Chân dung Ahmad Massoud - lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Taliban
Ông Ahmad Massoud - con trai của một chỉ huy quân sự nổi tiếng ở Afghanistan, được du học ở Anh - ủng hộ một chính phủ dân chủ, nhiều thành phần không loại trừ có cả Taliban tham gia.
Đến nay, Taliban được xem là bên chiến thắng chung cuộc của cuộc nội chiến Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh rút quân còn Tổng thống Afghanistan - ông Ashraf Ghani thì rời sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) để tị nạn.
Dù vậy, việc kiểm soát và thiết lập chính quyền mới ở Afghanistan không phải là chuyện dễ dàng bởi Afghanistan có rất nhiều phe phái hoạt động; đây cũng từng là điểm yếu mà chính quyền ông Ghani khi không thể cân bằng được lợi ích của những phe này.
Do đó không có gì quá bất ngờ khi một lực lượng kháng chiến chống lại Taliban đang hình thành ở thung lũng Panjshir - khu vực cuối cùng mà Taliban chưa kiểm soát được, cách thủ đô Kabul 150 km về phía tây bắc. Lãnh đạo của lực lượng này là ông Ahmad Massoud.
Ông Ahmad Massoud trong một sự kiện ở thung lũng Panjshir hồi tháng 6-2018. Ảnh: REUTERS
Gia thế 'khủng' của ông Ahmad Massoud
Theo hãng tin Sputnik, ông Ahmad Massoud từ lâu đã là một nhân vật rất có tiếng nói ở Afghanistan nói chung và những phe phái hoạt động ở Panjshir nói riêng.
Ông là con của chỉ huy Ahmad Shah Massoud - người được một bộ phận người dân Afghanistan xem là anh hùng dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô can thiệp (1979-1989) khi thành công giữ chân quân Liên Xô ở Panjshir nhiều năm liền.
Sau khi Liên Xô rút quân thì ông Shah Massoud tiếp tục chiến đấu với phe Taliban và thành công giữ vững Panjshir và các vùng lân cận cho đến khi bị ám sát vào tháng 9-2001. Cũng nhờ khả năng cầm quân của ông Shah Massoud mà thung lũng Panjshir cũng được mang danh là thành trì không thể bị đánh bại.
Chỉ huy Ahmad Shah Massoud (cầm giấy). Ảnh: Telegraph
Thừa hưởng bề dày thành tích của cha, ông Ahmad Massoud được kỳ vọng tiếp thu tài lãnh đạo của chỉ huy Shah Massoud và lãnh đạo phong trào kháng chiến hiện nay đi tới thành công. Ông đã dành phần lớn thời gian qua để học tập ở Iran và Anh. Ông được cho là có bằng Chiến tranh học của ĐH King's College (Anh) và bằng Quan hệ quốc tế ở ĐH London (Anh) và đến năm 2016 mới về lại Afghanistan.
Trong một phát biểu ngày 22-8, ông Ahmad Massoud đã thể hiện mình là người cứng rắn khi tuyên bố: "Tôi là con trai của Ahmad Shah Massoud. Đầu hàng không có trong từ điển của tôi", theo hãng tin Reuters.
"Cha tôi là anh hùng dân tộc và đã trao lại cho tôi nhiệm vụ chiến đấu vì tự do cho người dân Afghanistan. Các đồng chí của tôi và tôi đã sẵn sàng hy sinh. Chúng tôi kêu gọi mọi con người tự do ở Afghanistan, những người không chịu làm nô lệ, hãy tập hợp ở thành trì Panjshir - nơi tự do cuối cùng ở mảnh đất khốn khổ này. Gửi tới tất cả những người Afghnanistan ở khắp mọi miền, hãy tới và chiến đấu cùng chúng tôi" - ông Ahmad Massoud phát lời kêu gọi.
Ngoài những thông tin trên thì hiện vẫn chưa có thêm nhiều thông tin khác về nhân vật này cũng như kế hoạch cho tương lai Afghanistan trong kịch bản giành lại được đất nước từ tay Taliban.
Tuy nhiên, ông Ahmad Massoud có lên tiếng ủng hộ một chính phủ nhiều thành phần, nhiều tiếng nói từ các phe phái khác nhau và sẵn sàng cho Taliban đứng chung nếu phe này chấp nhận. Ông học ở nước ngoài nên nhiều khả năng cũng sẽ có tư tưởng tiến bộ hơn và quan tâm tới vấn đề quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ, hơn phe Taliban hiện nay.
Nhìn lại khi chỉ huy Ahmad Shah Massoud còn sống và hoạt động ở Panjshir thì khu vực này đã từng được rất nhiều bước tiến đáng kể về mặt chính trị - xã hội như người dân không bị bắt tuân theo giáo luật Shariyah và có quyền bầu cử, phụ nữ được đi học và được tham gia quản lý hành chính.
Do đó, nếu ông Ahmad Massoud theo bước của cha đúng như ông tuyên bố thì Afghanistan cũng có thể được hưởng những tiến bộ như vậy.
Quy mô phong trào kháng chiến ở thung lũng Panjshir?
Reuters dẫn lời một người trong phong trào kháng chiến ở Panjshir cho biết số tay súng tham gia hiện tại vào khoảng 6.000, phần lớn là người dân trong vùng cộng thêm một lượng cựu binh của quân đội quốc gia Afghanistan - đặc biệt là có cả thành viên của lực lượng đặc nhiệm Afghanistan tinh nhuệ.
Phần lớn quân trang, vũ khí hiện nay cũng là do các cựu binh mang tới khi tập trung tại đây cùng một lượng vũ khí khác tích trữ từ trước nhưng nhìn chung vẫn còn hạn chế.
Các tay súng thuộc phe kháng chiến ở thung lũng Panjshir hồi tháng 7. Ảnh: SKY NEWS
Trên thực tế, ông Ahmad Massoud cũng nhận thức rõ vấn đề này, nếu không có nguồn hỗ trợ sẽ không thể duy trì hoạt động lâu dài, nên đã đánh tiếng nhờ Mỹ và phương Tây hỗ trợ.
Trong bài viết trên tờ The Washington Post ngày 18-8, ông nhấn mạnh giữa phe kháng chiến và phương Tây có nhiều giá trị chung, đặc biệt là các giá trị dân chủ và chống chủ nghĩa khủng bố. Ông khẳng định không thể cầm cự lâu nếu thiếu sự hỗ trợ của phương Tây và một Afghanistan do Taliban lãnh đạo sẽ đào tạo khủng bố cực đoan tấn công ngược lại phương Tây.
"Dù thế nào đi nữa, tôi và các đồng chí sẽ chiến đấu và bảo vệ thành trì tự do cuối cùng ở Panjshir. Chúng tôi biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước. Giữa chúng ta có nhiều giá trị chung và các ông là hy vọng duy nhất còn lại của chúng tôi" - ông Ahmad Massoud nêu rõ.
Hiện chưa có nước nào lên tiếng công khai ủng hộ phong trào của ông Massoud. Sputnik cho biết Nga có biết về phong trào này nhưng cũng chưa lên tiếng chính thức. Trong nước thì ông Massoud hiện đã nhận được ủng hộ của Phó Tổng thống Amrullah Saleh - người vừa tự xưng là lãnh đạo Afghanistan lâm thời và đang tập hợp một lực lượng kháng chiến riêng, và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bismillah Mohammadi (nhiệm kỳ 2012-2015).
Nguồn: [Link nguồn]
Taliban từng thành lập riêng một lực lượng đặc nhiệm, gồm hơn 1.000 tay súng có kỹ năng, kinh nghiệm, chỉ với mục tiêu...