Căng thẳng với Nga, NATO đặt hơn 500.000 quân vào trạng thái báo động
Phát ngôn viên NATO cho hay, hơn 500.000 quân nhân trong liên minh quân sự đã được đặt trong tình trạng báo động cao để đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột với Nga.
NATO đã điều chỉnh lại chiến lược, và tăng cường năng lực quân sự trong thập kỷ qua để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga.
Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, sau khi Moscow ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine và sáp nhập bán đảo Crưm vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014 đã khiến các nước thành viên NATO đánh giá lại liệu họ đã sẵn sàng cho xung đột, và tăng cường khả năng phòng thủ hay chưa.
Ảnh minh họa
Hôm 21/7, CNN đưa tin, bà Farah Dakhlallah, phát ngôn viên NATO cho hay, “kể từ năm 2014, NATO đã trải qua sự chuyển đổi quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ tập thể trong một thế hệ. NATO đã triển khai các kế hoạch phòng thủ toàn diện nhất kể từ Chiến tranh Lạnh với hơn 500.000 binh sĩ đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao độ”.
Theo ông Sean Monaghan tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong khi các đồng minh NATO “chắc chắn sẽ sẵn sàng chiến đấu tối nay”, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài như ở Ukraine hay không. Ngoài ra, NATO vẫn còn nhiều việc phải làm ở một số lĩnh vực gồm năng lực công nghiệp, chi tiêu quốc phòng, và khả năng phục hồi xã hội.
Để tăng cường khả năng tự vệ, một số thành viên NATO đã tái áp dụng hoặc mở rộng nghĩa vụ quân sự bắt buộc bao gồm một vài quốc gia giáp biên giới với Nga. Họ cũng tăng cường huấn luyện, và xây dựng kho thiết bị dự trữ.
Theo bà Dakhlallah, cách tuyển dụng và huấn luyện quân nhân là quyết định của từng quốc gia, song “khoảng 1/3 thành viên NATO đã thực hiện một số hình thức nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tuy nhiên, NATO không quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại các nước thành viên. Điều quan trọng là các đồng minh cần có lực lượng vũ trang đủ năng lực để bảo vệ lãnh thổ và người dân”.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài cuộc chiến ở Ukraine, Nga còn triển khai một cuộc chiến hỗn hợp trên khắp châu Âu như các cuộc tấn công mạng, lan truyền thông tin sai lệch, can thiệp bầu cử, và vũ khí hóa việc di cư.
"Tất cả những điều đó nhằm nói lên rằng, các thành viên NATO đang phải đối mặt với một tình hình địa chính trị rất khác so với những gì họ đã trải qua trong vài thập kỷ qua”, ông Monaghan nói.
Tình hình còn có thể trở nên phức tạp hơn, bởi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Theo giới chuyên gia, mọi thứ sẽ rất khác nếu cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Bởi ông Trump từng nói sẽ khuyến khích Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" với bất kỳ quốc gia NATO nào không đáp ứng được nguyên tắc chi tiêu quốc phòng của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov ngày 18/7 nhấn mạnh Moscow không loại trừ việc triển khai mới các tên lửa hạt nhân nhằm đáp trả kế hoạch triển khai vũ khí thông thường tầm xa của Mỹ ở Đức.