Cảnh báo tàn dư tên lửa khổng lồ của Trung Quốc sắp rơi trở lại Trái Đất
Nhiều chuyên gia cảnh báo, phần tàn dư của tên lửa khổng lồ Trung Quốc nặng 21 tấn, có thể rơi xuống Trái Đất, chỉ trong 1 vài ngày nữa.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5b vừa được phóng lên quỹ đạo cách đây vài ngày
Vật thể khổng lồ nặng 21 tấn
Dự báo nguy cơ tàn dư tên lửa rơi trở lại Trái Đất được đưa ra chỉ vài ngày kể từ thời điểm Trung Quốc bắt đầu phóng tên lửa Trường Chinh 5B mang mô-đun của trạm không gian đầu tiên do nước này chế tạo, lên quỹ đạo vào ngày 27/4.
Thông thường, như các vụ phóng khác, phần dư thừa tên lửa sau khi phóng sẽ rơi xuống vùng biển đã định trước nhưng lần này, tầng lõi nặng 21 tấn của tên lửa đẩy Trường Chinh 5b lại xoay quanh quỹ đạo Trái Đất không kiểm soát.
Nhà báo Andrew Jones, làm việc tại cổng thông tin Space News, chuyên theo dõi chương trình không gian vũ trụ của Trung Quốc, dự báo, tầng lõi tên lửa sẽ rơi trở lại Trái Đất trong vài ngày tới.
Nhà báo Andrew Jones chia sẻ nhận định của ông Jonathan McDowell, một nhà thiên văn học tại Trung tâm vật lý thiên văn Harvard Smithsonian cho rằng:
“Theo tôi, qua những tiêu chuẩn hiện nay, việc để cho vật thể lớn như vậy rơi trở lại Trái Đất là điều không thể chấp nhận. Kể từ năm 1990, chưa có vật thể nào lớn hơn 10 tấn bị rơi mất kiểm soát trở lại Trái Đất".
Thông thường, khi đi qua tầng khí quyển, các vật thể thường bị đốt cháy, thiêu rụi nhưng với chiều dài 30m, ngang 5m, tầng lõi của Trường Chinh 5B có thể vẫn còn là mảnh lớn và gây hậu quả nghiêm trọng khi rơi xuống Trái Đất.
Ông Holger Krag, người đứng dầu Văn phòng Chương trình An toàn Không gian của Cơ quan Không gian Châu Âu ước tính, dựa trên quy luật, vật thể này khi rơi xuống Trái Đất sẽ còn khoảng 20-40% khối lượng thô ban đầu (không kèm nhiên liệu lỏng).
Hiện tại, khi xoay xung quanh Trái Đất, phần tên lửa tàn dư này đang đi về phía Bắc New York (Mỹ), Madrid (Tây Ban Nha) và Bắc Kinh (Trung Quốc) rồi đi về phía Nam ở Nam Chile và thủ đô Wellington của New Zealand. Dự kiến, nó có thể rơi xuống Trái Đất trong khoảng này.
Không phải lần đầu tiên
Đây không phải lần đầu tiên, hoạt động trong không gian vũ trụ Trung Quốc gặp phải sự cố mất kiểm soát như vậy. Cách đây 1 năm, khoảng tháng 5/2020, cũng có tàn dư từ một vụ phóng tên lửa Trường Chinh 5B từ Văn Xương, tỉnh Hải Nam lên quỹ đạo, rơi trở lại Trái Đất sau 1 tuần.
Rất may, theo thông báo của Không quân Mỹ, tàn dư này đã rơi xuống Đại Tây Dương. Nhưng, có báo cáo về một vật thể kim loại hình ống, dài khoảng 10m, được cho là một phần của tên lửa Trường Chinh 5B, lại rơi xuống làng Mahounou, Cộng hòa Côte d'Ivoire (còn gọi là Bờ Biển Ngà). Cú rơi làm phá hủy một ngôi nhà nhưng không gây ra thương vong.
Tại sao lại có những tàn dư tên lửa?
Thông thường, động cơ phóng tên lửa bao gồm 2 phần: động cơ giai đoạn 1 lớn và động cơ giai đoạn 2 nhỏ hơn.
Khi tên lửa có cấu hình 2 phần như vậy được phóng lên, đầu tiên, động cơ giai đoạn 1 chịu trách nhiệm tạo ra lực đẩy cho tên lửa, khi hoàn thành nhiệm vụ nó sẽ bị ngắt kết nối và rơi xuống biển. Sau đó động cơ giai đoạn 2 sẽ làm nốt nhiệm vụ đẩy tên lửa lên quỹ đạo.
Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc chỉ có một động cơ gọi là tầng lõi giúp đẩy tên lửa có trọng tải lớn hơn so với các tên lửa thông thường.
Nhưng cũng vì thế, khi tách ra và bị vô hiệu hoá, phần lõi này trở thành khối vật thể khổng lồ rơi trở lại Trái Đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu bị mất kiểm soát như 2 lần vừa qua.
Tại hang đá Long Môn ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, các nhân viên an ninh phải dùng loa phát thanh yêu cầu...
Nguồn: [Link nguồn]