Cắt lớp lực lượng tên lửa chiến thuật của Trung Quốc
Lực lượng tên lửa của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc (PLARF) là lực lượng tên lửa chiến thuật và chiến lược của nước này. Nó là nhánh thứ 4 của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc (PLA), chịu trách nhiệm cho việc mở rộng kho vũ khí đạn đạo, siêu thanh và tên lửa hành trình trên bộ cũng như kho vũ khí hạt nhân.
Cơ cấu tổ chức PLARF
PLARF có 9 căn cứ chính và các phòng ban khác, trực thuộc Quân ủy Trung ương (CMC). Trong thời bình, PLARF phụ thuộc vào các căn cứ riêng lẻ của mình, tuy nhiên trong thời chiến CMC nắm quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân và việc sử dụng chúng.
PLARF giám sát khoảng 40 lữ đoàn tên lửa. Trụ sở PLARF có tên gọi là Bộ Tư lệnh lực lượng tên lửa nằm ở quận Hải Điến (Bắc Kinh), chịu trách nhiệm chỉ huy PLARF và được CMC chỉ huy trực tiếp. Bên cạnh đó phòng tham mưu của PLARF nằm ngay trong mạng lưới chỉ huy của lực lượng này, chủ yếu đóng ở Bắc Kinh. Ngoài ra còn có trung đoàn tác chiến điện tử (ECM) đóng ở Định Hưng; Trung đoàn phương tiện bay không người lái (UAV) đóng ở Tuyền Châu; Trung tâm chỉ huy tự động (Bắc Kinh); Trung đoàn huấn luyện ở Đường Sơn, chuyên đào tạo tân binh; Trung tâm khí tượng ở Bắc Kinh; Đơn vị viễn thám đóng ở Thiên Tân, chuyên các nhiệm vụ viễn thám và vệ tinh; Trung tâm lập kế hoạch tên lửa hành trình (Bắc Kinh) chuyên thực hiện các nghiên cứu liên quan đến UAV, đạn đạo, tín hiệu, dẫn đường tên lửa, và viễn thám; Cục trinh sát kỹ thuật (Bắc Kinh) chuyên về các hoạt động tình báo tín hiệu của PLARF.
Phòng hậu cần của PLARF đặt ở Bắc Kinh, ngoài ra còn có Tổng kho Duyên Bình (Phúc Kiến) chuyên vận chuyển các thiết bị hạng nặng; Kho tổng hợp Hải Điến (Bắc Kinh) chuyên về linh kiện xe cộ, thuốc men và các danh mục khác; Căn cứ huấn luyện toàn diện Trương Gia Khẩu chuyên đào tạo nhân sự về khí tượng học, liên lạc, ngụy trang…
Lá cờ tượng trưng cho Lực lượng tên lửa chiến thuật của Trung Quốc (PLARF).
Các căn cứ tên lửa
Trước hết là nói về Căn cứ 61. Thành lập năm 1965, đóng ở thành phố Hoàng Sơn, căn cứ 61 có tầm hoạt động bao phủ Đông và Đông Nam Trung Quốc. Chúng gồm: Lữ đoàn 611 (Trì Châu) dùng tên lửa hạt nhân đạn đạo tầm trung (MRBM) cơ động trên đường DF-21A; Lữ đoàn 612 (Lạc Bình) dùng các loại tên lửa đạn đạo hạt nhân DF-21A và DF-31AG; Lữ đoàn 613 (Thượng Nhiêu) dùng tên lửa DF-15B; Lữ đoàn 614 (Vĩnh An) dùng tên lửa DF-17; Lữ đoàn 615 (Mai Châu) dùng tên lửa DF-11A hoặc DF-11AZT; Lữ đoàn 616 (Cám Châu) dùng tên lửa DF-15; Lữ đoàn 617 (Kim Hoa) sử dụng DF-16A; Lữ đoàn 618 (Nam Xương); Trung đoàn huấn luyện (Giang Sơn); Trung đoàn liên lạc (Hoàng Sơn); Trung đoàn hỗ trợ tác chiến (Hoàng Sơn); Lữ đoàn dịch vụ kỹ thuật (Cảnh Đức Trấn); Trung đoàn UAV (Đông Dương).
Căn cứ 62 được thành lập năm 1966 đặt ở thành phố Côn Minh, bao quát miền Nam và Đông Nam Trung Quốc. Các lữ đoàn tên lửa của căn cứ 62, gồm: Lữ đoàn 621 (Nghi Tân) dùng tên lửa DF-31AG ICBM; Lữ đoàn 622 (Nghi Tân) dùng tên lửa DF-31A ICBM; Lữ đoàn 623 (Liễu Châu) dùng tên lửa hành trình CJ-10A; Lữ đoàn 624 (Đam Châu) dùng tên lửa diệt hạm DF-21D; Lữ đoàn 625 (Kiến Thủy) dùng tên lửa hạt nhân kép DF-26; Lữ đoàn 626 (Thanh Viễn) dùng tên lửa hạt nhân kép DF-26; Lữ đoàn 627 (Phổ Ninh) dùng tên lửa thường DF-17; Trung tâm huấn luyện Sở Hùng; Trung đoàn liên lạc Côn Minh…
Căn cứ 63 đặt trụ sở ở thành phố Hoài Hóa, hoạt động bao quát vùng Đông Nam Trung Quốc. Căn cứ này gồm có các lữ đoàn tên lửa 631 (Hoài Hóa) dùng tên lửa hạt nhân DF-5B ICBM; Lữ đoàn 632 (Thiệu Dương) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-31AG ICBM; Lữ đoàn 633 (Hoài Hóa) dùng tên lửa hạt nhân DF-5A ICBM; Lữ đoàn 634 (Hoài Hóa) chưa rõ dùng vũ khí gì; Lữ đoàn 635 (Nghi Xuyên) dùng tên lửa hành trình thông thường CJ-10 LACM; Lữ đoàn 636 (Thiệu Dương) dùng tên lửa thường DF-16/DF-16A; Trung đoàn huấn luyện ở Thiệu Dương; Trung đoàn liên lạc ở Hoài Hóa; Trung đoàn hỗ trợ tác chiến ở Hoài Hóa; Trung đoàn hỗ trợ toàn diện ở Hoài Hóa; Trung đoàn thị sát trang thiết bị ở Hoài Hóa; Trung đoàn dịch vụ ở Hoài Hóa.
Căn cứ 64 đóng trụ sở ở thành phố Lan Châu, phạm vi hoạt động bao quát Tây Bắc và miền Bắc Trung Quốc. Căn cứ này đã tăng gấp đôi quy mô kể từ năm 2017. Các lữ đoàn tên lửa của căn cứ 64 gồm: Lữ đoàn 641 (Hán Thành) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-31 ICBM; Lữ đoàn 642 (Tây Ninh) dùng tên lửa DF-31 ICBM và có thể nâng cấp lên tên lửa hạt nhân DF-31AG; Lữ đoàn 643 (Thiên Thủy) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-31AG ICBM; Lữ đoàn 644 (Hán Trung) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-41 ICBM; Lữ đoàn 645 (Ngân Xuyên) chưa rõ loại vũ khí; Lữ đoàn 646 (Khổ Nhĩ Lặc, Tân Cương) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ / hạt nhân kép DF-26; Lữ đoàn 647 (Tây Ninh) chưa rõ loại vũ khí; Trung đoàn huấn luyện & liên lạc & hỗ trợ toàn diện & thị sát trang thiết bị ở Tây Ninh; Trung đoàn hỗ trợ tác chiến ở Lan Châu.
Căn cứ 65 đóng đô ở Thẩm Dương với phạm vi hoạt động bao phủ Đông Bắc và bán đảo Sơn Đông của Trung Quốc. Kể từ năm 2017, từ 3 lữ đoàn, căn cứ này đã tăng lên thành 6 lữ đoàn tên lửa, bao gồm Lữ đoàn 651 (Xích Phong) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-41 ICBM; Lữ đoàn 652 (Thông Hóa) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-31 hoặc 31A ICBM; Lữ đoàn 653 (Tế Nam) dùng tên lửa diệt hạm và thông thường DF-21D ASBM; Lữ đoàn 654 (Đại Liên) dùng tên lửa hạt nhân kép / cơ động đường bộ DF-26 IRBM; Lữ đoàn 655 (Thông Hóa) dùng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17; Lữ đoàn 656 (Tế Nam) dùng tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-100; Trung đoàn huấn luyện ở Bàn Cẩm; Trung đoàn liên lạc và hỗ trợ tác chiến ở Thẩm Dương; Trung đoàn hỗ trợ toàn diện và thị sát trang thiết bị ở Thông Hóa.
Căn cứ 66 đóng căn cứ ở Lạc Dương và bao quát một phần nội địa, miền Trung Trung Quốc. Kể từ năm 2017, từ 4 lữ đoàn tên lửa, căn cứ này đã nâng lên thành 6. Chúng bao gồm: Lữ đoàn 661 (Linh Bảo) có kho chứa tên lửa hạt nhân DF-5B; Lữ đoàn 662 (Lạc Dương) dùng tên lửa hạt nhân DF-4 ICBM; Lữ đoàn 663 (Nam Dương) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-31A ICBM; Lữ đoàn 664 (Lạc Dương) dùng tên lửa hạt nhân cơ động đường bộ DF-31AG ICBM; Lữ đoàn 665 (Trường Trị) chưa rõ loại vũ khí; Lữ đoàn 666 (Tín Dương) dùng tên lửa hạt nhân kép / cơ động đường bộ DF-26; Trung đoàn huấn luyện & liên lạc & hỗ trợ tác chiến & hỗ trợ toàn diện ở Lạc Dương; Trung đoàn thị sát trang thiết bị ở Tam Môn Hiệp (Hà Nam).
Căn cứ 67 là căn cứ chịu trách nhiệm giám sát và an ninh của khu phức hợp kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đặt ở Thái Bạch, cũng như chịu trách nhiệm phân phối các đầu đạn hạt nhân đến các căn cứ tác chiến. Chúng gồm: Lữ đoàn dịch vụ kỹ thuật ở Bảo Kê; Đơn vị 96038 ở Lô Châu; Nhóm quản lý khẩn cấp ở Bảo Kê; Trung đoàn huấn luyện và liên lạc hỗ trợ tác chiến, hỗ trợ toàn diện phòng không đều ở Bảo Kê; Trung đoàn đối phó điện tử ở Nam Xương; Viện thanh sát trang thiết bị ở Bảo Kê; Trung đoàn vận chuyển trang thiết bị ở Bảo Kê.
Căn cứ 68 là căn cứ hỗ trợ kỹ thuật đóng ở Lạc Dương, chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất cho Các lực lượng tên lửa chiến thuật (PLARF). Các lữ đoàn tên lửa của đơn vị này gồm: Lữ đoàn kỹ thuật số 1 ở Bảo Kê; Lữ đoàn kỹ thuật số 2 ở Phủ Điền; Lữ đoàn kỹ thuật số 3 ở Hoài Hóa; Lữ đoàn kỹ thuật số 4 và 5 ở Lạc Dương; Lữ đoàn kỹ thuật số 6 ở Bắc Kinh; Trung đoàn huấn luyện ở Lạc Dương; Trung đoàn liên lạc cơ động ở Nam Xương; Trung đoàn hỗ trợ toàn diện ở Lạc Dương; Trung đoàn kỹ thuật liên lạc ở Tam Môn Hiệp; Nhóm hỗ trợ kỹ thuật ở Hán Trung.
Căn cứ 69 được thành lập đầu năm 2017. Có rất ít thông tin hoạt động của căn cứ này, tuy vậy có một số chi tiết đáng lưu ý chẳng hạn như Trạm dịch vụ Kelan đặt ở Hãn Châu; Trung đoàn lực lượng tác chiến ở Bạch Sơn; Khu vực thử nghiệm tên lửa ở Đức Linh Cáp (tỉnh Thanh Hải); Cùng các đơn vị chưa được nhận dạng được đánh số gồm 96795, 96796, 96893, 96894, 96895, 96898, 96899.
Tên lửa đạn đạo trang bị hạt nhân DF-41 và phương tiện vận chuyển 16 bánh - Vũ khí này được triển khai tại Căn cứ 64, Lữ đoàn 644.
Các loại tên lửa chiến thuật của PLARF
PLARF sử dụng nhiều loại tên lửa và bệ phóng khác nhau, gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm xa, cũng như tên lửa siêu thanh tiên tiến. Trước hết là nói về Phương tiện lượn siêu thanh (HGV). HGV là loại đầu đạn dùng cho tên lửa đạn đạo có thể cơ động và lướt với tốc độ siêu thanh. Ngay sau khi được phóng, các HGV có thể tách khỏi tên lửa đẩy và vì khả năng cơ động khi bay khiến chúng cực kỳ khó lường, cho phép chúng trốn tránh hệ thống phòng không.
Tiếp đến là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) Đông Phong 17 (DF-17) là một MRBM do Trung Quốc chế tạo và có thể trang bị HGV. Đi kèm với DF-ZF HGV, nó có thể bay với vận động từ Mach 5 đến Mach 10 tức từ 1.800 km đến 2.500 km. Tháng 1/2019, các quan chức PLA tuyên bố họ đã phát triển ra một biến thể DF-17 chống hạm chính xác.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cũng là một thứ vũ khí đáng ghờm của PLARF. Nó có tầm bắn lớn hơn 3.400 dặm (khoảng 5.500 km). Được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, nhưng nó cũng có thể mang theo các chất nổ thông thường, hóa học, sinh học. Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel là những nước hiện đang sở hữu ICBM đang hoạt động. Đáng lưu ý là Đông Phong 41 (DF-41/CH-SS-20) là loại tên lửa ICBM dùng nhiên liệu rắn của PLARF. Nó có tầm bắn xa từ 7.500 dặm đến 9.300 dặm (tức từ 12.000 km đến 15.000 km), vận tốc tối đa đạt Mach 25 và mang theo 10 đầu đạn hạt nhân.
Cần nên biết đến các biến thể của tên lửa Đông Phong 5 (DF-5). Chúng gồm: thứ nhất là DF-5A được phát triển vào năm 1966 và Trung Quốc tiến hành thử nghiệm nó trong năm 1971, sau đó nó hoàn thành đợt bay thử nghiệm đầu tiên trong tháng 5/1980 rồi đưa vào phục vụ từ năm 1981. DF-5 bay xa 12.000km (7456 dặm) và được trang bị đầu đạn hạt nhân nặng 1-3 Megaton.
Loại biến thể DF-5 thứ 2 là DF-5B, nó mang theo các đầu đạn MIRV. Các đầu đạn này cho phép tên lửa đạn đạo có thể nhắm vào nhiều vị trí mục tiêu chỉ bằng một tên lửa duy nhất theo cách chia tải trọng thành nhiều đầu đạn độc lập. Biến thể thứ 3 là DF-5C. Loại này mang theo các đầu đạn MIRV từ 3 lên 10, cho phép tấn công chính xác nhiều mục tiêu hơn.
Tên lửa đạn đạo tầm trung-xa (IRMB), là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa từ 3.000 đến 5.500 km (1.864-3.418 dặm). DF-26 là loại IRBM cơ động đường bộ với tầm bắn xa trên 4.000 km và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thường. Một biến thể mang tên DF-26B dùng để chống hạm đã được thử nghiệm vào năm 2020. Với các loại tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) thì phạm vi hoạt động tối đa dao động từ 1.000 km đến 3.000 km (tức 620 dặm đến 1.860 dặm). Ngoài ra các biến thể DF-21 cũng rất đáng lưu tâm. Loại tên lửa này có thể mang tải trọng 600 kg, phạm vi hoạt động khoảng 500 km và phạm vi tối đa đạt 2150 km.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có phạm vi hoạt động từ 1.000 km (620 dặm). Gồm có các biến thể như DF-16 là loại SRBM dùng nhiên liệu rắn, cơ động đường bộ, đầu tiên, được trình làng công khai trong lễ duyệt binh năm 2015. Phạm vi hoạt động của nó dao động từ 800-1000 km. Nó sử dụng các loại đầu đạn như đầu đạn nổ đơn nhất thông thường, đầu đạn bom chùm, và đầu đạn phá boong ke. PLARF sử dụng 3 biến thể tên lửa DF-16, cùng 2 biến thể được trang bị đầu đạn cơ động lần lượt được gọi là DF-16 Mod-1 (A) và Mod-2 (B).
Bên cạnh đó có 2 loại tên lửa hành trình mà tình báo Mỹ nắm được gần đây, đó là CJ-10, là loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất (LACM) vốn bắt nguồn từ tên lửa hành trình Kh-55 của Liên Xô. Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc cùng với Học viện Công nghệ điện cơ Haiying giữ vai trò sản xuất ra nó. Với tầm bắn xa 1500 km, CJ-10 có thể mang các loại đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Trung Quốc nâng cấp lực lượng hoạt động về thông tin, không gian mạng và không gian vũ trụ, cho thấy những ưu tiên mới của nước này trong cuộc tái tổ chức lớn nhất trong gần một thập kỷ.