Căng thẳng Ukraine bao giờ chấm dứt, chỉ một người biết rõ nhất
Căng thẳng giữa Nga với phương Tây về vấn đề Ukraine có thể sẽ còn kéo dài, chưa biết bao giờ mới kết thúc, tùy thuộc vào quyết định của một người duy nhất - người được cho là đang nắm thế chủ động.
Ông Putin đã thể hiện rõ lập trường rằng Mỹ và phương Tây phải đồng ý với các đề xuất an ninh mà Nga đưa ra.
Theo nhận định của báo Mỹ New York Times, ông Putin ngày càng trở nên quyết đoán hơn, nắm thế chủ động trong chiến lược đảo ngược nỗ lực ngả về phương Tây của Ukraine.
Ngay cả khi không tấn công Ukraine vào mùa đông năm nay, ông Putin đã thể hiện rõ quan điểm không lùi bước, cho đến khi đạt được mục đích đã nêu với Mỹ và phương Tây.
Báo Mỹ cho rằng, ảnh hưởng của Nga ở Đông Âu là điều không phải bàn cãi. Một giải pháp ngoại giao cho căng thẳng Ukraine có thể còn kéo dài, tiêu tốn nguồn lực và sự quan tâm của phương Tây trong nhiều tháng.
Mỗi khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây cảnh báo về đòn trừng phạt Nga, ông Putin lại đối phó bằng tuyên bố sẵn sàng đối thoại. Nhưng khi phương Tây muốn đối thoại, ông Putin yêu cầu phải đồng thuận với đề xuất an ninh của Nga, thậm chí còn cảnh báo về nguy cơ xung đột giữa Nga và các quốc gia thuộc liên minh quân sự NATO.
“Tôi dự đoán rằng căng thẳng Ukraine sẽ còn kéo dài, ít nhất là trong suốt cả năm 2022”, Andrei Sushentsov, hiệu trưởng trường quan hệ quốc tế tại MGIMO, trường đại học ưu tú ở Moscow trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói.
Ông Sushentsov mô tả căng thẳng hiện tại chỉ là bước đầu trong chiến lược của Nga nhằm buộc phương Tây đồng ý với một cấu trúc an ninh mới ở Đông Âu.
Mục đích của ông Putin là duy trì ở mức vừa phải nguy cơ chiến tranh, từ đó khiến phương Tây phải tìm cách đàm phán, ông Sushentsov nói.
Trong hàng thập kỷ qua, giới lãnh đạo phương Tây đã quá tự tin về việc không thể có chiến tranh nổ ra. Đối với ông Putin, suy nghĩ như vậy phải thay đổi, ông Sushentsov giải thích, để buộc phương Tây đồng ý với các yêu cầu của Nga.
Xe bọc thép Nga tập trung ở vùng Rostov vào cuối tháng 1.2022.
“Phương Tây nghĩ rằng có thể lấn lướt Nga, đạt được mục đích mà không mất gì cả, thay vì phải đàm phán. Điều này là sai lầm”, ông Sushentsov nói thêm.
Sau những gì xảy ra ở Afghanistan, ông Putin biết chắc rằng Mỹ sẽ không dám dấn thân vào một cuộc xung đột kéo dài, đặc biệt khi Ukraine là quốc gia láng giềng của Nga.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu, chỉ mới 6 tháng trước, không ai nghĩ về nguy cơ xung đột với Nga ở châu Âu nổ ra. Nhưng giờ Mỹ và phương Tây phải chú ý lắng nghe những tuyên bố của ông Putin.
Ruslan Pukhov, một nhà phân tích quân sự Nga, nói phương Tây có thể trì hoãn nguy cơ xung đột, nhưng nếu không đáp ứng các yêu cầu cốt lõi của Nga, mối đe dọa chiến tranh sẽ quay lại vào mùa đông năm tới.
“Phương Tây không hiểu tầm quan trọng của vấn đề đối với lợi ích quốc gia Nga. Ukraine gia nhập NATO, tương đương chiến tranh hạt nhân nổ ra, theo quan điểm của Nga”, ông Pukhov nói.
Phương Tây nói Ukraine chưa thể gia nhập NATO trong tương lai gần, nhưng ông Putin muốn một sự đảm bảo lâu dài, được nêu cụ thể trong văn bản với chữ ký của tất cả các bên.
Theo New York Times, ông Putin biết cách để gây chú ý với phương Tây, từ những hoạt động luân chuyển quân dù là nhỏ nhất ở biên giới, với hàm ý rằng nếu không thể đàm phán, một giải pháp quân sự của Nga sẽ khiến Ukraine không bao giờ có cơ hội gia nhập NATO.
“Có thể nói rằng Nga không thể duy trì việc tập trung binh lực sát Ukraine trong thời gian dài. Quyết định tấn công hay không sẽ sớm được đưa ra trong vài tuần tới”, Michael Kofman, giám đốc viện nghiên cứu về Nga, có trụ sở ở Arlington (Mỹ). nói.
“Nhưng xung đột nổ ra cũng không phải là thảm họa tồi tệ nhất. Các nỗ lực ngoại giao vẫn xuyên suốt trong các cuộc chiến, rồi sẽ đến lúc các bên đạt thỏa thuận hòa bình”, ông Kofman nói.
Nhưng quyết định tấn công sẽ phải được ông Putin cân nhắc kỹ lưỡng, bởi đây có thể là cuộc chiến cam go nhất của ông Putin trong hơn 20 năm cầm quyền, theo New York Times.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa chứng minh ông mới là người nắm quyền chủ động về vấn đề căng thẳng ở...