặc biệt sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, tương quan về giá khí đốt giữa hai thị trường đã thay đổi. Giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu trên sàn TTF hiện cao hơn đáng kể so với châu Á.
Giá ở châu Âu cao hơn đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ chuyển LNG đến đó để hưởng tỉ suất lợi nhuận cao hơn. Mức chênh lệch này hiện nhiều đến mức trong một số trường hợp, các nhà giao dịch theo hợp đồng dài hạn ở châu Á có thể cắt đứt hợp đồng hiện tại và nộp phạt mà vẫn kiếm được lợi nhuận nếu họ bán lại ở châu Âu.
Giới kinh doanh nhận định diễn biến thị trường như vậy sẽ “buộc châu Á phải chấp nhận trả nhiều tiền hơn nếu muốn mua được LNG”. Trong khi những nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có thể chịu được giá tăng cao ở một mức độ nào đó, chi phí năng lượng tăng vọt đã trở thành gánh nặng đối với nhiều quốc gia đang phát triển khác trong cùng khu vực.
Dù tình hình hiện tại chưa đến mức tiêu cực như vậy, song kịch bản nói trên đã ở trước mắt trong bối cảnh chưa thể lường trước mức dự trữ khí đốt của châu Âu, cũng như bất ổn quanh dự án khai thác LNG Sakhalin-2 tại Nga. Sau khi đối tác phương Tây rút khỏi dự án, Sakhalin-2 sắp bị quốc hữu hóa theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Sản lượng khai thác từ dự án này chiếm 10% lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản.
Nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc, nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, nhìn chung ở mức thấp vì nền kinh tế bị suy thoái do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trung Quốc cũng đang bán lại lượng LNG dư thừa, làm giảm bớt phần nào sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia thuộc Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), mùa đông tới sẽ là thời điểm mà cuộc đua tranh giành nguồn cung trở nên cấp bách. Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cần nạp đầy kho dự trữ và khi hoạt động kinh tế của Trung Quốc bắt đầu phục hồi rõ ràng hơn, cán cân LNG sẽ thay đổi đáng kể. Nếu nguồn cung cho châu Âu bị giới hạn, khu vực này sẽ phải tìm cách giảm nhu cầu nội địa nhiều hơn.
EU lại lục đục vì kế hoạch cắt giảm khí đốt Hãng tin Reuters ngày 5-8 dẫn một tài liệu do Cộng hòa Czech, nước đang chủ trì các cuộc đàm phán về năng lượng trong EU, vừa công bố cho biết Ba Lan và Hungary đã từ chối ủng hộ kế hoạch giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của khối. Vào tuần trước, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí kế hoạch cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt để lấp đầy kho dự trữ trong bối cảnh lo ngại về khả năng Nga sẽ cắt nguồn cung. Ngay từ đầu, Hungary, quốc gia đang đàm phán với Nga để đảm bảo nguồn cung khí đốt nhiều hơn, đã phản đối kế hoạch này. Theo tài liệu của Cộng hòa Czech, chính quyền Budapest đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kế hoạch, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước. Trong khi đó, Ba Lan ban đầu đồng ý cắt giảm lượng tiêu thụ nhưng đến lúc bỏ phiếu lại phản đối kế hoạch này. Theo Warsaw, kế hoạch trên không đủ cơ sở pháp lý và cho rằng quyết định ảnh hưởng đến tình hình năng lượng của các nước EU cần được đưa ra với sự chấp thuận nhất trí của tất cả quốc gia thành viên. Theo Reuters, kế hoạch phân bổ mới của EU đề nghị toàn bộ thành viên tự nguyện cắt giảm 15% khí đốt vào mùa đông tới. Tuy nhiên, thỏa thuận cho phép miễn trừ một số trường hợp cụ thể của một số quốc gia thành viên, chẳng hạn như những nước không có kết nối với mạng lưới khí đốt hoặc lưới điện của các quốc gia thành viên khác. Ngoài ra, các thành viên có thể yêu cầu nới lỏng các điều kiện nếu các ngành công nghiệp quan trọng chiến lược của họ phụ thuộc nhiều vào khí đốt. |
Tuabin đường ống Nord Stream 1 là tâm điểm trong mâu thuẫn về nguồn cung khí đốt giữa Nga và châu Âu và Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới kiểm tra trực tiếp vào ngày 3.8, tập...
Nguồn: [Link nguồn]