CDC Mỹ: Người không tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn 2,34 lần
Theo CDC Mỹ, những người đã mắc COVID-19 nhưng không tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp đôi so với những người cũng có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng đã được tiêm phòng.
Theo một nghiên cứu nhỏ nhằm đánh giá khả năng tái nhiễm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ((CDC), những người đã mắc COVID-19 nhưng không tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp đôi so với những người cũng có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng đã được tiêm phòng, tờ The New York Times đưa tin.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra những người không tiêm vaccine phải đối mặt với nguy cơ tái nhiễm cao hơn 2,34 so với những người đã tiêm.
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: GETTY IMAGES
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy rằng đối với những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19, việc tiêm vaccine giúp bảo vệ cơ thể tốt hơn so với khả năng miễn dịch tự nhiên được tạo ra do lần mắc trước đó.
Mặc dù nghiên cứu chỉ kiểm tra một số lượng nhỏ người dân ở bang Kentucky, nhưng nó có thể phản bác lại lập luận thượng nghị sĩ Rand Paul. Ông đã nhiều lần khẳng định việc tiêm phòng là không cần thiết đối với những người đã phát triển khả năng miễn dịch sau khi nhiễm COVID-19 như mình.
Theo Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc của CDC, dữ liệu này củng cố tầm quan trọng của việc tiêm chủng, ngay cả đối với những người đã phát triển hệ thống miễn dịch sau khi mắc COVID-19.
Ông khuyến cáo mọi người hãy tiêm phòng ngay cả khi đã từng bị COVID-19. Vì tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, đặc biệt là khi biến thể Delta lây lan nhanh hơn trên khắp đất nước.
CDC và chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tích cực vận động người dân tiêm chủng trong những tuần gần đây khi các trường hợp mắc và nhập viện đã tăng vọt trong tháng trước, phần lớn là do biến thể Delta, đặc biệt là ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Theo cơ sở dữ liệu của New York Times, trong tuần trước, trung bình mỗi ngày Mỹ có thêm 100.200 ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm trung bình hàng ngày của nước này vượt qua con số 100.000 kể từ giữa tháng 2.
Nhiều cuộc khảo sát trước đó cho thấy dù tiêm chủng không loại bỏ hoàn toàn các bệnh nhiễm trùng, nhưng nguy cơ phải nhập viện thấp hơn đáng kể đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Vaccine của hai hãng Pfizer-BioNTech và Moderna giảm 96% nguy cơ nhập viện đối với người trong độ tuổi 65-74, trong khi vaccine của công ty Johnson & Johnson giảm 84% số trường hợp nhập viện.
Ở nhóm 75 tuổi trở lên, vaccine của Pfizer giảm 91% số ca nhập viện; vaccine của Moderna có hiệu quả 96%; và tác dụng vaccine của Johnson & Johnson là 85%.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói sẽ sử dụng vaccine AstraZeneca do Anh tài trợ để tiêm liều thứ ba trong chiến dịch tiêm chủng...
Nguồn: [Link nguồn]