Căng thẳng ở Biển Đông: TQ có thể "làm càn"
Bị dồn vào chân tường, Trung Quốc có thể có những hành động quân sự phiêu lưu.
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam
Giữa tháng 7, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đã đưa ra phán quyết Biển Đông nghiêng về phía Philippines. Phán quyết kết luận Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với yêu sách đường lưỡi bò ở Biển Đông và nước này không có quyền có vùng đặc quyền kinh tế ở bất kỳ hòn đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, Úc và Nhật Bản, hoan nghênh phán quyết của tòa án và thúc giục Trung Quốc tuân theo phán quyết. Không ngạc nhiên, Trung Quốc bác bỏ phán quyết và tái khẳng định chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông. Mặc dù mục đích ban đầu của phán quyết là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng ngược lại, phán quyết có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực không lường cho an ninh khu vực, theo National Interest.
Phiên tòa quốc tế về tranh chấp Biển Đông tại Hà Lan
Phán quyết của tòa quốc tế đã phá vỡ "sự mơ hồ cân bằng” trong vấn đề Biển Đông. Một nguyên nhân chính của các tuyên bố chồng chéo nhau ở Biển Đông là các từ ngữ mơ hồ trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Mặc dù sự mơ hồ về pháp lý có thể khiến việc giải quyết tranh chấp khó khăn, nó cũng mang lại một sự linh hoạt nhất định cho tất cả các bên trong việc quản lý hành vi của mình và không thỏa hiệp nếu cần thiết.
Phán quyết của tòa án đã chính thức kết thúc sự nhập nhằng này bằng cách bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Nhưng không nên cho rằng phán quyết này đủ để giải quyết tranh chấp. Một nước có sức mạnh và đầy tham vọng như Trung Quốc sẽ không dễ dàng chấp nhận phán quyết và từ bỏ lợi ích, dù là phi pháp, trên Biển Đông. Kết quả ngoài ý muốn của phán quyết Biển Đông có thể sẽ là tranh chấp leo thang.
Lính Trung Quốc tập trận giải cứu trái phép ở quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam
Phán quyết Biển Đông đã dồn các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào góc tường, có thể khiến họ hành động mạo hiểm nhằm đảo ngược sự “thua cuộc” trong vụ kiện quốc tế. Phán quyết của toà án cũng là một trở ngại lớn về ngoại giao đối với Trung Quốc. Mặc dù bỏ qua các phán quyết, Trung Quốc vẫn mất mặt trong cộng đồng quốc tế.
Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, việc danh tiếng quốc tế của nước này bị phá hủy sẽ ảnh hưởng xấu đến quyền lực của ông Tập bên trong Trung Quốc. Do đó, ông Tập chỉ có cách chiến đấu chống lại quyết định của tòa án.
Theo lý thuyết, con người sẽ có những hành động mạo hiểm khi họ cảm thấy thất vọng và bị dồn ép bởi một tình huống bất lợi. Và ông Tập đang nằm trong một tình huống như vậy. Mặc dù vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì để đảo ngược “sự thua cuộc”, khả năng tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, như tập trận, dường như không thể tránh khỏi trong tương lai gần.
Một máy bay của Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Philippines và các nước khác ủng hộ phán quyết cũng sẽ phải đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan sau “chiến thắng”. Điều này có thể khiến họ hành động thiếu khôn ngoan, tự cho mình là đúng.
Một quốc gia khác cũng được coi là chiến thắng sau phán quyết chính là Mỹ, quốc gia có thể tiếp tục thưởng thức sự “tự do hàng hải” trong khu vực.
Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện trên Biển Đông (Ảnh minh họa: Reuters)
Mặc dù phán quyết đã khởi đầu một giai đoạn tranh chấp mới, nó vẫn sẽ không thay đổi bản chất của chính trị thế giới: dựa trên sức mạnh nhiều hơn là quy tắc. Theo các tác giả Kai He, Huiyun Feng trên tờ National Interest, việc hy vọng hoặc ép buộc Trung Quốc tuân theo ngay phán quyết sẽ khó giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Giờ là lúc để tất cả các bên, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, giữ bình tĩnh trong cảm xúc và tham vọng để tránh căng thẳng leo thang, cùng tìm kiếm một lựa chọn phù hợp hơn.