Cáo buộc Ukraine giữ lại khí đốt Nga chuyển tới châu Âu, Gazprom cảnh báo cắt nguồn cung
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cáo buộc Kiev giữ lại hàng chục triệu m3 khí đốt mà lẽ ra cần được chuyển tới quốc gia châu Âu láng giềng.
Gazprom gần đây cáo buộc Ukraine giữ lại khí đốt mà Nga vận chuyển qua nước này để tới Moldova.
Hôm 22/11, Gazprom đưa ra tuyên bố nói rằng, Ukraine âm thầm chuyển hướng nguồn cung khí đốt Nga, vốn được vận chuyển qua nước này để tới Moldova. Gazprom dọa cắt nguồn cung qua đường ống này để đáp trả.
"Lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga qua Ukraine với điểm đến là Moldova lớn hơn lượng khí đốt thực tế được chuyển từ Ukraine sang Moldova", tập đoàn năng lượng Nga Gazprom tuyên bố, cáo buộc Ukraine đã giữ lại khí đốt.
Gazprom nói Kiev đã giữ lại 52,52 triệu m3 khí đốt lẽ ra cần được vận chuyển tới Moldova qua đường ống. Hôm 21/11, Moldova đã thanh toán tiền cho lượng khí đốt được Nga cung cấp trong tháng.
"Nếu lượng khí đốt cho Moldova, trung chuyển qua Ukraine tiếp tục thâm hụt, đúng 10h ngày 28/11, Gazprom sẽ bắt đầu cắt giảm nguồn cung", tập đoàn năng lượng Nga tuyên bố.
Tuyến đường ống Sudzha mà Nga sử dụng để vận chuyển khí đốt cho các nước châu Âu như Moldova là tuyến đường ống trung chuyển qua Ukraine duy nhất còn hoạt động kể từ vụ nổ đường ống Nord Stream hồi tháng 9.
Cuối ngày 22/11, Kiev đưa ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Gazprom. Nhà cung cấp khí đốt Ukraine nói toàn bộ khí đốt được Nga trung chuyển qua nước này tới Moldova đều được vận chuyển đúng như cam kết.
"Gazprom cáo buộc Ukraine đánh cắp khí đốt. Nhưng điều này hoàn toàn không đúng", công ty năng lượng Ukraine Naftogaz tuyên bố.
Trong khi đó, Moldova, quốc gia láng giềng Ukraine, hiện đang trải qua nhiều lần cắt điện luân phiên. Nước này kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ do giá năng lượng tăng cao và tình trạng lạm phát gia tăng, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu.
Theo Bộ Ngoại giao Pháp, sự hỗ trợ càng quan trọng hơn khi Moldova đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có do mùa đông đến gần.
Nguồn: [Link nguồn]
Công ty QatarEnergy đã ký thỏa thuận 27 năm cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Công ty Sinopec (Trung Quốc), đây được xem là thỏa thuận dài nhất lịch sử trong bối cảnh...