Câu chuyện của người tìm thấy nhiều mảnh vỡ nhất của máy bay MH370
Theo truyền thông Úc, Blaine Gibson, người Mỹ, là người tìm thấy nhiều mảnh vỡ của máy bay MH370 hơn bất kỳ ai trên thế giới.
Ông Blaine Gibson, nhà thám hiểm tự xưng, cầm mảnh vỡ "No Step" của máy bay MH370. Ảnh: Gibson
Trang 9News ngày 7/3 đưa tin, mảnh vỡ đầu tiên mà ông Blaine Gibson - luật sư Mỹ đã nghỉ hưu - phát hiện vào ngày 27/2/2016 (gần 2 năm sau khi MH370 biến mất) có hình tam giác và là một phần ở đuôi máy bay.
Mảnh vỡ đó trôi dạt vào một bãi cát xa xôi ở ngoài khơi bờ biển Mozambique, châu Phi. Nó được gọi với cái tên "No Step" (Không giẫm lên), trùng với dòng chữ in trên mảnh vỡ.
Ông Gibson đã rất ngạc nhiên về độ nhẹ của mảnh vỡ. "Tôi cầm nó lên và tự hỏi liệu có quá nhẹ với một bộ phận của máy bay hay không?", ông Gibson nói.
“Nhưng tôi vẫn tin đây là mảnh vỡ máy bay", nhà thám hiểm 66 tuổi nói thêm.
Các nhà điều tra của chính phủ Úc sau đó xác nhận, mảnh vỡ là của chiếc máy bay mất tích MH370. Sau đó, 22 mảnh vỡ khác của MH370 được ông Gibson tìm thấy bằng nhiều cách như tự phát hiện hoặc được người dân dọc bờ biển phía đông châu Phi hoặc các đảo ở Ấn Độ Dương bàn giao lại.
Việc phát hiện mảnh vỡ là rất quan trọng trong quá trình tìm kiếm máy bay mất tích. Và cách ông Gibson phát hiện ra nó còn khiến nhiều người tò mò hơn.
Tháng 9/2015, ông Gibson có cuộc gặp khá tình cờ tại thành phố Perth (Úc) với giáo sư Charitha Pattiaratchi - nhà hải dương học người Úc thiết lập hàng nghìn mô phỏng chuyên sâu và có độ chi tiết cao trên máy tính để theo dõi thời gian và địa điểm mảnh vỡ của MH370 có thể trôi dạt tới.
Trước khi đến Perth, ông Gibson đã tới đảo Reunion để nói chuyện với Johnny Begue, người dân địa phương tình cờ phát hiện một phần cánh phụ vào ngày 29/7/2015.
Chuyến đi của ông Gibson tới đảo Reunion mang lại những thông tin quan trọng, giúp xâu chuỗi những gì có thể đã xảy ra với máy bay MH370.
Các sĩ quan mang theo phần cánh phụ của máy bay MH370 được phát hiện ở đảo Reunion. Ảnh: EPA
Ông Gibson cho biết, ông Johnny kể lại rằng, mảnh vỡ đã trôi dạt vào bãi biển gần Saint André - một địa điểm ven biển nơi các mảnh vỡ "bám trụ" không lâu.
"Khi ông ấy đến bãi biển, một phần cánh phụ bị sóng đánh vào bờ. Johnny và một số người khác kéo nó lên khỏi mặt nước. Chúng tôi đã xác định được ngày mảnh vỡ xuất hiện. Điều đó rất quan trọng", ông Gibson nói.
Sau đó, ông Gibson chuyển thông tin đó cho giáo sư Pattiaratchi ở Úc. Với vị giáo sư này, việc có dòng thời gian cụ thể của mảnh vỡ giống như khoảnh khắc phát minh ra một thứ gì đó mới. Thông tin đó giúp giáo sư Pattiaratchi điều chỉnh các mô hình về trôi dạt của ông.
Biết được tốc độ các dòng hải lưu ở Ấn Độ Dương có thể di chuyển một vật thể, giáo sư Pattiaratchi đã tính toán đường đi ngược lại của mảnh vỡ trước khi nó trôi vào đảo Reunion.
Điểm khởi đầu của quá trình trôi dạt là khu vực ngoài khơi bờ biển phía tây nước Úc. Giáo sư Pattiaratchi kiên quyết cho rằng khu vực đó là nơi có thể tìm thấy xác máy bay MH370.
Sau cuộc gặp với ông Johnny ở đảo Reunion và đọc được dự đoán của giáo sư Pattiaratchi về mảnh vỡ phần cánh phụ, ông Gibson lập tức tới thành phố Perth để tìm gặp vị giáo sư.
Ông Gibson (trái) và giáo sư Pattiaratchi. Ảnh: Gibson
Ông Gibson được giáo sư người Úc báo về địa điểm tiếp theo có thể tìm thấy mảnh vỡ của MH370 là Mozambique - một quốc gia ở đông nam châu Phi.
Giáo sư Pattiarachi nói rằng, ông Gibson có thể tìm các ngư dân địa phương và hỏi họ xem các mảnh vỡ hay vật trôi nổi có xu hướng trôi dạt vào đâu trong khu vực.
Ông Gibson đã lên chuyến bay tới Mozambique và làm theo lời vị giáo sư. Phần còn lại là lịch sử: Ông Gibson tìm thấy mảnh vỡ "No Step".
"Tôi đã nắm trong tay mảnh vỡ thứ 2 của bí ẩn hàng không lớn nhất từ trước đến nay", Gibson chia sẻ lại suy nghĩ vào thời điểm đó.
Tọa độ phát hiện mảnh vỡ được ghi lại. Ông Gibson cũng lập tức báo tin cho giáo sư Pattiarachi qua Facebook. "Ông ấy là người bảo tôi tới Mozambique. Cũng chính ông ấy cho tôi xem các mô hình dự đoán trôi dạt và ông ấy dự đoán chính xác địa điểm và thời điểm các mảnh vỡ trôi vào bờ biển", nhà thám hiểm người Mỹ nói.
Tròn 10 năm kể từ ngày máy bay MH370 mất tích. Ảnh minh họa: Luis G. Rendon
Giáo sư Pattiarachi rất tin tưởng rằng, những gì còn sót lại của máy bay MH370 nằm ở đáy đại dương, trong khu vực cách thành phố Perth (Úc) khoảng 2.000km về phía tây. Ông Gibson và một số nhà nghiên cứu cũng tin vào dự đoán của giáo sư Pattiarachi.
Vùng tìm kiếm mà giáo sư người Úc nhắc tới là từ 33 độ nam đến 28 độ bắc trên cung đường tìm kiếm có tên là Vòng cung thứ 7 (the Seventh Arc).
Nếu dự đoán của giáo sư Pattiarachi là đúng thì đây có lẽ là một "tin xấu". Vì khu vực này rất rộng lớn và địa hình hiểm trở.
Phần lớn khu vực Vòng cung thứ 7 đã được chính phủ Úc tìm kiếm trước đây và gần nhất là được nhà điều hành tìm kiếm và cứu hộ hàng hải Ocean Infinity "rà soát".
Ocean Infinity đã ký hợp đồng "không tìm thấy, không lấy phí" với chính phủ Malaysia và nhà điều hành này muốn bắt tay vào cuộc tìm kiếm lần 2 dọc theo Vòng cung thứ 7, sử dụng công nghệ tìm kiếm mới hơn.
Hai vùng tìm kiếm mà một số chuyên gia cho rằng có thể xác MH370 đang ở đó. Ảnh: 9News
"Nếu xác MH370 ở khu vực đó, Ocean Infinity sẽ tìm thấy nó", giáo sư Pattiarachi nói.
Theo 9News, chính phủ Malaysia đã mất nhiều tháng để cân nhắc lời đề nghị mở cuộc tìm kiếm mới của Ocean Infinity.
Ngày 3/3/2024, chính phủ Malaysia tuyên bố, họ sẵn sàng mở lại cuộc tìm kiếm máy bay MH370, nếu có bằng chứng mới đáng tin cậy.
Theo giáo sư Pattiarachi, dù Malaysia có quyết định tiếp tục tìm kiếm MH370 nữa hay không, cuối cùng, chiếc máy bay cũng sẽ được tìm thấy. "Dù bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ tìm thấy nó", giáo sư người Úc nói.
Những con hà bám trên mảnh vỡ máy bay có thể là chìa khoá giúp giải mã điều gì đã xảy ra với máy bay MH370 - chiếc máy bay của hãng hàng không...
Nguồn: [Link nguồn]