Có thật Câu Tiễn nuốt nhục nếm phân vua Ngô Phù Sai?
Theo nhiều chuyên gia lịch sử, cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm giữa Ngô – Việt không chỉ là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói “lên voi xuống chó” mà còn định hình bản đồ chính trị Trung Quốc thời Xuân Thu.
Bản đồ thời Xuân Thu với các nước Việt, Wu (Ngô), Lu (Lỗ), Qi (Tề), Chu (Sở), Song (Tống) (ảnh: Timetoast)
Sử ký của Tư Mã Thiên chép, năm 506 TCN, Ngô vương Hạp Lư với sự hỗ trợ đắc lực của Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ đã đánh bại nước Sở hùng mạnh, lên ngôi bá chủ. Từ một nước ở cách xa trung tâm Trung Hoa, bị coi là man di, nước Ngô thời điểm này phía tây tiến vào kinh đô nước Sở rộng lớn, phía bắc uy hiếp các nước Tề, Lỗ, Tấn, phía Nam chèn ép nước Việt (một trong những nước chư hầu thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc).
Hạp Lư cũng vì vậy mà sinh ra kiêu căng, ngạo mạn. Ông ta cho xây cung Trường Lạc giữa kinh thành Cô Tô, đắp đài cao trên núi khiến người dân oán thán. Tôn Vũ thấy vậy chán nản bỏ đi ở ẩn, về sau viết ra cuốn Binh pháp Tôn Tử nổi danh hậu thế. Chỉ còn Ngũ Tử Tư vẫn ở lại phò tá Hạp Lư.
Năm 496 TCN, Hạp Lư muốn đem quân đánh nước Tề ở phía đông bắc, sau đó vòng lại đánh nước Việt ở phía nam. Ngũ Tử Tư cho rằng cho rằng chiến lược này rất sai lầm.
Theo Ngũ Tử Tư, nước Ngô và Tề bị ngăn cách bởi nước Lỗ, kể cả có đại thắng, Ngô cũng không thể chiếm được lãnh thổ nước Tề. Trong khi đó, Ngô và Việt lại có biên giới giáp nhau và thù oán rất sâu đậm. Nếu diệt được Việt, Ngô không chỉ chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú, mà còn tạo được thế đứng vững chắc ở phía Nam, tạo bàn đạp để chiếm các nước còn lại.
Nhiều chuyên gia sử học cho rằng, tư tưởng “đánh đâu chiếm đấy” của Ngũ Tử Tư thực sự đã vượt trước nhiều chiến lược gia đương thời. Một số nước mạnh thời Xuân Thu thường mắc sai lầm là đem quân đi đánh nước ở xa, giao kết với nước gần. Điều này không chỉ làm lãng phí nguồn lực quân sự mà còn khiến bản thân bị láng giềng uy hiếp. Sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, ông cho thi hành triệt để chiến lược đánh nước ở gần, hòa hoãn với nước ở xa. Từ đó Tần từng bước tiêu diệt 6 nước chư hầu, thống nhất Trung Quốc.
Bại trận trước Câu Tiễn, Hạp Lư ôm hận mà chết (tranh: Gushi)
Năm 496 TCN, lợi dụng vua Việt là Doãn Thường chết, Hạp Lư đem 3 vạn quân sang xâm lược. Hai bên dàn trận quyết chiến ở đất Huề Lý. Theo Sohu, vua mới chết là thời điểm chính trị của một quốc gia rối ren nhất. Câu Tiễn – con trai Doãn Thường – mới lên ngôi, lòng người còn chưa hoàn toàn tin phục. Hạp Lư chỉ cần đánh thắng một trận, nước Việt chắc chắn bị diệt.
Sử ký chép, Câu Tiễn thúc quân sang đánh, bị quân Ngô dùng cung nỏ mạnh bắn lui. Binh sĩ nước Ngô được Tôn Vũ huấn luyện đã lâu, kỷ luật rất cao, hàng ngũ nghiêm chỉnh khiến quân Việt không thể đột phá được.
Câu Tiễn nghĩ ra một kế, dùng 300 tội nhân cởi trần, dàn hàng trước mặt quân Ngô rồi lần lượt đâm cổ tự sát. Binh sĩ nước Ngô thấy chuyện lạ, tranh nhau chạy ra xem làm hàng ngũ rối loạn. Câu Tiễn thừa cơ nổi hiệu đánh trống dồn dập, thúc quân Việt liều chết ập vào đánh khiến quân Ngô trở tay không kịp.
Hạp Lư bỏ chạy trong đám loạn quân, bị tướng nước Việt là Linh Cô Phù chém trọng thương. Hạp Lư tuổi đã già, bị thương nặng không chịu nổi nên chết sau đó mấy ngày. Trước khi chết, Hạp Lư hỏi Phù sai: “Con có quên mối thù Câu Tiễn giết ta ngày nay không?”. Phù Sai đáp: “Con không dám quên”. Hạp Lư kêu to: “Thế nào cũng không được quên diệt nước Việt” rồi mới chết.
Sử ký chép, năm 494 TCN, Phù Sai đem quân đánh nước Việt báo thù cho Hạp Lư, khi thế rất hùng mạnh. Phạm Lãi, Văn Chủng – 2 trọng thần của Câu Tiễn – đều khuyên không nên vội đánh để tránh thế mạnh của quân Ngô, Câu Tiễn không nghe.
Câu Tiễn đem quân dàn trận ở Phù Tiêu (nay thuộc thành phố Hàng Châu, Trung Quốc), quân Ngô luyện thủy quân đã lâu, dùng thuyền lớn vượt biển tiến vào mà đánh. Phù Sai đứng ngay trước mũi thuyền, đánh trống thúc giục quân sĩ hăng hái tiến lên. Quân Ngô đem tên nỏ bắn ra như mưa, lại thuận chiều gió nên tiến rất nhanh. Quân Việt bị ngược gió, thua to bỏ chạy, bị quân Ngô thừa thế đuổi theo chém giết.
Phù Sai lên ngôi, quyết báo thù nước Việt (ảnh: Kknews)
Câu Tiễn đem tàn quân cố thủ trên núi Cối Kê, điểm lại binh sĩ từ 3 vạn chỉ còn 5.000 người. Núi Cối Kê bị quân Ngô vây kín mấy vòng. Câu Tiễn than:
“Từ thời tiên quân đến nay, suốt 30 năm, nước Việt ta chưa thua trận nào lớn thế này, cũng bởi ta không nghe lời Phạm Lãi và Văn Chủng”.
Phạm Lãi đáp: “Nhà vua nên dùng lời lẽ khiêm nhường, lấy hậu lễ dâng cho người ta. Nếu người ta không nghe thì thân hành đến thờ người ta”.
Câu Tiễn nghe lời, phái Văn Chủng đến cầu hòa với Phù Sai, nhưng Ngũ Tử Tư không chấp nhận mà quyết diệt nước Việt bằng được. Câu Tiễn nản chí, muốn trốn khỏi vòng vây, quay về giết vợ diệt con, đốt hết của cải châu báu rồi thu quân quyết một trận sinh tử với nước Ngô.
Văn Chủng và Phạm Lãi can ngăn Câu Tiễn, cho rằng có thể dùng vàng bạc châu báu, gái đẹp đút lót cho Bá Phỉ – quan Thái tế nước Ngô – để giữ mạng. Phù Sai nghe lời xu nịnh của Bá Phỉ, ra lệnh mở vòng vây cho Câu Tiễn thoát về nước.
Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, Phù Sai đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi tha chết cho Câu Tiễn. Nước Việt và Ngô đã nhiều lần giao chiến với nhau trong quá khứ, thù oán rất sâu đậm. Việc nước Việt chịu cúi đầu thần phục và cống nạp cho nước Ngô là điều rất khó xảy ra. Qua hành động tha chết cho Câu Tiễn, có thể thấy Phù Sai thiếu tầm nhìn chiến lược nhưng lại kiêu ngạo hơn người tiền nhiệm là Hạp Lư gấp nhiều lần.
Sau trận đại bại ở Phù Tiêu, quân lực nước Việt suy giảm nghiêm trọng, có thể bị nước Ngô đánh chiếm bất cứ lúc nào. Để Phù Sai không nghi ngờ, Câu Tiễn giao cho Văn Chủng bí mật kiến thiết đất nước và sai Phạm Lãi cùng quan đại phu là Giá Kê sang làm con tin cho nước Ngô.
Theo dã sử và một số tiểu thuyết lịch sử, Câu Tiễn tự mình sang nước Ngô xin được hầu hạ vua Ngô, làm việc như một nô bộc với mục đích là để Phù Sai tin rằng ông đã chịu quy phục và trung thành, không còn ý chí trả thù.
Theo Đông Chu liệt quốc – tác phẩm tiểu thuyết được cho là đi khá sát với chính sử - Phù Sai sau khi đánh bại nước Việt, cho rằng Ngô đã là nước mạnh nhất trong số chư hầu nên càng thêm kiêu ngạo, vì mải ăn chơi hưởng lạc, tửu sắc quá độ mà bị ốm nặng. Câu Tiễn có lần xin nếm phân đoán bệnh cho Phù Sai, nói:
“Tôi nghe xưa có người y sư dạy phân là cốc vị (vị của ngũ cốc). Nếu thuận khí trời thì sống, nghịch thì chết. Nay kẻ tù tội nếm phân của đại vương, thấy vị đắng mà chua, rất hợp với thời tiết xuân hạ giao mùa. Bệnh sẽ vì vậy mà chóng hết”.
Phù Sai thấy Câu Tiễn nếm phân cho mình, quá cảm động nên tha cho về nước Việt. Câu chuyện này rất nổi tiếng và nhiều người ngày nay tin rằng đó là sự thật.
Theo dã sử, Câu Tiễn từng bị Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu sự đày đọa như một kẻ nô lệ. Tuy nhiên, tích này có thể không đúng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Tuy nhiên, Sử ký của Tư Mã Thiên không hề đề cập tới việc Câu Tiễn phải sang nước Ngô làm tù binh và chăn ngựa, nếm phân cho Phù Sai, chỉ chép rằng Phạm Lãi làm con tin được 2 năm thì được vua Ngô thả về.
Theo Sohu, khả năng Câu Tiễn chịu sang nước Ngô làm đầy tớ cho Phù Sai là rất thấp.
Thứ nhất, câu Tiễn dù bại trận vẫn đường đường là một ông vua nước Việt, dù có giỏi nhẫn nhục đến mấy thì vẫn đủ tỉnh táo để không mạo hiểm dâng tính mạng mình vào tay kẻ thù. Khi bị vây ở núi Cối Kê, Câu Tiễn vẫn có thể mở đường máu thoát thân, quay về động viên binh sĩ nước Việt quyết một trận tử chiến với Ngô (theo Sử ký, Câu Tiễn thực sự đã có ý định này).
Thứ hai, trong khoảng 2 năm sau trận Cối Kê, nước Việt vẫn rất ổn định, không xảy ra sự kiện biến loạn nào. Nếu không có vua thì đây là điều khá khó tin trong bối cảnh chính trị rối ren ở thời Xuân Thu. Kể cả Ngô có từ chối xâm lược nước Việt, các nước mạnh khác như Sở, Tần cũng có thể làm điều đó nếu biết nước Việt vô chủ.
Theo Sử ký, sau thất bại ở Phù Tiêu, Câu Tiễn quay về nước Việt nuôi dưỡng lực lượng, quyết tâm diệt hẳn nước Ngô. Để không quên mối thù với Phù Sai, Câu Tiễn thường nằm ngủ trên đống củi gai, trước khi ăn hay uống đều nếm một ít mật đắng. Câu nói “nếm mật nằm gai” cũng xuất phát từ sự kiện này.
“Câu Tiễn tự mình cày bừa, vợ lo dệt vải. Ăn uống không nhiều cá thịt, mặc không 2 màu vải, khiêm tốn với người hiền, hậu đãi người tài giỏi, cứu giúp kẻ nghèo khó, thường thăm viếng người chết”, Sử ký chép.
Câu Tiễn ngày ngày nếm mật đắng, chờ thời cơ tiêu diệt nước Ngô (tranh: Sunnews)
Về phần nước Ngô, sau trận chiến ở Phù Tiêu, mâu thuẫn giữa Phù Sai và quan Tể tướng là Ngũ Tử Tư ngày càng sâu sắc. Bất chấp Ngũ Tử Tư can ngăn, năm 489 TCN, Phù Sai đem quân đánh nước Tề để thị uy, đánh thắng rồi lại rút quân. Năm 487, Phù Sai đánh nước Lỗ. Vua Lỗ xin thần phục, Phù Sai cũng rút quân.
Từ năm 486 – 484 TCN, Phù Sai năm nào cũng đem quân đánh nhau với nước Tề, cứ hễ đánh thắng là lại rút về nước. Những cuộc giao tranh liên miên khiến nước Ngô thiệt hại đáng kể nhưng chẳng thu lại được phần lãnh thổ nào.
Theo Sohu, Phù Sai đã mắc sai lầm chiến lược khi đánh nước Tề ở xa và giao kết với các nước ở gần như Việt, Lỗ. Năm 484 TCN, Phù Sai nghe lời gièm pha của Bá Phỉ, giết Ngũ Tử Tư, chính sự nước Ngô ngày càng lụn bại. Trước khi chết, Ngũ Tử Tư chỉ có một tâm nguyện là móc mắt ông treo ở cổng phía đông thành Cô Tô để “nhìn quân Việt tiến vào”.
Sử ký chép, mùa xuân năm 483 TCN, Phù Sai cậy uy thế lớn, ra lệnh họp chư hầu để tranh ngôi bá chủ. Để phô trương, Phù Sai đem hết tinh binh cả nước đi, chỉ để lại quân già yếu giữ thành Cô Tô. Câu Tiễn nhân cơ hội này, đem 5 vạn quân bất ngờ tập kích Cô Tô, giết được thái tử nước Ngô.
Phù Sai đang họp chư hầu, nghe tin bỏ về cứu nguy thì quân Việt đã rút lui. Sau thất bại này, tinh thần của quân Ngô giảm sút nghiêm trọng, lại thêm nhiều năm chinh chiến liên miên, không còn đủ sức đánh với nước Việt nữa.
Năm 478 TCN, nước Việt lại tiến quân, chỉ một trận đã đánh tan quân chủ lực của Ngô, bắt nước Ngô phải thần phục. Câu Tiễn cũng chiếm nhiều thành trì, đất đai và siết chặt vòng vây kinh tế đối với Ngô, không cho giao thương với bên ngoài. Ngô từ một nước bá chủ chư hầu trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết.
Năm 475 TCN, Việt lại đem quân đánh, lần này quyết diệt nước Ngô bằng được. Tháng 11.473 TCN, Phù Sai cùng tàn quân đã bị vây kín trên núi Cô Tô.
Nhớ việc ở Cối Kê ngày trước, Phù Sai sai sứ giả tới cầu hòa, chỉ xin Câu Tiễn cho làm một ông vua bù nhìn. Câu Tiễn thương hại, đã toan đồng ý nhưng Phạm Lãi ngăn lại, vừa đánh trống thúc quân tiến lên vừa nói:
“Nhà vua đã trao quyền cho Lãi này. Sứ giả về ngay, nếu không phải chịu tội”.
Phù Sai sau đó bị quân Việt bắt sống. Câu Tiễn không muốn mang tiếng xấu là giết kẻ từng tha mạng cho mình, ban cho Phù Sai quản lý 100 nóc nhà để ăn lộc. Phù Sai không chịu nổi nhục nhã, rút gươm tự sát. Trước khi tắt thở, ông che mặt lại, nói: “Ta không còn mặt mũi nào nhìn thấy Ngũ Tử Tư nữa”.
Câu Tiễn phục thù, lên ngôi bá chủ (tranh: Sohu)
Sau khi chiếm hết đất đai, nhân lực của nước Ngô, Việt trở thành nước hùng mạnh nhất trong số các nước chư hầu. Năm 472 TCN, Câu Tiễn họp chư hầu ở Từ Châu (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay), xưng làm bá chủ. Ông cũng là vị bá chủ cuối cùng trong thời Xuân Thu.
Tuy nhiên, Câu Tiễn cũng không phải không mắc sai lầm. Sau khi lên ngôi bá chủ, ông trả lại nhiều vùng đất mà Ngô từng chiếm được cho các nước Tống, Lỗ và Sở – một nước chư hầu rất mạnh – khiến tình hình cát cứ phân tranh càng thêm rối ren.
Do tính cách đa nghi hình thành khi phải chịu nhục nuôi chí phục thù, Câu Tiễn cũng tìm cách hãm hại công thần, ép Văn Chủng phải tự sát còn Phạm Lãi bỏ đi. Năm 334 TCN, nước Sở diệt nước Việt, chiếm hết đất đai, không chia cho bất cứ chư hầu nào.
Xét cho cùng, tầm nhìn chiến lược và tham vọng của Câu Tiễn chỉ dừng lại ở ngôi vị bá chủ, không thể so sánh với Tần Thủy Hoàng – một vị hoàng đế “chính hiệu”, Sohu bình luận.
Trên các bộ phim truyền hình Trung Quốc, nhân vật Hòa Thân thường xuất hiện trong hình tượng một người đàn ông trung niên,...
Nguồn: [Link nguồn]