Chặng đường đạt tới đỉnh cao quyền lực của ông Tập Cận Bình
Sau 5 năm cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Ông (Tập Cận Bình) là một người quyền lực. Ông ấy là người mạnh nhất kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình", hãng tin CNN dẫn lời Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings tại Washington nhận định.
Tương tự, ông Kerry Brown, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại King's College ở London cũng bình luận: "Ông Tập đứng đầu tất cả các trung tâm quyền lực chính thống từ quân đội đến chủ tịch đảng... bất cứ lĩnh vực nào. Ông Tập dường như là trung tâm quyền lực của Trung Quốc hiện đại".
Cùng nhìn lại chặng đường đi lên đỉnh cao quyền lực của ông Tập kể từ khi ông bắt đầu bước vào chính trường Trung Quốc cho đến nay.
Ông Tập sinh tháng 6.1953, là con trai của một nhà cách mạng từng giữ chức vụ cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước khi dấn thân vào chính trường, ông Tập từng sống với nông dân và cùng họ làm nông nghiệp trong giai đoạn 1969-1975 tại làng Liangjiahe.
Chính thời gian sống gần gũi người dân này sau đó đã trở thành "điểm mạnh" trong hồ sơ lý lịch cá nhân của ông Tập, giúp ông xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo gần gũi với dân, rất có ích cho sự nghiệp của ông.
Ông Tập gia nhập đảng Cộng sản năm 1974, công việc chính thức đầu tiên trong chính phủ của ông là thư ký riêng cho Bộ trưởng Quốc phòng Geng Biao.
Sau đó, ông Tập thăng tiến nhanh qua các cấp bậc và năm 2002, ông được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh ủy Chiết giang, phía Đông Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ 5 năm ở Chiết Giang, ông Tập đã xây dựng căn cứ quyền lực mạnh mẽ của mình ở đây và duy trì căn cứ quyền lực này cho đến tận ngày nay.
"Ông Tập đã thăng cấp cho nhiều cấp dưới ở Chiết Giang... Cái gọi là phe Chiết Giang hiện là một căn cứ quyền lực chính của ông Tập", CNN dẫn lời ông Willy Lam, giáo sư phụ tá của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc bình luận.
Ông Tập Cận Bình tới Hong Kong ngày 29.6
Năm 2007, ông Tập được bầu vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 thành viên - cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc.
Chỉ 5 năm sau đó, tháng 11.2012, ông được bầu làm Tổng thư ký Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính thức trở thành Chủ tịch Trung Quốc 4 tháng sau đó (3.2013).
Phong cách lãnh đạo của ông Tập được đánh giá là rất khác so với những người tiền nhiệm như ông Hồ Cầm Đào và Giang Trạch Dân.
Sự khác biệt này được đánh dấu bằng việc ông Tập công bố chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng mang tên "đả hổ diệt ruồi". Chiến dịch này đã khiến 300.000 quan chức Trung Quốc từ địa phương đến trung ương "ngã ngựa" chỉ riêng năm 2015.
Theo CNN, chiến dịch chống tham nhũng suốt từ những năm đầu nắm quyền đến nay của ông Tập là một cách để ông củng cố quyền lực hữu hiệu.
"Tôi tin rằng, chiến dịch đã củng cố niềm tin của người dân vào Đảng Cộng sản. Tham nhũng là thách thức lớn nhất đối với hệ thống Cộng sản từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa", ông Cheng Li bình luận.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà phân tích nói rằng, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập "có chọn lọc" vì hiếm khi thấy những người ủng hộ ông bị lọt vào danh sách. Đến tháng 10.2016, vị thế đặc biệt của ông Tập được chính thức công nhận khi ông trở thành "nhà lãnh đạo cốt lõi" của đảng Cộng sản - một chức danh tượng trưng cho quyền lực vượt trội.
Một số nhà phân tích nhận định, sau khi trở thành "nhà lãnh đạo cốt lõi" của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được có thể chuẩn bị phá vỡ truyền thống để tiếp tục nắm quyền sau nhiệm kỳ thứ 2 đến hết năm 2022.
Theo đó, ông sẽ củng cố quyền lực trong đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kéo dài 1 tuần từ hôm nay (18.10). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng diễn ra 5 năm 1 lần, sẽ giới thiệu một thế hệ lãnh đạo mới cho Trung Quốc.
Nhiều người đánh giá, tầm ảnh hưởng của ông Tập hiện nay có thể sánh ngang với lãnh tụ Mao Trạch Đông.