Cầu Crimea liên tục bị tấn công, Nga – Trung bí mật bàn cách làm đường hầm xuyên biển
Cơ quan an ninh Ukraine nghe lén được thông tin cho thấy lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước Nga và Trung Quốc đã bí mật thảo luận về kế hoạch xây dựng một đường hầm dưới nước nối Nga với bán đảo Crimea, để thiết lập một tuyến đường vận tải có thể tránh các cuộc tấn công của Ukraine, Washington Post đưa tin.
Cầu Crimea bị đánh bom ngày 8/10/2022. (Ảnh: Tass)
Các cuộc đàm phán, gần đây nhất là vào cuối tháng 10, diễn ra khi Nga ngày càng lo ngại về khả năng đảm bảo an ninh cho cây cầu dài 18km bắc qua eo biển Kerch đóng vai trò là tuyến hậu cần quan trọng cho quân đội Nga, nhưng đã bị Ukraine đánh bom hai lần và đến nay vẫn là một mục tiêu dễ bị tổn thương.
Các cuộc đàm phán cho thấy Nga quyết tâm duy trì kiểm soát bán đảo Crimea, nơi mà Mátxcơva đã sáp nhập từ năm 2014, cũng như cho thấy quan hệ hợp tác ngày càng gần gũi giữa Trung Quốc và Nga.
Theo các quan chức và chuyên gia kỹ thuật Mỹ, việc xây dựng một đường hầm gần cây cầu hiện tại sẽ gặp phải những trở ngại lớn. Công trình quy mô lớn như vậy có thể tiêu tốn hàng tỷ đô la Mỹ và mất nhiều năm để hoàn thành, và đến nay chưa bao giờ có công trình lớn như vậy được triển khai ở vùng chiến sự.
Tuy nhiên, Nga có lý do rõ ràng để theo đuổi kế hoạch này. Ông Alexander Gabuev, chuyên gia về quan hệ Nga – Mỹ tại Trung tâm Á - Âu Carnegie Nga, cho rằng có nguy cơ Ukraine sẽ tìm cách đánh sập cầu Kerch trong những năm tới.
Dự án có thể gây ra rủi ro về chính trị và tài chính cho Trung Quốc, khi Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimea và các công ty của họ có thể bị coi là vi phạm các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và Liên minh châu Âu áp với Nga.
Tuy nhiên, các email mà an ninh Ukraine chặn được cho thấy một trong những công ty xây dựng lớn nhất Trung Quốc thể hiện sẵn sàng tham gia kế hoạch. Các email này được quan chức Ukraine gửi tới Washington Post. Báo này cho biết họ đã xác thực thông tin được nêu trong các email.
Những email đó đề cập các cuộc gặp với đại diện Trung Quốc tại Crimea. Email đề ngày 4/10 cho thấy Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) “sẵn sàng đảm bảo việc xây dựng các dự án xây dựng đường sắt và đường bộ ở bất kỳ mức độ phức tạp nào ở khu vực Crimea”.
CRCC là một công ty nhà nước, đã xây dựng nhiều công trình đường bộ và đường sắt lớn nhất ở Trung Quốc. CRCC thiết lập quan hệ đáng kể với Nga trong những năm gần đây, thông qua các dự án như mở rộng hệ thống tàu điện ngầm Mátxcơva, hoàn thành năm 2021. Công ty không phản hồi để yêu cầu bình luận.
Một giám đốc điều hành cấp cao của Hiệp hội Nga-Trung trụ sở tại thành phố Sevastopol của Crimea, từ chối trả lời các câu hỏi về dự án đường hầm khi được phóng viên của Washington Post liên hệ.
Ông Vladimir Kalyuzhny, doanh nhân người Nga được xác định trong các tài liệu là tổng giám đốc của tập đoàn, đã bác bỏ vấn đề này vì cho rằng “có quá nhiều chuyện nóng”, sau đó nói rằng ông sẽ không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho “truyền thông kẻ thù”.
Ukraine tuyên bố việc lấy lại Crimea là một trong những mục tiêu chính của họ và hiện vẫn đang trong giai đoạn phản công nhằm cắt đứt các tuyến hậu cần của Nga tới bán đảo này.
Các chuyên gia từng thực hiện những dự án giao thông vận tải quốc tế lớn cho rằng việc xây dựng đường hầm bên dưới eo biển Kerch là khả thi về mặt kỹ thuật và Trung Quốc có đủ chuyên môn cũng như trang thiết bị cần thiết. Tuy nhiên, họ cho rằng đây sẽ là công trình khổng lồ, có quy mô tương đương với đường hầm giữa Đan Mạch và Đức đã được xây trong 8 năm, dự kiến tiêu tốn hơn 8,7 tỷ USD và sẽ là đường hầm dài nhất ở châu Âu khi nó được hoàn thành vào gần cuối thập kỷ này.
Các chuyên gia cho rằng khó có khả năng đường hầm Kerch được hoàn thành kịp thời để hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng Mátxcơva có thể coi đây là một khoản đầu tư dài hạn nhằm tạo nên sự kết nối an toàn với bán đảo.
Xuồng không người lái còn nguyên vẹn của Ukraine mà Nga thu giữ có thể hé lộ các thông tin giá trị, thậm chí cho phép Nga chế tạo các phương tiện tương tự, theo báo Mỹ The Drive.
Nguồn: [Link nguồn]