Căng thẳng quanh chuyện viện trợ vũ khí cho Ukraine

Nga và Mỹ đang cho thấy lập trường cứng rắn xung quanh chuyện viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ted Rice hôm 15-4 tuyên bố không gì có thể ngăn chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev bất chấp Moscow gần đây thường xuyên cảnh báo về "những hậu quả" của hành động này.

Phản ứng trên được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Nga đã gửi công điện ngoại giao đến chính quyền Tổng thống Biden, theo đó cảnh báo về "những hậu quả khôn lường" nếu Washington tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine. 

Theo đài RT, Washington đã cung cấp viện trợ vũ khí trị giá hơn 2,5 tỉ USD cho Kiev kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24-2. Các chuyến hàng viện trợ ban đầu của Mỹ chủ yếu gồm tên lửa chống tăng và đạn dược.

Tuy nhiên, chuyến hàng vũ khí được thông qua mới đây nhất, hôm 13-4, còn gồm trực thăng, pháo hạng nặng và máy bay không người lái. Ngoài ra, Đức hôm 15-4 thông báo kế hoạch viện trợ quân sự hơn 1 tỉ euro cho Ukraine trong bối cảnh Kiev phàn nàn họ không nhận được vũ khí hạng nặng từ Berlin.

Hàng viện trợ quân sự cho Ukraine tại một sân bay ở tỉnh Ontario – Canada hôm 14-4 Ảnh: Reuters

Hàng viện trợ quân sự cho Ukraine tại một sân bay ở tỉnh Ontario – Canada hôm 14-4 Ảnh: Reuters

Theo trang India Today, Mỹ và Đức thuộc số khoảng 30 nước đã viện trợ vũ khí, hệ thống phòng không cho Ukraine, trong đó có Canada, Mỹ, Anh, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ… Ngoài ra, Ukraine còn nhận được sự hỗ trợ bằng tiền mặt để mua vũ khí đạn dược. 

Hôm 7-4, Liên minh châu Âu (EU) cam kết thêm khoản hỗ trợ 543 triệu USD, nâng tổng số tiền viện trợ quân sự của khối này lên 1,63 tỉ USD kể từ khi xung đột nổ ra. Còn vào tháng rồi, quốc hội Mỹ thông qua khoản hỗ trợ an ninh trị giá 13 tỉ USD cho Ukraine. Nhà Trắng có thể sẽ tiếp tục khai thác khoản hỗ trợ này để tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Phản ứng trước động thái trên, Moscow cáo buộc Washington và các đồng minh NATO vi phạm "các quy tắc nghiêm ngặt" về việc chuyển vũ khí tới các khu vực xung đột.

Theo nội dung công điện của Nga được tờ The Washington Post đăng tải hôm 15-4, nước này kêu gọi Mỹ và các đồng minh ngừng quân sự hóa Ukraine vô trách nhiệm và cảnh báo điều này sẽ gây ra hậu quả khó lường đối với an ninh khu vực và quốc tế.

Không dừng lại ở đó, công điện của Moscow cũng cáo buộc NATO gây áp lực buộc Ukraine từ bỏ các cuộc đàm phán với Nga, đồng thời chỉ trích Washington khuyến khích các quốc gia có vũ khí Liên Xô chuyển chúng đến Ukraine.

Trước đó một ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với hãng tin Tass rằng toàn bộ vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ bị Moscow xem là "mục tiêu quân sự hợp pháp".

Vào đầu tuần này, Moscow cho biết đã phá hủy 4 hệ thống phòng không S-300 được một nước châu Âu vận chuyển tới Ukraine. Slovakia, một thành viên NATO, đã cung cấp cho Ukraine một hệ thống như thế vào tuần rồi nhưng khẳng định nó vẫn chưa bị hủy. Hôm 12-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công 2 kho đạn của Ukraine.

Nguồn: [Link nguồn]

Đặc nhiệm Anh huấn luyện binh sĩ Ukraine gần Kiev

Các đặc nhiệm Anh đang hiện diện gần Kiev, trực tiếp huấn luyện các binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí do Anh cung cấp, báo Anh The Times cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN