"Canh bạc" áp giá trần với dầu Nga
Việc cắt giảm sản lượng khai thác cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ bất mãn với động thái áp giá trần lên dầu Nga
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13-10 cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng hồi tuần trước của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài (OPEC+) đã làm tăng giá dầu và có thể góp phần đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Cảnh báo từ IEA nêu bật rạn nứt giữa Ả Rập Saudi và Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ có những "hậu quả" trong quan hệ với Ả Rập Saudi sau động thái của OPEC+. Tuy nhiên, Riyadh bác bỏ chỉ trích và cho rằng quyết định của khối không mang động cơ chính trị mà chỉ nhằm cân bằng thị trường cũng như kiểm soát sự biến động giá cả.
Theo hãng tin Bloomberg, một số quan chức Mỹ lo ngại việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cộng với kế hoạch áp trần giá dầu Nga của phương Tây sắp tới có thể khiến giá dầu tăng đột biến.
Kế hoạch của phương Tây là duy trì nguồn cung dầu từ Nga đủ ở mức ổn định để ngăn giá dầu leo thang. Tuy nhiên, đề xuất này đã phức tạp ngay từ đầu và trở thành chủ đề ngoại giao căng thẳng giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu.
Các quan chức Mỹ cho rằng triển vọng thực thi kế hoạch suy giảm sau khi OPEC+ quyết định giảm khai thác 2 triệu thùng dầu/ngày, bắt đầu từ tháng 11-2022.
Nhiều ôtô xếp hàng chờ đổ nhiên liệu tại trạm xăng ở vùng Petite-Foret - Pháp hôm 6-10. Ảnh: REUTERS
Báo Guardian (Anh) đưa tin trong những tuần qua, các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dường như "quên" việc áp giá trần đối với dầu Nga. Tuyên bố mới nhất của G7 hôm 11-10 cũng chỉ cam kết tiếp tục hợp tác để bảo đảm an ninh năng lượng và khả năng chi trả trên toàn G7 và các nước khác.
Tuyên bố ngắn gọn của G7 phản ánh những ngờ vực bên trong EU khi Đức lo ngại các nước nhập khẩu dầu Nga khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận kế hoạch áp giá trần với dầu Nga.
Việc áp trần giá dầu nói trên, nếu thực hiện, sẽ diễn ra cùng với lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU. Mỹ, Anh và Canada đã ngừng nhập khẩu dầu Nga trong khi châu Âu hồi tháng 5 đồng ý ngừng nhập dầu Nga bằng đường biển (từ ngày 5-12-2022) và ngừng nhập toàn bộ sản phẩm hóa dầu của Nga (từ ngày 5-2-2023).
Trên thực tế, sản lượng dầu của Nga đã giảm gần đây do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ước tính Nga sản xuất ít hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch 11 triệu thùng/ngày trong tháng 9-2022. Do đó, nước này không phải giảm sản lượng theo kế hoạch của OPEC+ nữa và sẽ hưởng lợi từ giá dầu cao hơn.
Nguy cơ kéo theo từ động thái của OPEC+ là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất quyết liệt hơn, đồng USD mạnh lên và tăng trưởng kinh tế thấp kéo dài. Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) cho biết giá dầu sẽ tăng trở lại mốc 100 USD/thùng nhanh hơn so với ước tính trước đó và nâng dự báo giá trong quý I/2023 từ 95 USD/thùng lên 100 USD/thùng. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng nâng dự báo giá dầu thô Brent cho quý I/2023 thêm 10 USD, lên 110 USD/thùng.
Nhận định về động thái của OPEC+, ông Amrita Sen, chuyên gia phân tích dầu mỏ tại Công ty Tư vấn Energy Aspects (Anh), nói với tờ Financial Times: "Đây là một tín hiệu rất rõ ràng cho thấy OPEC bất mãn với động thái áp giá trần lên dầu Nga. Bất kể việc áp trần giá dầu có hiệu quả hay không, họ xem đây là một tiền lệ nguy hiểm".
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, đại diện Nga tại các cuộc họp của OPEC+, khẳng định những tiền lệ như vậy rất có hại cho thị trường năng lượng, đồng thời tuyên bố Nga sẽ không cung cấp dầu cho các nước tham gia áp giá trần với dầu Nga - theo hãng thông tấn TASS (Nga).
Người dân từ vùng Kherson (phía nam Ukraine) dự kiến sẽ tới Nga vào hôm nay, sau khi lãnh đạo phe ly khai ở khu vực này đề nghị Moscow hỗ trợ di tản an toàn.
Nguồn: [Link nguồn]