Cảnh báo những tảng băng “chết đói” gây thảm họa cho thế giới
Những tảng “băng zombie” ở Greenland đang tan nhanh chóng và có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao ít nhất 27 cm, nhiều gấp đôi so với các cảnh báo trước đó.
Các khối băng khổng lồ đang tan chảy với tốc độ đáng báo động ở Greenland (ảnh: AP)
William Colgan – nhà khoa học tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland – cho rằng, nếu không được bồi đắp bởi các sông băng, những lớp “băng zombie” ở Greenland chắc chắn sẽ tan chảy và khiến mực nước biển dâng cao.
Theo AP, “băng zombie” là lớp băng chỉ còn giữ được liên kết yếu vào các tảng băng dày hơn. Chúng không được bồi đắp thêm do lượng tuyết rơi ít dần trên các sông băng.
“Đó là lớp băng chết. Chúng sẽ tan chảy dần và biến mất khỏi tảng băng chính”, ông Colgan nói.
Nghiên cứu của ông Colgan và các đồng nghiệp chỉ ra rằng, lớp “băng zombie” tan chảy hết ở Greenland có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao 27 cm. Năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) dự báo, đến năm 2100, băng tan ở Greenland chỉ khiến mực nước biển dâng từ 6 – 13 cm.
Một nghiên cứu khác trên Tạp chí Nature Climate Change cũng cảnh báo rằng, băng ở Greenland tan hết có thể khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao 78 cm.
Theo ông Colgan, ở trạng thái cân bằng hoàn hảo, tuyết rơi trên các ngọn núi ở Greenland chảy xuống sẽ làm dày thêm các tảng băng, bù đắp phần băng tan chảy ở vùng rìa. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, lượng tuyết rơi ở Greenland ít hơn và sự tan chảy diễn ra nhanh hơn, dẫn đến trạng thái mất cân bằng.
“Tôi nghĩ rằng chết đói là một cụm từ hay để chỉ những gì đang xảy ra với lớp băng đó”, ông Colgan nói về lớp “băng zombie” ở Greenland.
Ông Colgan và các đồng nghiệp đã nghiên cứu kỹ lưỡng tỷ lệ lượng băng bổ sung và tan chảy ở Greenland, từ đó kết luận rằng 3,3% băng ở đảo này sẽ tan chảy, bất kể thế giới dùng biện pháp nào để cắt giảm lượng khí phát thải.
Nghiên cứu của ông Colgan cùng các đồng nghiệp cũng cảnh báo rằng, cuối thế kỷ 21 hoặc đến năm 2150, tất cả lớp “băng zombie” sẽ tan chảy hoàn toàn.
Theo AP, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tính toán một cách kỹ lưỡng lượng băng mất đi và mực nước biển dâng cao do băng tan ở Greenland – một trong những “khối băng” khổng lồ của Trái đất.
Nguồn: [Link nguồn]
Các sông băng trên dãy Alps ở châu Âu đang trên đà giảm khối lượng lớn nhất trong ít nhất 60 năm kể từ khi dữ liệu liên quan được thu thập.