Căng thẳng thương mại Mỹ - EU leo thang: Lãnh đạo châu Âu phản ứng quyết liệt
Tuyên bố áp thuế 20% lên EU trong “Ngày Giải phóng” của Tổng thống Trump đi ngược lại với “kinh tế tự do và cạnh tranh” - những yếu tố “đã đặt nền móng cho thành công của phương Tây”, Thủ tướng Thụy Điển khẳng định.
Châu Âu cam kết đáp trả
Các nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng đầy bất bình trước loạt thuế trừng phạt mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm thứ Tư (ngày 2/4) và cam kết sẽ đáp trả một cách đồng lòng.
Trong tuyên bố "Ngày Giải phóng", ông Trump áp mức thuế 20% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ 27 nước thuộc Liên minh châu Âu. "Họ đã lừa dối chúng ta", Tổng thống Trump nói. "Thật đáng buồn khi chứng kiến điều này. Thật là thảm hại."
Thủ tướng Ireland Micheál Martin nhận định, mức thuế này là "điều tồi tệ cho nền kinh tế toàn cầu" và sẽ gây tổn hại đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
"Chúng tôi không thấy có bất kỳ lý do chính đáng nào cho điều này", ông Martin nói. "Mỗi ngày, có hơn 4,2 tỷ euro hàng hóa và dịch vụ được giao dịch giữa EU và Mỹ. Việc phá vỡ mối quan hệ sâu sắc này không có lợi cho ai cả".
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng có phát biểu tương tự và cho rằng mức thuế này đi ngược lại với "kinh tế tự do và cạnh tranh" - những yếu tố "đã đặt nền móng cho thành công của phương Tây".
"Đó là lý do người Mỹ có thể nghe nhạc trên Spotify của Thụy Điển và chúng tôi, người Thụy Điển, cũng có thể nghe nhạc đó trên iPhone của Mỹ", ông nói. "Đây là lý do tôi vô cùng tiếc nuối khi chứng kiến con đường mà Mỹ đang theo đuổi, hạn chế thương mại bằng thuế quan cao hơn".
Trong tuyên bố "Ngày Giải phóng", ông Trump áp mức thuế 20% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ các nước thuộc Liên minh châu Âu. (Ảnh: Saul Loeb/AFP via Getty Images)
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk kêu gọi một chính sách thuế quan "thực sự mang tính đối ứng" giữa châu Âu và Mỹ. "Chúng ta cần những quyết định phù hợp", ông nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định rằng "mọi bên đều thua" trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu.
"Thay vì dựng lên những bức tường, chúng ta nên phá bỏ rào cản", ông Rasmussen nói. "Châu Âu sẽ đoàn kết. Châu Âu sẽ đưa ra những phản ứng mạnh mẽ và tương xứng".
Các nước ngoài EU cũng bị ảnh hưởng
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Na Uy Cecilie Myrseth cho biết, mức thuế 15% mà Tổng thống Trump áp lên nước này (dù Na Uy không phải là thành viên EU) sẽ có tác động "nghiêm trọng" đến nền kinh tế.
"Ngày 2/4 là một ngày nghiêm trọng, và giờ đây, chúng tôi cần đánh giá tác động thực sự của nó đối với Na Uy", bà nói với đài NRK, đồng thời lưu ý rằng thuế quan đối với EU cũng sẽ ảnh hưởng đến Oslo do mối quan hệ thương mại chặt chẽ với khối này. "Chúng tôi cũng xuất khẩu rất nhiều sang EU. Vì vậy, điều này cũng sẽ tác động đến chúng tôi".
Thụy Sĩ, một quốc gia không thuộc EU nhưng có khối lượng giao thương cao với khối này, đã kêu gọi "tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại tự do" sau khi Tổng thống Trump áp mức thuế 31% lên hàng hóa nước này.
Thụy Sĩ "sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo", Tổng thống Karin Keller-Sutter tuyên bố.
Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, lên án các mức thuế này là "vô lý, bất hợp pháp và không cân xứng".
Anh, cùng với Úc, Brazil, Singapore và Ả Rập Xê Út, nằm trong danh sách các quốc gia bị áp mức thuế 10%.
Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds cảnh báo: "Chúng tôi có nhiều công cụ trong tay và sẽ không ngần ngại hành động", nhưng vẫn nhấn mạnh rằng London sẽ tiếp tục tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn với Mỹ.
"Không ai muốn một cuộc chiến thương mại và chúng tôi vẫn mong muốn đạt được một thỏa thuận", ông nói. "Nhưng không có gì bị loại trừ, và chính phủ sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh".
Bắc Kinh chỉ trích động thái mới về thuế quan của chính quyền ông Trump.
Nguồn: [Link nguồn]
-03/04/2025 09:43 AM (GMT+7)