Câu hỏi lớn xung quanh các vụ phóng vũ khí liên tiếp của Triều Tiên
Nhiều chuyên gia cho rằng ICBM nhiên liệu rắn là mục tiêu tiếp theo mà Triều Tiên muốn hướng đến trong việc phát triển kho vũ khí của mình.
Từ ngày 18 đến ngày 20-2, giới chức Nhật và Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã có ba lần phóng tên lửa đạn đạo, trong đó có một lần phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Cho đến nay, sức mạnh thực sự của lực lượng hạt nhân Triều Tiên vẫn là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không chỉ dừng lại ở những vũ khí hiện có, Triều Tiên đang hướng đến một dạng vũ khí hạt nhân có uy lực mạnh hơn - ICBM nhiên liệu rắn.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên hôm 8-2. Ảnh: KCNA
Sự phát triển của lực lượng hạt nhân Triều Tiên
Hôm 18-2, Triều Tiên cho biết đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ thử vũ khí tầm xa thứ ba của Bình Nhưỡng trong vòng chưa đầy một năm qua.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết tên lửa Hwasong-15 đã được bắn trong một "cuộc tập trận phóng ICBM bất ngờ", theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
KCNA cho biết vụ phóng thử cho thấy bằng chứng về khả năng của Bình Nhưỡng trong việc phát động một “cuộc phản công hạt nhân vào các lực lượng thù địch” và là “bằng chứng rõ ràng về khả năng răn đe hạt nhân của chúng ta”.
Hwasong-15 là một trong ba loại ICBM mà Triều Tiên đã phát triển, cùng với Hwasong-14 và Hwasong-17. Theo hãng thông tấn KCNA, Hwasong-15 được phóng gần như thẳng lên trời để tránh lãnh thổ của các nước láng giềng và bay được gần 990 km. Tính toán cho thấy loại tên lửa này có thể di chuyển 13.000 km hoặc xa hơn nếu được phóng theo quỹ đạo bình thường.
Chỉ ba hôm sau, sáng 20-2, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và rơi xuống vùng biển phía đông, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cũng ra thông báo phát hiện 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng đi từ Triều Tiên.
Hàn Quốc cho biết các tên lửa đã được bắn từ khu vực Sukchon của tỉnh Nam Pyongan ở Triều Tiên, trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 7 giờ 11 phút ngày 20-2 (theo giờ địa phương).
Bộ Quốc phòng Nhật ghi nhận tên lửa đầu tiên được phóng vào khoảng 6 giờ 59 phút và bay khoảng 400 km, đạt độ cao tối đa khoảng 100 km. Tên lửa thứ hai được bắn vào khoảng 7 giờ 10 phút, đạt độ cao tối đa khoảng 50 km.
Theo hãng thông tấn Yonhap, vài giờ sau vụ phóng, Triều Tiên thừa nhận tiến hành cuộc tập trận có sự tham gia của hỏa tiễn vào khoảng 7 giờ sáng 20-2 nhưng không đề cập đến việc phóng tên lửa đạn đạo.
Hình ảnh Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KRT) cung cấp về vụ phóng hôm 20-2. Ảnh; KRT
KCNA đưa tin đơn vị pháo binh của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã bắn 2 phát đạn từ bệ phóng hỏa tiễn đa nòng 600 mm trong cuộc tập trận. Triều Tiên gọi đây là “cuộc tập trận phóng nhiều hỏa tiễn siêu lớn, là một phương tiện tấn công hạt nhân chiến thuật”.
Sau vụ phóng hôm 20-2, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cho biết Triều Tiên sẽ tiến hành nhiều vụ phóng hơn nữa trừ khi Mỹ ngưng các cuộc tập trận với Hàn Quốc, theo KCNA. “Tần suất sử dụng Thái Bình Dương làm trường bắn của chúng tôi phụ thuộc vào bản chất hành động của quân đội Mỹ” - bà nói.
Ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul (Hàn Quốc), cho biết: “Những tuyên bố của Triều Tiên về việc phóng tên lửa trong thời gian ngắn nhằm thể hiện sự phát triển của lực lượng hạt nhân chiến lược và chiến thuật của nước này, cũng như khả năng sử dụng chúng”.
Sức mạnh của lực lượng hạt nhân Triều Tiên
Theo hãng tin AP, cho đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất để chế tạo đầu đạn hạt nhân. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021 với 38 North - một website nghiên cứu về Triều Tiên - nhà vật lý hạt nhân Siegfried Hecker cho rằng Triều Tiên có thể có "từ 20 đến 60 đầu đạn hạt nhân. Khả năng cao nhất là nước này có 45 đầu đạn hạt nhân”.
Năm 2017, Triều Tiên cho biết nước này đã cho thử một vụ nổ bom nhiệt hạch. Nó tạo ra một cơn địa chấn với cường độ 6,3 độ Richter. Một số nghiên cứu ước tính năng lượng nổ của vụ thử rơi vào khoảng 50 đến 140 kiloton TNT.
Để so sánh, hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II - đã khiến hơn 210.000 người thiệt mạng - tạo ra vụ nổ tương đương khoảng 15 và 20 kiloton TNT.
Trong cuộc duyệt binh hồi đầu tháng này của Triều Tiên, hàng chục tên lửa đạn đạo đã xuất hiện. Các chuyên gia cho rằng trong số những tên lửa xuất hiện trong lễ duyệt binh, có cả ICBM nhiên liệu rắn. Các hệ thống tên lửa nhiên liệu rắn cho phép tên lửa có khả năng di động trên mặt đất và khiến chúng phóng nhanh hơn.
Theo ông Ankit Panda - nhà nghiên cứu của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, 11 tên lửa xuất hiện trong lễ duyệt binh có thể đủ để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ.
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ phóng hôm 20-2. Ảnh: AP
Triều Tiên cũng có tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này có khả năng vươn tới đảo Guam - một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nước này cũng đang phát triển dòng tên lửa Pukguksong tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn, được thiết kế để phóng từ tàu ngầm hoặc phương tiện mặt đất.
Hầu hết các tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng. Do đó, nó đòi hỏi các tên lửa phải được nạp nhiên liệu đẩy tại bãi phóng - một quá trình tiêu tốn nhiều thời gian.
Theo hãng tin Reuters, phát triển ICBM nhiên liệu rắn từ lâu đã được coi là mục tiêu chính của Triều Tiên. Nhiên liệu rắn có thể khiến các tên lửa hạt nhân của nước này khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn.
Phản ứng của Mỹ, Nhật, Hàn
Sau các vụ phóng hôm 20-2, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã thúc đẩy một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông Kishida cho biết Tokyo sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ để thể hiện sự thống nhất trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên, theo đài CNN.
“Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi phải tiếp tục thu thập thông tin, thận trọng theo dõi tình hình và tăng cường hợp tác giữa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc” - ông Kishida nói.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã áp các biện pháp trừng phạt đối với 4 cá nhân và 5 tổ chức. Bộ này cáo buộc các cá nhân và tổ chức trên hỗ trợ Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, cũng như giúp nước này lách lệnh trừng phạt. Kể từ tháng 10-2022, Hàn Quốc đã áp lệnh trừng phạt đối với 31 cá nhân và 35 tổ chức mà Seoul cho rằng có liên quan đến việc phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lên án mạnh mẽ vụ phóng Hwasong-15 và kêu gọi Bình Nhưỡng ngay lập tức chấm dứt các hành động tương tự.
Hôm 19-2, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh cam kết “sắt đá” của họ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, lực lượng này cho biết họ đang tham vấn chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình về các vụ phóng tên lửa.
Ngày 20-2, Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và khuyến khích Bình Nhưỡng tham gia các hoạt động ngoại giao. Mỹ cũng cảnh báo việc cơ quan này im lặng trước các hành động của Triều Tiên là điều nguy hiểm, theo hãng tin Reuters.
Triều Tiên vừa phóng thử bốn tên lửa hành trình chiến lược trong cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng phản công hạt nhân chống lại các thế lực thù địch, báo chí nhà...
Nguồn: [Link nguồn]