Cảnh giác với loạt động thái đáng lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong lúc Đông Nam Á đang khó khăn chống chọi đợt dịch COVID-19 mới, Trung Quốc liên tục có hành vi hết sức đáng lo ngại trên Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4-6, Chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương - tướng Kenneth S. Wilsbach chỉ trích việc Trung Quốc (TQ) đưa nhiều máy bay áp sát không phận Malaysia mới đây gây căng thẳng không cần thiết trong quan hệ hai nước. Theo ông, những hành động như vậy sẽ chỉ khiến các bên liên quan dễ tính toán sai lầm và dẫn tới các kịch bản tiêu cực cho toàn khu vực. Vị tướng Mỹ cáo buộc rằng TQ đang cố tình leo thang căng thẳng và làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định chung, theo tờ South China Morning Post.
Đằng sau căng thẳng Trung Quốc - Malaysia
Trước đó, ngày 31-5, không quân Malaysia cho biết đã phát hiện một nhóm 16 máy bay TQ, chủ yếu là hai loại máy bay vận tải quân sự Il-76 và Y-20, bay theo đội hình chiến thuật và tiến sát bờ biển Borneo, bang Sarawak ở phía đông nước này trong phạm vi 60 hải lý. Khu vực biển ngoài khơi Sarawak và một bang khác của Malaysia là Sabah đều bị TQ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền - nằm trong phạm vi yêu sách đường chín đoạn đã bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ hồi năm 2016.
Giàn khoan “Biển sâu số 1” lớn nhất thế giới của Trung Quốc. (Ảnh chụp ngày 29-5) Ảnh: CFP
Một quan chức Bắc Kinh giấu tên tiết lộ với South China Morning Post rằng các máy bay nói trên được điều đi làm nhiệm vụ tiếp tế cho các binh sĩ đồn trú ở những thực thể Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên dòng máy bay vận tải quân sự Y-20 xuất hiện trên Biển Đông. Hồi cuối năm ngoái, một vệ tinh của quân đội Mỹ đã chụp được hình ảnh vận tải cơ Y-20 của TQ ở khu vực đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đường băng dài hơn 3.000 m do Bắc Kinh cải tạo phi pháp ở đá Chữ Thập có khả năng tiếp nhận các máy bay vận tải cỡ lớn như Y-20.
Mặt khác, dù nguồn tin của South China Morning Post nói Y-20 thông thường chỉ tiếp tế nhu yếu phẩm cho binh sĩ trên thực địa nhưng trên thực tế nó có thể đóng nhiều vai trò hơn thế. Với khả năng chở tới 66 tấn hàng, Y-20 có thể bí mật vận chuyển các hệ thống tên lửa, đạn dược và thậm chí xe tăng hạng nhẹ đến Trường Sa nhanh hơn so với tàu đổ bộ. Trong kịch bản xung đột quân sự, đây sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với bất kỳ bên nào tham chiến ở Biển Đông.
Hội đàm ngày 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang nhất trí cần tuân thủ luật pháp quốc tế về giải quyết các vấn đề với TQ, đồng thời cam kết tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quốc phòng của hai nước, theo đài NHK. |
Giàn khoan mới của Trung Quốc và bài học từ quá khứ
Một diễn biến cũng không kém phần đáng lo ngại của TQ trong thời gian qua là các thông tin liên quan tới việc triển khai giàn khoan nửa chìm nửa nổi lớn nhất thế giới - giàn khoan “Biển sâu số 1”, nặng hơn 100.000 tấn. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu trực thuộc tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản TQ, việc lắp đặt các thiết bị kỹ thuật lên giàn khoan đã hoàn tất vào ngày 29-5. Hiện giàn khoan “Biển sâu số 1” đang trong quá trình chuẩn bị để được kéo ra khu vực khí Lăng Thủy ngoài khơi đảo Hải Nam. Đây là mỏ dầu khí lớn đầu tiên do TQ tự phát hiện thông qua hoạt động thăm dò biển sâu và giàn khoan “Biển sâu số 1” được kỳ vọng sẽ cho năng suất khai thác 3 tỉ m3 mỗi năm.
Nếu đây thực sự chỉ là hoạt động khai thác bình thường của TQ thì sẽ không có gì đáng nói, tuy nhiên điều này không đúng như thực tế đã diễn ra. TQ những năm qua liên tục triển khai nhiều giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông không chỉ để khai thác tài nguyên mà còn để hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền trái phép của mình và thúc đẩy những yêu sách hàng hải phi pháp trong khu vực. Lần nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2014, TQ ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đẩy quan hệ Việt - Trung vào một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Giới lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) lúc đó thẳng thừng tuyên bố các giàn khoan TQ không chỉ để hút dầu mà còn như một cái gọi là “cột mốc chủ quyền” trên biển của họ.
Do đó, nhìn nhận từ các thông tin này thì không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần phải hết sức chú ý và theo dõi sát sao việc TQ triển khai giàn khoan “Biển sâu số 1” lần này. Bên cạnh cần cảnh giác ý đồ chính trị của TQ, các nước cần đặc biệt lưu ý nguy cơ Bắc Kinh có thể biến giàn khoan này thành một căn cứ quân sự không chính thức, hoặc ít nhất là tận dụng một phần giàn khoan này cho mục đích quân sự. Theo tờ The Diplomat, năm 2016, Bộ Ngoại giao Nhật từng phát hiện một số giàn khoan TQ triển khai ở các khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông có dấu hiệu lắp đặt radar - loại thường được trang bị cho tàu tuần tra. Bên cạnh đó, giàn khoan của TQ cũng được thiết kế bãi đáp trực thăng. Tiền lệ này cho thấy việc TQ có thể sẽ “bổn cũ soạn lại” đối với giàn khoan “Biển sâu số 1”, nhất là khi Biển Đông là khu vực nóng hơn hẳn với nhiều nước tranh chấp chủ quyền và mật độ hoạt động của tàu quân sự nhiều hơn biển Hoa Đông.
Ý đồ phát triển sức mạnh hạt nhân trên Biển Đông của Trung Quốc Mối lo ngại về TQ ở Biển Đông không chỉ dừng lại ở các hoạt động quân sự thông thường mà còn ở nguy cơ bùng phát chiến tranh ở đây. Cuối tháng 5, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến cho đăng bài xã luận tuyên bố “nhiệm vụ cấp bách” của Bắc Kinh hiện nay là phải làm sao tăng được số lượng đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang được đầu đạn hạt nhân trong biên chế. Trên thực tế, ngay cả trước khi Washington tăng cường hoạt động quân sự tại các vùng biển trong khu vực, Bắc Kinh đã công khai theo đuổi chương trình phát triển dài hơi để bành trướng sức mạnh vũ khí hạt nhân ở Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh nhiều năm qua đã triển khai oanh tạc cơ H-6 và một số dòng tiêm kích như J-10, J-11 ở Biển Đông. Các loại chiến đấu cơ này đều có thể mang theo bom và tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân. Tháng 8-2020, TQ từng cho bắn thử hai tên lửa đạn đạo là DF-26 và DF-21 cũng với ý đồ phô trương sức mạnh hạt nhân. Dù vậy, kế hoạch của TQ không dễ trở thành hiện thực, Mỹ và phương Tây chắc chắn sẽ không để yên cho TQ phát triển hạt nhân ở Biển Đông bởi đây là một kịch bản quá sức nguy hiểm. Nhiều khả năng các nước này sẽ còn tiếp tục can thiệp sâu hơn nữa vào khu vực để đề phòng trường hợp này và sẽ đưa ra nhiều biện pháp áp chế cứng rắn hơn nữa cho đến khi TQ từ bỏ hoặc giảm quy mô chương trình hạt nhân quân sự của mình, theo hãng tin Reuters. |
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 1-6 thông báo sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Malaysia sau khi quốc...
Nguồn: [Link nguồn]