Cầu Crimea được bảo vệ nghiêm ngặt ra sao?

Cầu Crimea được bảo vệ nghiêm ngặt từ trên bộ, dưới nước và trên không trước khi vụ nổ vào ngày 8-10 khiến 2 nhịp cầu bị sập.

Cầu Crimea, hay còn được gọi là cầu Kerch, được khởi công xây dựng sau khi người dân ở bán đảo Crimea đồng ý sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Cây cầu với tổng số vốn 3,6 tỉ USD này được hoàn thành vào năm 2018, dài 19 km, nối Crimea với tỉnh Krasnodar. Đây là chiếc cầu dài nhất châu Âu, là con đường độc đạo nối Crimea với Nga và là biểu tượng của sự thống nhất của 2 khu vực này, theo đài RT.

Trong cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine, Nga đã sử dụng cây cầu để vận chuyển xe bọc thép và các khí tài quân sự và hàng hóa khác để tiếp tế cho các vùng chiến sự ở miền nam Ukraine.

Bất ngờ, vào sáng ngày 8-10, một chiếc xe lưu thông trên cầu đã phát nổ khiến ít nhất 3 người chết, 2 làn đường dành cho ô tô bị sập và đám cháy lan ra đường tàu bên cạnh khiến 7 thùng nhiên liệu của một đoàn tàu bốc cháy, theo RT.

Phía chính quyền Kiev không công khai nhận trách nhiệm về vụ nổ này nhưng sau đó, ngày 9-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đích danh Ukraine gây ra vụ nổ. Ông Putin nói rằng đây là “một cuộc tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng vô cùng quan trọng của Nga”, đồng thời khẳng định “các cơ quan bí mật của Ukraine” là thủ phạm.

An ninh được thắt chặt

Sau khi vụ việc xảy ra, ngay trong ngày 8-10, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh tăng cường các biện pháp an ninh cho cầu Crimea. Theo đó, sắc lệnh quy định Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) có quyền tổ chức và điều phối các biện pháp bảo vệ cho tuyến giao thông, nhiên liệu và đường ống dẫn khí đốt nối giữa Nga với Crimea.

Ngày 10-10, quyền Bộ trưởng Giao thông Nikolay Lukashenko cho biết an ninh đã được thắt chặt tại tất cả các cơ sở hạ tầng giao thông ở Crimea sau vụ nổ ở cầu Crimea, TASS đưa tin.

Ông Lukashenko nói rằng ngay sau vụ nổ vào tuần trước thì các biện pháp an ninh đã được tăng cường ở các tuyến đường. Hiện tại thì an ninh còn được siết chặt hơn nữa, bao gồm việc kiểm tra các phương tiện qua lại.

Cũng trong ngày 10-10, lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm Sergey Aksyonov cho biết chính quyền Crimea nỗ lực tối đa trong việc đảm bảo an ninh cho các cơ sở quân sự và các cơ sở khác trong khu vực, đồng thời nói rằng tình hình đang được kiểm soát khoảng 99%, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin.

Hồi tháng 4, Thượng nghị sĩ Nga Olga Kovitidi đánh giá cầu Crimea là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, hãng thông tấn RIA đưa tin. Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - ông Oleksiy Arestovych cũng nói rằng cây cầu được bảo vệ chặt chẽ, ít nhất 2 lữ đoàn tên lửa phòng không, các tàu và lực lượng không quân thường trực giám sát, ngăn chặn mục tiêu tiếp cận cây cầu.

Cầu Crimea được bảo vệ nghiêm ngặt ra sao?

. Phía trên cầu

Trước khi xảy ra vụ nổ vào ngày 8-10, các lối đi lên cầu Crimea ở cả hai phía được đội đặc nhiệm của Vệ binh quốc gia Nga canh gác. Theo đài Nga Zvezda, những người lính này còn có nhiệm vụ kiểm tra các xe ô tô đi qua nhằm phát hiện chất nổ và hàng cấm. Trên thực tế thì lực lượng này không yêu cầu dừng tất cả các xe để kiểm tra mà chỉ kiểm tra những xe có dấu hiệu nghi vấn.

Theo Bộ Giao thông Vận tải Nga, việc giám sát các phương tiện giao thông, gồm xe tải sẽ được thực hiện bằng hệ thống đặc biệt, soi chiếu hàng hóa chở trong xe. Theo trang tin Rossiyskaya Gazeta của Nga, một nhân viên vận hành hệ thống soi chiếu này cho biết hệ thống chặt chẽ đến mức có thể thấy được tài xế mang gì ăn trưa hay phát hiện 1 hạt nhỏ.

Trực thăng dập lửa tại cầu Crimea hôm 8-10. Ảnh: REUTERS

Trực thăng dập lửa tại cầu Crimea hôm 8-10. Ảnh: REUTERS

Các lối lên cầu và trên cầu có các trạm quan sát có trang bị camera và được giám sát 24/24. Cảnh sát giao thông cũng được triển khai để tăng cường kiểm soát vì nhiều người cho rằng chiếc cầu quá bon nên tài xế hay lái xe quá tốc độ.

Trong trường hợp khẩn cấp, một đội phản ứng nhanh sẽ đến hiện trường để điều tra vụ việc và đảm bảo giao thông thông suốt.

. Ở dưới nước

Theo đài Meduza, trên mặt nước có những đội tàu nhỏ, có tính cơ động cao. Trong số này có loại tàu chống phá hoại lớp Rook được trang bị các thiết bị quân sự như súng máy, súng phóng lựu, thậm chí là tên lửa phòng không vác vai Igla. Loại tàu này có tính cơ động, có vận tốc là hơn 90 km/giờ.

Bên cạnh đó bảo vệ cầu còn có tàu đổ bộ BK-16 với 19 lính dù và tàu có trang bị rocket, súng máy. Ngoài ra còn có xuồng máy Afalina và Sargan có thể được điều động nếu cần.

Từ trên bộ, các tàu được hỗ trợ bởi hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E đặt trên bờ, được trang bị các tên lửa phòng thủ, chống hạm có tầm bắn lên tới 260 km như Bastion và Onyx.

Cây cầu không chỉ có lực lượng bảo vệ trên mặt nước, mà còn ở dưới mặt nước. Theo báo Nga Komsomolskaya Pravda, để ngăn chặn các hành động phá hoại trụ cầu, các thợ lặn quân sự và các biệt đội của Hạm đội Biển Đen thường xuyên kiểm tra trong lòng nước.

Những lực lượng này sẽ kiểm tra các trụ cầu và kiểm soát chuyển động của bất kỳ vật thể nào bằng hệ thống kiểm soát dưới nước Plavnik. Nhờ các cảm biến, máy ảnh nhiệt và rada, hệ thống này có thể phát hiện người ở khoảng cách 2 km và tàu ở khoảng cách 3 km.

Cầu Crimea được bảo vệ nghiêm ngặt ra sao? - 2

Cầu Crimea là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới. Ảnh: TASS

Nếu những kẻ phá hoại có thể vượt được lớp bảo vệ của các thợ lặn và âm thầm đến gần các trụ đỡ cầu ở khoảng cách 300 mét, thì các “bẫy” âm thanh đặc biệt sẽ được kích hoạt. Các hệ thống này sẽ phát ra sóng âm thanh mà tai người không thể chịu được, và nếu mục tiêu tiếp cận ở khoảng cách 100 mét, tần số sẽ được khuếch đại lên khiến kẻ phá hoại phải nổi lên mặt nước, theo Meduza.

Đáng chú ý là còn những con cá heo được huấn luyện đặc biệt được cho là tham gia vào việc bảo vệ cây cầu. Những con cá heo này được lực lượng quân đội Nga huấn luyện đặc biệt, có nhiệm vụ phát hiện các mối đe dọa tiềm năng ở độ sâu lên đến 60 mét. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin nào về hiệu quả tác chiến của những con cá heo này.

. Ở trên không

Cây cầu được theo dõi và bảo vệ bằng vệ tinh đặc biệt gọi là Cosmos-K. Từ quỹ đạo, vệ tinh có thể truyền các thông số, hình ảnh của cây cầu về trung tâm điều khiển, theo Meduza.

Trên trời, các máy bay chiến đấu Su-27 và máy bay trinh sát săn ngầm Il-38 của Nga thường xuyên tuần tra. Các máy bay này tiến hành trinh sát và nếu cần thiết có thể sử dụng tên lửa, bom, tên lửa chống ngầm và mìn để phá hủy các mục tiêu gây hại cho cầu.

Từ mặt đất, nhóm máy bay này được các hệ thống phòng không hỗ trợ. Các hệ thống phòng không này là hệ thống tiên tiến nhất trong quân đội Nga là tên lửa tên lửa S-400 Triumph và tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1.

Ngoài ra, các hệ thống radar sẽ hỗ trợ các vũ khí ngắm bắn trúng mục tiêu, bảo vệ cây cầu ở tầm xa. Có thể kể đến các trạm như Podsolnukh ở Crimea và trạm Voronezh-DM.

Nguồn: [Link nguồn]

Crimea: Nổ lớn gây sập hai nhịp trên cầu dài nhất châu Âu

Giao thông trên cầu Crimea bị "tê liệt" tạm thời sau vụ nổ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN