Cảnh báo đáng sợ cho thế giới
Đại dương đang nóng lên trong khi cả mực nước biển lẫn độ tích tụ khí nhà kính đều cao kỷ lục trong năm 2021
Thực tế nêu trên chứng tỏ biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng mức độ nguy hiểm bất chấp các nỗ lực cắt giảm phát thải. Đây là kết luận của báo cáo thường niên mang tên "Tình trạng khí hậu" do Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) công bố hôm 31-8.
"Các dữ liệu trong báo cáo này rất rõ ràng. Chúng ta đang tiếp tục chứng kiến thêm nhiều bằng chứng khoa học thuyết phục rằng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng trên toàn cầu và không có dấu hiệu chậm lại" - ông Rick Spinrad, lãnh đạo của NOAA, nhấn mạnh.
Theo báo cáo, lượng khí thải nhà kính vẫn tăng trong năm 2021 - mức độ tích tụ trong khí quyển là 414,7 ppm - dù việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm xuống trong năm trước đó (do đại dịch Covid-19). Đây là mức độ "cao nhất trong ít nhất hàng triệu năm gần đây, dựa trên các ghi chép về cổ khí hậu học", theo báo cáo trên.
Song song đó, mực nước biển tăng năm thứ 10 liên tiếp, lập kỷ lục với mốc cao hơn 97 mm so với mức trung bình của năm 1993, thời điểm thế giới bắt đầu đo đạc bằng vệ tinh.
Cảnh tượng ngập lụt tại Dera Allah Yar, Jafferabad - Pakistan hôm 30-8. Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, xu hướng trái đất nóng lên chưa dừng lại khi năm 2021 nằm trong số 6 năm nóng nhất kể từ giữa thế kỷ XIX và 7 năm gần đây nhất (2015-2021) cũng là 7 năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Hệ quả là các đại dương đang hấp thụ phần lớn lượng nhiệt dôi ra - bị khí nhà kính cản đường nên không thể "xả" vào không gian - dẫn đến việc hình thành ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan.
"Năm nay xảy ra nhiều trận lũ ngàn năm mới có một lần, kèm theo hạn hán và nắng nóng chưa từng thấy. Điều này cho thấy khủng hoảng khí hậu không còn ở tương lai nữa mà đã trở thành mối đe dọa ngay trước mắt" - trang Axios dẫn lời ông Spinrad.
Nguy cấp nhất hiện nay là trận lũ lụt kinh hoàng ở Pakistan. Theo giới chức nước này, 1/3 đất nước đang ngập trong nước, khiến ít nhất 33 triệu người bị ảnh hưởng (chiếm hơn 15% trong dân số 220 triệu người), hơn 1.200 người thiệt mạng, bao gồm 380 trẻ em... Thiệt hại vật chất ước tính lên đến hơn 10 tỉ USD, theo hãng tin Bloomberg.
Đáng nói là trong lúc nhiều nơi ngập trong biển nước thì cũng trên hành tinh này, không ít khu vực vật lộn với hạn hán.
"Khi không khí và đại dương nóng lên bên dưới lớp khí nhà kính ngày càng dày, hơi nước bị hút lên không trung nhiều hơn. Đây là nguồn cung cấp độ ẩm khiến các cơn bão, xoáy thuận và gió mùa mạnh lên" - bà Jennifer Francis, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell (Mỹ), giải thích. Lấy ví dụ, tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc chỉ mấy tuần trước còn khổ sở với trận hạn lịch sử thì nay lại phải đưa cả trăm ngàn người đi sơ tán vì... lũ lụt.
Tại Pakistan, chính độ ẩm trong khí quyển quá cao làm gió mùa gây mưa khủng khiếp bất thường. Hãng tin Reuters cho biết lượng mưa trút xuống nước này trong 3 tháng 6, 7, 8 năm nay đạt tới 390,7 mm, tức hơn mức bình quân 30 năm qua gần 190%. Tỉ lệ này tại Sindh, tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 50 triệu người sinh sống, là... 466%.
Reuters cũng trích dẫn một báo cáo hồi đầu tuần của Trung tâm Nghiên cứu các thảm họa dịch tễ học (Bỉ) cho thấy tình trạng hạn hán, bão và mưa lớn ngày càng nghiêm trọng hơn ở một số nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây thiệt hại tới 5.600 tỉ USD cho kinh tế toàn cầu vào năm 2050.
Chỉ riêng tại Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới, thiệt hại có thể chạm mốc 3.700 tỉ USD vào năm 2050, còn tại Trung Quốc là vào khoảng 1.100 tỉ USD.
La Nina lập "hat-trick" hiếm gặp AP trích dẫn đánh giá của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hôm 31-8 cho hay các điều kiện hình thành La Nina, bao gồm bề mặt đại dương lạnh đi trên diện rộng, đã tăng cường ở phía Đông và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương kèm với sự gia tăng gió mậu dịch trong những tuần gần đây. Điều này có nghĩa La Nina sẽ kéo dài đến cuối năm nay - cũng là năm thứ 3 liên tiếp và là lần đầu tiên La Nina lập "hat-trick" trong thế kỷ này. Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: "Ảnh hưởng làm mát của La Nina đang tạm thời làm chậm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu nhưng nó sẽ không ngăn chặn hoặc đảo ngược được xu hướng ấm lên trong thời gian dài". La Nina là hiện tượng nguội lạnh tự nhiên theo chu kỳ ở vùng xích đạo Thái Bình Dương, làm thay đổi mô hình thời tiết toàn cầu, trái ngược với sự ấm lên do El Nino gây ra. Nó thường dẫn đến nhiều trận cuồng phong Đại Tây Dương, gây lũ lụt cho nhiều nơi trong khi gây hạn hán và cháy rừng nhiều hơn ở một số nơi khác; chẳng hạn mưa xối xả làm ngập các đồn điền cọ dầu ở Indonesia, trong khi California và khắp miền Nam nước Mỹ trở nên khô hạn hơn, làm ảnh hưởng đến cây bông và nho làm rượu... - Bloomberg đưa ra ví dụ. Cùng với El Nino, La Nina và điều kiện trung tính được gọi chung là ENSO, là dạng tác động tự nhiên lớn đôi khi làm gia tăng hoặc giảm tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Theo khảo sát được công bố hôm 31-8 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), biến đổi khí hậu đã trở thành mối đe dọa hàng đầu trong suy nghĩ của công chúng, vượt qua các mối đe dọa thời đại khác là lan truyền thông tin sai lệch, tấn công mạng, tình hình kinh tế toàn cầu và sự bùng phát dịch bệnh. Được thực hiện tại 19 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, cuộc khảo sát cho thấy người tham gia tại 10/19 nước thậm chí khẳng định biến đổi khí hậu là "mối đe dọa lớn nhất mọi thời đại", theo tờ Straits Times. Anh Thư |
Nguồn: [Link nguồn]
Đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc đang làm tê liệt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy thủy điện. Cách xử lý của Trung Quốc sẽ tác động người...