Cha mẹ thuê người bắt cóc con đi cải tạo tại Mỹ
Các cuộc "bắt cóc" này được những bậc phụ huynh thuê người dàn xếp trước và hoàn toàn hợp pháp.
Nạn nhân thường được đưa vào chiếc xe SUV lớn
David, 12 tuổi, tỉnh giấc lúc nửa đêm và thấy 2 người đàn ông cao lớn đứng cạnh giường. Vẫn còn ngái ngủ, nhưng cậu chẳng còn cách nào khác ngoài đi theo họ vì sợ hãi. Khi bị trói và dẫn ra xe ô tô, David đoán mình bị các nhóm buôn ma túy trong trường học bắt cóc để trao đổi, nhưng thực ra không phải vậy. "Thủ phạm" chính là bố mẹ cậu.
Đã 3 năm trôi qua, nhưng David vẫn còn rất sợ hãi.
"Dịch vụ vận chuyển thanh niên", đã cưỡng chế David là chương trình đưa người tới các trường nội trú hoặc nơi tổ chức hoạt động dã ngoại để cải tạo, thường hành động vào lúc rạng sáng. David vẫn còn may mắn khi không bị sử dụng các chiến thuật "chuyên nghiệp" như trói bằng dây điện, tát, thậm chí là đấm.
"Nỗi sợ hãi mà họ tin là mở đầu cho quá trình cải tạo chỉ càng khiến bạn lì hơn", David nói. Cậu không sử dụng tên thật do sợ bị bắt đi tiếp vì ngay sau khi được thả, David lại tiếp tục buôn ma túy.
Các thanh thiếu niên "có vấn đề" cùng tư tưởng "yêu cho roi cho vọt" đã khiến ngành này ra đời. Các công ty hứa hẹn rằng họ có khả năng cai nghiện, chữa bệnh tâm thần và thái độ sống. Tuy nhiên đã có rất nhiều cáo buộc rằng họ bạo hành học viên, thậm chí làm chết người trong quá trình "cải tạo" khép kín kéo dài nhiều tháng tới vài năm.
"Bắt cóc trái ý muốn có thể gây sang chấn tâm lý", bác sĩ Nicole Bush, chuyên khoa nhi và tâm thần học từ ĐH California nhận định. Cô chính là người thiết kế các chương trình trị liệu thích hợp tại nhà cho những đối tượng này, và đồng thời bảo vệ họ khỏi "dịch vụ vận chuyển thanh niên"
Phần lớn các bệnh nhân của Bush là những người ám ảnh tinh thần sau khi trải qua khóa cải tạo nội trú. Một thiếu nữ kể lại khi đang ăn tối với bạn bè, cô bất ngờ bị kéo lê lên chiếc ô tô và điều này khiến cô mắc chứng rối loạn lo âu trong thời gian dài.
Các "khách hàng" có thể bị trói và đối xử như tội phạm
"Chúng hay gặp ác mộng, không thể ngủ một mình và phải bật đèn xuyên đêm, kể cả khi chuyện xảy ra đã hơn 10 năm", Bush kể. Một số nhân viên dịch vụ này còn rất tự tin vào việc bạo hành như ném người lên xe một cách thô bạo nhằm khiến các thanh niên"giác ngộ" rằng vấn đề ở trường học hay gia đình còn quá nhẹ so với trải nghiệm sợ hãi đó.
Cách "cải tạo" này phản khoa học nhưng lại hợp pháp nhờ vào hệ thống luật ở Mỹ, cho phép cha mẹ giao trách nhiệm giám hộ con cái cho các công ty như trên, từ chăm sóc y tế tới giáo dục. Vì vậy trừ các vụ để lại thương tích, lạm dụng tình dục hay chết người được đưa ra tòa, thì nạn nhân của kiểu "điều trị" bạo hành tinh thần có thể rất nhiều. Vài trường hợp thậm chí còn mất nhiều thời gian hồi phục và quay lại với cộng đồng hơn bình thường.
Bush cho rằng các bậc cha mẹ cũng là nạn nhân. "Họ tuyệt vọng vì không tìm được cách giúp con mình và chỉ biết răm rắp làm theo khi có một nhóm tự xưng có chuyên môn tư vấn rằng họ cần phải làm thế này, thế kia".
Khi còn là một kẻ nổi loạn lúc mới lớn, Cory cũng bị áp giải bởi hai kẻ "lực điền" vào tờ mờ sáng. 6 năm sau, cả gia đình mới hòa giải lúc cha mẹ cậu thừa nhận sai lầm khi chi tới 140.000 USD cho chương trình bắt cóc để cải tạo. "Bình thường mẹ tôi chẳng giao du với người ngoài, nhưng bà lại giao con trai cho hai kẻ lạ. Họ đã tuyệt vọng và không còn tỉnh táo", cậu nói.
"Đa số những thanh niên vốn bồng bột này chưa hề phạm pháp, vậy nên áp dụng chương trình cứng rắn như vậy là không cần thiết", Clinton Hardy, một điều phối viên công ty "vận chuyển" New Start Transport tại Utah nhận xét. Bản thân Hardy cũng đang tính tới chuyện giải thể vì vấn đề đạo đức.