Chấp nhận chuyển giao quyền lực, ông Trump tính toán gì?

Việc tiếp tục theo đuổi nỗ lực pháp lý chống lại ông Biden có thể không đem lại lợi ích nào cho ông Trump mà còn khiến tương lai hậu tổng thống của ông gặp khó khăn hơn.

Ngày 23-11, đài CNBC cho biết Giám đốc Cơ quan Quản lý các dịch vụ công của Mỹ (GSA) - bà Emily Murphy bất ngờ gửi thư đến Tổng thống tân cử Joe Biden thông báo rằng chính quyền đương kim Tổng thống Donald Trump đã đồng ý chuyển giao quyền lực và sẽ hỗ trợ để quá trình này diễn ra suôn sẻ. Lá thư được công bố chỉ vài phút trước khi ông Trump đăng tải trên trang Twitter cá nhân rằng ông phê chuẩn động thái của GSA.

Bước đi có tính toán

Trước mắt, bức thư GSA gửi cho ông Biden là một trong những tín hiệu cho thấy phe ông Trump có vẻ đã thừa nhận thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020. Dù vẫn còn hơn ba tuần nữa đại cử tri các bang mới tiến hành bỏ phiếu, song nhà lãnh đạo này được đa số đơn vị khảo sát dự báo sẽ chỉ đạt được 232 phiếu đại cử tri, thua 74 phiếu so với ông Biden.

Việc GSA chấp nhận chuyển giao quyền lực là bước cần thiết để bắt đầu giải quyết những thách thức mà quốc gia của chúng ta phải đối mặt, bao gồm cả việc kiểm soát đại dịch và đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng. Cố vấn phụ trách quy trình chuyển giao quyền lực của  ông Biden

YOHANNES ABRAHAM

Trong khi đó, nỗ lực pháp lý do phía ông Trump khởi xướng ở các bang chiến địa nhằm đảo ngược kết quả đến nay gần như thất bại hoàn toàn khi phần lớn các đơn kiện đều bị tòa án bang bác vì thiếu bằng chứng. Số ít được chấp nhận thì không tạo được ảnh hưởng đủ lớn để giúp ông lật ngược thế cờ. Mới nhất, đài CNN đưa tin chính quyền bang Michigan trong ngày 23-11 tuyên bố kiểm phiếu xong và xác nhận ông Biden là người chiến thắng ở đây.

Tuy nhiên, ngoài những lý do khách quan trên, hiện vẫn chưa rõ vì sao bản thân Tổng thống Trump đến giờ lại chịu buông xuôi như vậy khi từ ngày 3-11 đến nay ông nhiều lần tuyên bố sẽ theo đuổi cáo buộc đảng Dân chủ gian lận phiếu tới cùng. Theo đài NPR, lý do khả quan nhất là ông Trump cuối cùng cũng chịu nghe ý kiến khuyên ngăn từ cấp dưới và các đồng minh đảng Cộng hòa rằng việc chống đối một tình thế đã rồi sẽ không đi đến đâu cả, thậm chí về lâu dài sẽ gây bất lợi cho ông.

Chấp nhận chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden, liệu Tổng thống Donald Trump (ảnh) đã tính toán kỹ các bước đi về sau? Ảnh: GETTY IMAGES

Chấp nhận chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden, liệu Tổng thống Donald Trump (ảnh) đã tính toán kỹ các bước đi về sau? Ảnh: GETTY IMAGES

Trước đó, nhiều trợ lý thân cận của Tổng thống Trump đã tiết lộ rằng nhà lãnh đạo này có ý định sẽ tái tranh cử vào năm 2024. Nếu cứ tiếp tục làm khó ông Biden thì điều duy nhất đọng lại trong mắt người dân Mỹ về ông sẽ chỉ còn là một nhân vật sẵn sàng bất chấp luật pháp để bảo vệ quyền lực, trái ngược với hình ảnh ông Biden là một lãnh đạo thực thụ đang nỗ lực hàn gắn đất nước đầy chia rẽ. Theo NPR, “một bộ phận không nhỏ thành viên Cộng hòa đang tỏ ra rất bất bình với cách hành xử của ông Trump, nếu không muốn năm 2024 phải tự lập đảng riêng để tranh cử thì tốt nhất ông ấy nên dừng lại ngay bây giờ và ông đã lựa chọn giải pháp đó”.

Chuẩn bị đường “hạ cánh an toàn”?

Lý do khả quan thứ hai là phía ông Trump đã đạt được một thỏa thuận nào đó với đảng Dân chủ về số phận của ông sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, hoặc ít nhất là với đội ngũ ông Biden. Còn nhớ phe Dân chủ ở Quốc hội trong suốt thời gian ông Trump lãnh đạo liên tục khởi động các cuộc điều tra các cáo buộc tham nhũng, trốn thuế, lạm dụng quyền lực và thông đồng với Nga nhằm vào ông Trump. Tuy nhiên, ông Trump liên tục thoát nạn một cách “thần kỳ” vì hầu như đảng Dân chủ không tìm được đủ bằng chứng chống lại ông và quan trọng hơn nữa là ông có nhiều đồng minh, người ủng hộ ở cả Tòa án Tối cao và Thượng viện - hai cơ quan duy nhất đủ năng lực tác động bảo vệ ông Trump khi ông còn là tổng thống.

Tuy nhiên, một khi hết nhiệm kỳ, trở thành công dân bình thường, ông Trump sẽ không còn những đặc quyền và những quan hệ có sức ảnh hưởng như trước nữa. Lúc này, đảng Dân chủ sẽ mặc nhiên không bị bất kỳ hạn chế nào và có đủ nguồn lực để đưa ông Trump ra tòa lần nữa. Kịch bản tệ nhất là ông Trump bị kết án, tịch thu những tài sản được cho là kiếm được từ hành vi tham nhũng và sẽ ngồi tù hàng chục năm vì những tội như trốn thuế, tham nhũng bị luật pháp Mỹ xử rất nặng. Kịch bản nhẹ hơn là ông sẽ mất hết uy tín trong mắt người ủng hộ nói riêng, người dân Mỹ nói chung và con đường vào Nhà Trắng năm 2024 của ông trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhìn rộng ra, việc ông Trump bị kết án cũng sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến đảng Cộng hòa, đặc biệt là tham vọng tái chiếm chính trường Mỹ của đảng này trong tương lai gần.

Ngày 16-11, đài NBC News từng dẫn một nguồn tin giấu tên trong đội ngũ của ông Biden tiết lộ ông Biden đã nói riêng với các nhân viên rằng ông hiện không có ý định sẽ điều tra ông Trump ngay khi nhậm chức vì lo ngại một động thái như vậy sẽ gây chia rẽ thêm đất nước. “Ông ấy nói rất rõ là ông ấy chỉ muốn bước tiếp thay vì cứ bám vào quá khứ. Ông ấy muốn giải quyết vấn đề chứ không phải bới chúng cho to ra” - nguồn tin của NBC News khẳng định. Dựa vào thông tin này, khả năng hai bên đã đạt được thỏa thuận riêng càng có cơ sở hơn.

Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp ông Biden muốn tạo điều kiện cho ông Trump “hạ cánh an toàn” mà đảng Dân chủ không chịu thì ông vẫn có thể ra tuyên bố tha bổng cho ông Trump. Đây là điều từng có tiền lệ trong lịch sử khi Tổng thống Mỹ thứ 38 Gerald Ford (nhiệm kỳ 1974-1977) ra lệnh ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon sau khi ông này bị đem ra Thượng viện luận tội với cáo buộc gài máy nghe lén tại trụ sở của đảng Dân chủ vào năm 1972. Trong các kịch bản nêu trên, đây là cách giải quyết tương đối ổn thỏa nhất, làm hài lòng cả phe Dân chủ lẫn ông Trump.

Vai trò của GSA như thế nào trong quy trình chuyển giao quyền lực?

Theo đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1963, giám đốc GSA có trách nhiệm xác định ai là người chiến thắng và kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực vào “thời điểm rõ ràng”. Người đứng đầu GSA có nhiệm vụ ký những thủ tục giấy tờ chuyển hàng triệu USD cho tổng thống đắc cử, trao quyền tiếp cận các quan chức chính phủ, chuyển giao các văn phòng và thiết bị cho đội ngũ người chiến thắng. Theo đài CNN, GSA thời gian qua dưới sự chỉ đạo của ông Trump đã từ chối thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép chính quyền ông Trump chuyển giao quyền lực cho chính quyền kế nhiệm, thậm chí còn ngăn ông Biden tham gia các cuộc họp giao ban về thông tin tình báo và đại dịch COVID-19 hằng ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Người được ông Biden chọn làm Ngoại trưởng Mỹ rất quen thuộc với Việt Nam

Ông Antony Blinken được ông Joe Biden chọn làm Ngoại trưởng Mỹ từng tham gia vào quá trình xây dựng, củng cố quan hệ Việt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN