Cảnh báo thế giới chưa sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo sau Covid-19
Thế giới vẫn chưa sẵn sàng để đối phó với đại dịch mới có thể xuất hiện trong tương lai. Hầu hết các quốc gia chưa sẵn sàng trước các đợt bùng phát dịch dù là quy mô nhỏ, các nhà nghiên cứu ngày 8.12 cho biết.
Thế giới chưa sẵn sàng đối phó với các đại dịch mới trong tương lai.
Theo CNN, không một quốc gia nào hiện nay đạt điểm số cao trong chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu - một thước đo về sự chuẩn bị sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp về y tế và sức khỏe.
Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu (GHS) do tổ chức Sáng kiến Mối đe doạ Hạt nhân và Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg đưa ra.
"Chỉ số GHS năm 2021 cho thấy tất cả các quốc gia vẫn còn thiếu một số năng lực quan trọng, cản trở khả năng ứng phó hiệu quả với Covid-19 và làm giảm khả năng sẵn sàng đối phó với dịch bệnh và đại dịch tiềm ẩn trong tương lai”, báo cáo cho biết.
“Điểm trung bình của quốc gia trong năm 2021 là 38,9/100, về cơ bản không thay đổi so với năm 2019", báo cáo viết.
Lĩnh vực có mức độ sẵn sàng kém nhất là khả năng ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh mới.
“Mức trung bình toàn cầu trong việc ngăn chặn sự xuất hiện hoặc phát tán mầm bệnh là 28,4/100 - là điểm số thấp nhất trong Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cho thấy có 113 quốc gia "ít để ý đến" các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
“Các quốc gia hiện nay đứng trước hai lựa chọn, hoặc là đầu tư một cách bền vững để chuẩn bị đối phó với đại dịch trong tương lai, hoặc tiếp tục đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, khiến thế giới đối mặt nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng không thể tránh khỏi”, Tiến sĩ Jennifer Nuzzo, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Mỹ, nói.
Báo cáo cho thấy 155/195 quốc gia chưa đầu tư hiệu quả vào việc sẵn sàng đối phó đại dịch hoặc dịch bệnh trong 3 năm trở lại đây. 70% trong số này đã không đầu tư vào các phòng khám, bệnh viện và trung tâm y tế cộng đồng.
Mỹ là ví dụ điển hình, khi ghi nhận nhiều ca nhiễm và ca tử vong nhất so với bất cứ quốc gia nào khác trong dịch Covid-19. “Phản ứng kém của Mỹ đối với đại dịch đã gây chấn động. Làm cách nào mà một quốc gia với rất nhiều năng lực lại có phản ứng sai lầm như vậy?, báo cáo đặt câu hỏi.
Một lý do chính là lòng tin của công chúng đối với chính phủ, yếu tố được xác định là then chốt trong số các quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao.
“Sự thiếu lòng tin như vậy có thể khiến công chúng Mỹ không tuân theo các các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như đeo khẩu trang, cách ly tại nhà hoặc tiêm chủng", báo cáo ch biết.
Một số nhược điểm khác của Mỹ bao gồm hạn chế tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, số lượng nhân viên chăm sóc sức khỏe và số giường bệnh trên đầu người thấp so với các quốc gia có thu nhập cao khác.
Báo cáo cho biết, ngay cả những quốc gia giàu có và dường như đã chuẩn bị sẵn sàng vẫn có thể không ngăn chặn được đại dịch. "Công chúng phải tin tưởng lời khuyên từ các quan chức y tế và không phải đối mặt với những trở ngại, chẳng hạn như mất thu nhập, nếu tuân theo các khuyến nghị", báo cáo viết.
Bảo hiểm y tế toàn dân, nghỉ có lương, chăm sóc trẻ em có trợ cấp, hỗ trợ thu nhập, hỗ trợ lương thực và nhà ở là các chính sách đã giúp người dân một số quốc gia tuân thủ các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong dịch Covid-19.
Các nhà khoa học thông báo xác định phiên bản "tàng hình" của biến thể Omicron, không thể phân biệt được với các...
Nguồn: [Link nguồn]