Căng thẳng Trung - Ấn: Đòn tẩy chay hàng Trung Quốc của Ấn Độ có hiệu quả?

Những người luôn ủng hộ việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và cho rằng làm vậy sẽ khiến Bắc Kinh tổn thất về kinh tế được cho là "ngây thơ", theo Hindustan Times.

Đòn tẩy chay hàng "Made in China" có thực sự hiệu quả giữa căng thẳng Trung - Ấn. Ảnh: PTI

Đòn tẩy chay hàng "Made in China" có thực sự hiệu quả giữa căng thẳng Trung - Ấn. Ảnh: PTI

Tờ Hindustan Times hôm 22/6 nhận định, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ sẽ không trở lại bình thường trong một thời gian dài. Các nỗ lực ngoại giao và quân sự để khôi phục hiện trạng tại Đường kiểm soát thực tế (LAC) sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sự cạnh trang Trung - Ấn sẽ được quyết định cuối cùng trong lĩnh vực kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gắn liền với tăng trưởng của xuất khẩu. Đây là lý do mỗi khi Ấn Độ có xung đột với Trung Quốc thì những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc lại xuất hiện.

Những người luôn ủng hộ việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và cho rằng làm vậy sẽ khiến Bắc Kinh tổn thất về kinh tế, quả thực rất "ngây thơ", theo Hindustan Times.

Cạnh tranh kinh tế giữa 2 nước, đặc biệt là các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ, phức tạp hơn rất nhiều. Nó đòi hòi tầm nhìn chiến lược dài hạn. Và ngoại thương chỉ nên được xem là một khía cạnh trong đó. Ngoài ra, các đồng minh quân sự và ngoại giao có thể không sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ, nhất là khi động chạm tới lợi ích kinh tế.

Bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về vấn đề cạnh tranh kinh tế Trung - Ấn đều phải xem xét tới 2 khía cạnh khoảng cách Mỹ - Trung và Trung - Ấn. Khía cạnh thứ nhất là điều đang thúc đẩy tham vọng lớn hơn của Trung Quốc, trong khi khía cạnh còn lại giúp người Ấn Độ biết về khả năng có thể bắt kịp Trung Quốc của nước này.

Trung Quốc có thể vượt Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng sẽ không đạt được mức sống như ở Mỹ.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ những năm 1980 trở về đây là đáng kể. Giữa giai đoạn 1960 - 1980, tỷ lệ GDP của Trung Quốc tăng từ 1,1% lên 1,2%. Nhưng tới năm 2018, con số này đã là 13%. Năm 1980, GDP của Trung Quốc chỉ chiếm 5% GDP của Mỹ. Nhưng tới năm 2018, con số này là 60%. Mức tăng GDP của Ấn Độ khiêm tốn hơn rất nhiều.

Nhưng mức tăng GDP của Trung Quốc so với Mỹ không đồng nghĩa với mức tăng ở mức sống của 2 nước. Nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc có dân số lớn hơn Mỹ nhiều lần, vì vậy thu nhập bình quân đầu người của Bắc Kinh sẽ thấp hơn Washington.

Mặc dù Trung Quốc được xếp hạng thứ 2 về quy mô GDP nhưng quốc gia này không được liệt vào danh sách nước có thu nhập cao hiện nay. Ngân hàng thế giới (WB) xếp Trung Quốc là nước có mức thu nhập trung bình cao (thu nhập quốc dân: 3.996 USD - 12.375 USD). Trong khi đó, Ấn Độ thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (thu nhập quốc dân: 1.026 USD - 3.995 USD).

Không giống nhiều người Ấn Độ thường nghĩ, dân số đông không phải là "một lời nguyền" cho phát triển kinh tế. Một lượng dân số lớn có thể tạo ra sự thúc đẩy cho hoạt động kinh tế vì nó mang tới một nguồn lực lao động dồi dào.

Theo Hindustan Times, có 2 yếu tố quyết định điều này. Một là tuổi của dân số (quyết định số lượng người có thể làm việc). Hai là có đủ nguồn lực để làm việc hay không.

Giai đoạn tăng trưởng cao của Trung Quốc trùng khớp với thành phần dân số trong độ tuổi thuận lợi. Dữ liệu của WB cho thấy tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15 đến 64 bắt đầu tăng mạnh ở Trung Quốc sau những năm 1980. Tỷ lệ này cao hơn cả Mỹ và Ấn Độ. Nó giữ nguyên ở mức cao trong thập kỷ qua và chỉ bắt đầu sụt giảm ở thời điểm hiện tại.

Tỷ lệ này là tương tự ở Trung Quốc và Ấn Độ trong giai đoạn 1960-1980. Sau khi Bắc Kinh tuyên bố chính sách Một con năm 1980, tỷ lệ dân số dưới 15 tuổi bắt đầu giảm và nhóm tuổi 15-64 bắt đầu tăng.

Đòn "tẩy chay Trung Quốc" sẽ hiệu quả?

Bất cứ chiến lược nào của Ấn Độ nhằm vào quan hệ thương mại với Trung Quốc cần phải cân nhắc kỹ lưỡng ưu và nhược điểm. Một chiến lược như vậy sẽ gây tổn thất một phần nhỏ thu nhập xuất khẩu của Trung Quốc. Nhưng ngược lại, Ấn Độ sẽ phải tìm nguồn nhập khẩu thay thế, cả trong nước và quốc tế.

Một phân tích của cây bút Vineet Sachdev, sử dụng dữ liệu của WB, cho thấy, hơn 50% nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc là hàng hóa sản xuất hoặc hàng hóa trung gian. Trong khi đó, hàng tiêu dùng có nhãn "Made in China" chỉ chiếm dưới 20%.

Trong khi dư luận Ấn Độ có thể bị thôi thúc bởi ý tưởng tẩy chay hàng tiêu dùng Trung Quốc (dưới 20%), bất kỳ động thái tẩy chay nào cũng có thể dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung hàng hóa sản xuất, hàng hóa trung gian (hơn 50%) và cuối cùng là chuỗi giá trị trong nước.

Để chắc chắn, Ấn Độ cần phát triển đồng thời khả năng cung ứng trong nước có thể đáp ứng yêu cầu nhập khẩu trước khi nghĩ tới một chiến lược tẩy chay hàng tiêu dùng Trung Quốc.

Ấn Độ có thể hy vọng vào sự ủng hộ của khối chống Trung Quốc trong việc "tẩy chay hàng hóa Trung Quốc" hay không? Hãy lấy ví dụ về Mỹ. Mối quan hệ đồng minh chiến lược đang mạnh hơn bao giờ hết. Lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc là một động lực quan trọng của liên minh này.

Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh này không có được trong các vấn đề kinh tế. Minh chứng lớn nhất cho nhận định này là sự bế tắc liên tục của một hiệp định thương mại Mỹ - Ấn.

Chiến lược chống lại Trung Quốc của Ấn Độ sẽ chỉ thành công nếu New Delhi đảm bảo các phản ứng song phương và đa phương của mình với những diễn biến gần đây tối đa hóa được lợi ích của quốc gia, trong khi giảm thiểu bất kỳ sự nhượng bộ nào để hỗ trợ mục tiêu chiến lược. Ấn Độ là nền dân chủ khác Trung Quốc. Áp lực chính trị trong nước của việc nhanh nhanh chóng và triệt để đạt được lợi ích sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

Đụng độ biên giới: Cơn ác mộng hóa sự thật với Trung Quốc và Ấn Độ

Cuộc khủng hoảng biên giới Trung - Ấn làm tăng thêm sự bất ổn và phức tạp của một năm vốn đã khó khăn của châu Á....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Hindustan Times (Dân Việt)
Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN