Để con núp sau tường rồi cầm dao xông ra đâm hoàng đế Trung Quốc
Hoàng đế Gia Khánh của Trung Quốc được nhắc đến với khá nhiều câu chuyện kỳ quặc. Ông không bị coi là hôn quân nhưng bị mưu sát đến 4 lần, trong đó có lần bị một đầu bếp thất nghiệp mưu sát.
Hoàng đế Gia Khánh cùng các quan, thị vệ từ Viên Minh Viên về Tử Cấm Thành (tranh minh họa)
Trong lịch sử Trung Quốc, số hoàng đế bị chết vì tai bay vạ gió không phải là ít, số bị mưu sát cũng rất nhiều, nhưng bị một người bình dân không liên quan tiếp cận để "ra tay" như trường hợp của hoàng đế Gia Khánh thì quả là hi hữu.
Năm Gia Khánh thứ 8 (1803), quân Thanh giành được nhiều thắng lợi trong việc trấn áp cuộc nổi loạn tôn giáo của Bạch Liên giáo, nên hoàng đế Gia Khánh hay dẫn các quần thần đến Viên Minh Viên ca hát, ngâm thơ, yến tiệc.
Ngày 20 tháng 2 năm Gia Khánh thứ 8 (1803), hoàng đế Gia Khánh (khi đó 44 tuổi), đang từ Viên Minh Viên về Tử Cấm Thành. Như mọi lần, sau khi về đến Thần Vũ Môn, hoàng đế sẽ đổi kiệu để vào cung.
Khi Gia Khánh về đến Thần Vũ Môn, ông cho quân lính dừng lại để đổi kiệu để vào cung (ảnh minh họa)
Sáng sớm hôm đó, Trần Đức dẫn cậu con trai 15 tuổi là Trần Lục đến Thần Vũ Môn (cổng phía bắc Tử Cấm Thành). Dường như không có ai cản trở, hai cha con rón rén, nhẹ nhàng tiến đến khu vực cấm của hoàng gia, núp phía sau tường. Trần Đức nói nhỏ với con trai: “Cha sắp chết rồi, con đừng đến nhận xác cha”. Trần Lục sửng sốt hỏi tại sao. Trần Đức nói: “Đừng hỏi nữa, một lát sẽ thấy”.
Chẳng mấy chốc, Trần Đức nhìn thấy phía xa có bụi bay, kiệu của hoàng đế Gia Khánh từ từ đi tới, tiến vào Thần Vũ Môn.
Tranh vẽ lại cảnh Trần Đức lao về phía hoàng đế Gia Khánh, tay lăm lăm con dao
Đúng lúc Gia Khánh đổi kiệu chuẩn bị tiến vào cửa Thuận Trinh bên trong Thần Vũ Môn, từ sau tường phía Nam của tây sương phòng bên trong Thần Vũ Môn, Trần Đức lao đến, tay lăm lăm con dao.
Điều kỳ lạ là, khi Trần Đức lao đến, toàn bộ hơn 100 quan lẫn thị vệ của hoàng đế bỗng chết lặng, đứng nghệt ra như gỗ. Hoàng đế Gia Khánh vừa nhìn thấy có người lao tới với con dao trên tay, sợ hãi lập tức bỏ chạy về phía cửa Thuận Trinh.
Định thân vương Miên Ân và thị vệ Đan Ba Đa Nhĩ Tể cùng đoàn người bao vây kẻ đang truy đuổi hoàng đế Gia Khánh.
Hung thủ lúc này có lẽ đã biết là kiểu gì cũng bị chết nên vẫn cố ra tay để có thêm người chết cùng. Vì vậy, cuộc giằng co quyết liệt đã diễn ra, tạo nên cảnh tượng hiếm gặp chưa từng thấy ngay tại Thần Vũ Môn.
Vụ mưu sát hoàng đế Gia Khánh xảy ra ngay trước cửa Thuận Trinh, Tử cấm Thành
Trong lúc giằng co, Định thân vương Miên Ân bị chém rách áo và và thị vệ Đan Ba Đa Nhĩ Tể bị thương nặng.
Con trai của Trần Đức đang trốn gần đó, nhìn thấy cha mình bị bắt, trong lúc đám đông hỗn loạn, đã vội lẻn đi.
Hoàng đế Gia Khánh từ bất ngờ, hốt hoảng đến phẫn nộ. Ông ra lệnh cho quân cơ đại thần phối hợp với Bộ Hình tra xét đến cùng.
Hung thủ có tên là Trần Đức, 47 tuổi, đến từ Bắc Kinh. Cha mẹ Trần Đức làm giúp việc cho các gia đình giàu có. Khi còn nhỏ, Trần Đức theo cha mẹ đến ở nhà chủ ở Sơn Đông. Khi lớn lên, ông ta làm thuê cho các gia đình ở Sơn Đông để kiếm sống.
Năm 23 tuổi, Trần Đức lấy vợ. Năm 31 tuổi, cha mẹ bị bệnh nặng nên ông ta đưa cả gia đình về Bắc Kinh sống nhờ người thân. Trước khi gây án, Trần Đức làm đầu bếp cho gia đình họ Mạnh. Không may thời gian này, vợ ông ta bệnh rồi mất. Trần Đức một mình nuôi mẹ già 80 tuổi nằm liệt giường và hai đứa con tuổi vị thành niên. Cuộc sống vô cùng khó khăn.
Tranh vẽ Trần Đức, hung thủ vụ mưu sát hoàng đế Gia Khánh
Sau đó, Trần Đức bị gia đình họ Mạnh cho nghỉ việc. Trong tuyệt vọng tột cùng, Trần Đức đưa gia đình đến ở nhờ nhà một người bạn là Hoàng Ngũ Phúc. Theo lời người này kể lại, ngày nào Trần Đức cũng đi tìm việc làm nhưng luôn trở về trong thất vọng. Sau đó, Trần Đức tìm đến rượu để giải tỏa buồn chán. Có lần Trần Đức cãi vã, xô xát trong quán rượu rồi sau đó càng thấy buồn chán hơn và muốn tìm đến cái chết, nhưng phải chết một cách “minh bạch”.
Trần Đức nghe nói hoàng đế Gia Khánh lúc đó đang trên đường về cung, nên đã nảy ra ý định liều mạng mưu sát hoàng đế.
Trần Đức biết rõ rằng, hoàng đế được bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí việc lại gần hoàng đế có thể bị xử tử, nhưng ông ta ta vẫn cố tiếp cận hoàng đế, để giải tỏa bức bối trong lòng và để từ biệt xã hội thối nát này.
Hoàng đế Gia Khánh và một số quan trong triều nghi ngờ đứng sau vụ này có người chủ mưu, hoặc có đồng phạm nên đã cho tra tấn Trần Đức liên tục trong nhiều ngày để tìm ra câu trả lời.
Trần Đức đã chịu nhiều hình phạt khác nhau, gần như tất cả các hình thức tra tấn của triều Thanh lúc bấy giờ. Nhưng từ đầu đến cuối, Trần Đức vẫn một mực khẳng định rằng làm việc này một mình, không có ai đứng sau.
Theo ghi chép trong tài liệu triều Gia Khánh, được bảo quản tại cơ quan lưu trữ Trung Quốc, ông ta khẳng định chỉ là do bất mãn với xã hội, nên mới nghĩ ra mưu sát hoàng đế để trút bỏ tâm lý đó.
Khi nghe kết quả điều tra, hoàng đế Gia Khánh cũng cảm thấy bất lực. Để giữ chút thể diện cho bản thân, ông ra lệnh cho không tiếp tục điều tra nữa. Nhưng ông cũng cho ban chỉ dụ rằng, vì trong quá trình cầm quyền, ông làm chưa tốt lắm, nên để xảy ra chuyện này, sau nhất định sẽ lưu ý “cần chính ái dân” (chăm việc chính sự, yêu thương nhân dân) hơn.
Khi nghe kết quả điểu tra, hoàng đế Gia Khánh cũng cảm thấy bất lực
Một hoàng đế như Gia Khánh không khó khi nói ra những lời này. Chỉ có điều, sau đại án này, ông cũng có chút ái ngại.
Dù vậy, bản thân là một hoàng đế nhà Thanh, nên đối với kẻ mưu sát mình, ông vẫn phải trừng trị nghiêm khắc. Sau khi vụ án khép lại, Trần Đức đã bị đem đi lăng trì xử tử (tùng xẻo đến chết), thường gọi là chết bởi ngàn nhát dao.
Trần Đức bị xử lăng trì (tranh minh họa)
Theo ghi chép trong “Thanh triều dã sử đại quan”, khi bắt đầu bị xử tử lăng trì, Trần Đức mở mắt ra hét lớn “nhanh lên!”, nhưng tên đao phủ nói: “đã có chỉ, lệnh cho nhà ngươi phải chịu đựng thêm”. Sau đó Trần Đức nhắm mắt lại và không nói câu nào nữa.
Tài liệu lưu trữ nhà Thanh ghi lại, hai người con trai tuổi vị thành niên của Trần Đức bị xử treo cổ. Theo luật nhà Thanh lúc bấy giờ, con của tử tội phải đi lưu đày làm nô lệ ở vùng biên cương, nhưng hai con của Trần Đức chưa đến 16 tuổi nên bị xử chết.
Trong vụ việc này, điều làm Gia Khánh tức giận nhất có lẽ là những tên quan làm nhiệm vụ ở gần Thần Vũ Môn đã lơ là nhiệm vụ, nên những người này - ai có trách nhiệm lớn thì bị giáng xuống làm người hầu, những người tội nhẹ thì bị trách phạt.
Đến đây, vụ án mưu sát hoàng đế Gia Khánh khép lại. Nhưng sau sự việc chấn động này, uy tín của hoàng đế Gia Khánh giảm sút nghiêm trọng. Sự kiểm soát lỏng lẻo ở Tử Cấm Thành cũng là một dấu hiệu cho thấy sự suy tàn của đế chế.
Nguồn: [Link nguồn]
Không phải tất cả thái giám trong lịch sử Trung Quốc đều trải qua tịnh thân. Một số ít thái giám bằng mánh khóe nào...