Câu nói “không” của ông Biden có thể cứu quan hệ Mỹ-Nga khỏi vực thẳm
Quan hệ Nga – Mỹ vốn đã lạnh nhạt vì nhiều bất đồng dai dẳng lại càng trở nên căng thẳng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Sau 7 tháng chiến sự tại Ukraine, hiện nay, Chính quyền Kiev và nhiều Nghị sĩ Mỹ đẩy mạnh hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa Nga và danh sách quốc gia tài trợ khủng bố – một hành động mà phía Nga đã cảnh báo sẽ làm “tan vỡ” quan hệ Nga - Mỹ.
Và trong phản ứng mới nhất, ngày 6/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từ chối lời kêu gọi trên.
Trong một sự kiện có báo giới tại Nhà Trắng, khi được hỏi liệu nhà lãnh đạo Mỹ có đồng ý với ý kiến đưa Nga vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố hay không, Tổng thống Joe Biden đã trả lời "không”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Giải thích thêm về câu trả lời của Tổng thống Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết việc đưa Nga vào danh sách "không phải là cách thức hiệu quả và mạnh mẽ nhất" để "buộc Nga phải chịu trách nhiệm".
Bên cạnh đó, theo bà Jean-Pierre, nếu thực hiện bước đi này, việc cung cấp viện trợ đến các khu vực của Ukraine có thể bị ảnh hưởng nặng nề, các nhóm viện trợ và các công ty tham gia vào thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen cũng có thể bị cản trở. Thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc là thỏa thuận riêng rẽ mà Nga và Ukraine đã ký kết hồi tháng 7 nhờ nỗ lực trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.
Trước đó, ngày 28/7, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ định Nga là quốc gia tài trợ khủng bố.
Khi một quốc gia bị đưa vào danh sách nước bảo trợ khủng bố và chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ đồng nghĩa các công ty và ngân hàng, định chế tài chính quốc tế sẽ tránh làm việc với nước đó bởi thực tế, Mỹ đang là nền kinh tế số 1 thế giới, có sức ảnh hưởng sâu rộng.
Cho tới nay, Mỹ đã đưa Cuba, Triều Tiên, Iran và Syria vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Về phía Nga, tháng 8 vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn TASS của Nga, người đứng đầu Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexander Darchiev đã cảnh báo nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật xem Nga là "quốc gia tài trợ khủng bố", đồng nghĩa Mỹ sẽ vượt qua lằn ranh "không thể quay đầu".
Hậu quả của động thái này sẽ là quan hệ ngoại giao song phương có thể bị tổn hại nghiêm trọng đến mức phải "hạ cấp quan hệ hoặc thậm chí tan vỡ".
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ đã bày tỏ sự sẵn sàng trong vấn đề đàm phán với Nga về một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/8 tuyên bố.