Căng thẳng liên Triều nóng nhất trong nhiều năm

Triều Tiên một ngày dồn dập điều máy bay, bắn đạn pháo và phóng tên lửa, Hàn Quốc cũng có nhiều bước đáp trả cứng rắn, trong đó có lần đầu trừng phạt trong năm năm.

Ngày 14-10, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Sunan thuộc thủ đô Bình Nhưỡng về phía biển Nhật Bản. Tên lửa bay khoảng 700 km, đạt độ cao 50 km với tốc độ tối đa đạt gấp sáu lần tốc độ âm thanh, theo hãng thông tấn Yonhap.

Triều Tiên cũng bắn khoảng 170 quả đạn pháo ra khu vực biển Hoàng Hải và vùng biển phía đông nước này. Một số quả rơi xuống vùng đệm đường giới hạn phía bắc - ranh giới hai miền trên biển được phân định theo thỏa thuận quân sự toàn diện hai miền bán đảo Triều Tiên (CMA) ký kết vào tháng 9-2018.

Đáng chú ý, rạng sáng cùng ngày, Triều Tiên triển khai khoảng 10 máy bay quân sự áp sát khu vực biên giới trên đất liền với Hàn Quốc, buộc Seoul phải điều chiến đấu cơ ngăn chặn và xua đuổi.

Triều Tiên, Hàn Quốc đáp trả qua lại

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên khẳng định các động thái nói trên nhằm đáp trả việc quân đội Hàn Quốc ngày 13-10 dội pháo suốt 10 tiếng vào khu vực phòng tuyến do Quân đoàn 5 của quân đội Triều Tiên phụ trách. “Đây là lời cảnh cáo nghiêm khắc trước sự liều lĩnh của binh sĩ Hàn Quốc tại tiền tuyến. Chúng tôi phải có hành động quân sự mạnh mẽ do tính chất nghiêm trọng của sự việc do Seoul gây ra” - thông báo nêu rõ.

Dù vậy, hãng tin Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội Hàn Quốc khẳng định vụ dội pháo là một phần của chuỗi diễn tập quân sự thường kỳ và “hoàn toàn chính đáng”. Người này chỉ trích Triều Tiên vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận hòa bình năm 2018 và nghị quyết về vũ khí hạt nhân của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố động thái khiêu khích của Triều Tiên làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Hàn Quốc và nước này chắc chắn sẽ đáp trả mạnh mẽ.

Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về các động thái quân sự của Triều Tiên ngày 14-10 trên đường phố thủ đô Seoul. Ảnh: AP

Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về các động thái quân sự của Triều Tiên ngày 14-10 trên đường phố thủ đô Seoul. Ảnh: AP

“Hàn Quốc có đủ năng lực để đánh trả một cuộc tấn công của Triều Tiên nếu cần thiết. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không thể đi tới quyết định tấn công mà không nghĩ tới kết cục kinh khủng như thế nào cho cả hai miền” - ông Yoon cảnh báo.

Với các động thái leo thang mới nhất này, Hàn Quốc lần đầu tiên đi bước trừng phạt Triều Tiên trong năm năm, áp lệnh cấm vận lên 15 cá nhân quan chức và 16 tổ chức của Triều Tiên liên quan chương trình tên lửa của nước này và đến việc mua sắm phục vụ phát triển loại vũ khí này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đã gửi công hàm yêu cầu Triều Tiên dừng các hành động khiêu khích quân sự.

An ninh bán đảo Triều Tiên lại trên bờ vực

Vụ phóng tên lửa ngày 14-10 là vụ phóng thứ tám chỉ trong chưa đầy ba tuần qua của Triều Tiên. Ngày 13-10, KCNA cho hay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát cuộc diễn tập phóng tên lửa hành trình chiến lược tầm xa.

Đầu tuần này, Bình Nhưỡng thông báo việc thực hiện các vụ phóng tên lửa từ ngày 25-9 đến 9-10 nằm trong nội dung diễn tập tấn công hạt nhân Hàn Quốc và Mỹ, đáp trả việc hai nước này tập trận với tàu sân bay Mỹ gần bán đảo Triều Tiên. Ông Kim cũng được cho là đã tuyên bố các lực lượng hạt nhân Triều Tiên đã sẵn sàng cho “một cuộc chiến thực sự” và cảnh báo sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này, theo hãng tin AP.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 14-10 kêu gọi Hàn Quốc và Triều Tiên tích cực xuống thang căng thẳng, nỗ lực tái khởi động đối thoại hòa bình để giải quyết mâu thuẫn. Nhiều nhà quan sát cho rằng khả năng Triều Tiên sẽ tạm ngưng phóng tên lửa vào thời điểm Trung Quốc diễn ra đại hội đảng, dự kiến khai mạc vào ngày 16-10.

Tính nghiêm trọng của chương trình hạt nhân Triều Tiên tăng đáng kể khi Quốc hội nước này tháng trước cho phép sử dụng phủ đầu vũ khí hạt nhân trong một loạt tình huống, bao gồm cả khi “vai trò lãnh đạo của Bình Nhưỡng” bị đe dọa, chứ chưa cần đạt tới chiến tranh toàn diện.

Ngoài ra, hầu hết các vụ thử gần đây của Triều Tiên đều là tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhắm vào Hàn Quốc. Một số nhà phân tích nói rằng một khi thử hạt nhân lần nữa, Triều Tiên có thể trình làng một loại đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới được nước này nghiên cứu và chế tạo riêng cho các tên lửa trên.

Những diễn biến này làm dấy lên những lo lắng về an ninh bán đảo Triều Tiên. Nhiều chính trị gia và học giả Hàn Quốc kêu gọi Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc răn đe mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Đến thời điểm này Mỹ vẫn tương đối im lặng về những gì đang diễn ra ở bán đảo Triều Tiên, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 14-10 chỉ ra thông báo khẳng định quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Hàn Quốc vẫn rất chặt chẽ và mọi hoạt động diễn tập quân sự chung trong thời gian tới vẫn sẽ được tổ chức như bình thường.

Tuy nhiên, loạt diễn biến mới nhất này làm nhiều nhà quan sát lo ngại về khả năng làm bùng lên căng thẳng giữa Triều Tiên với Mỹ. Năm 2017, Triều Tiên cũng từng thử tên lửa dồn dập khiến tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump và ông Kim liên tục đấu khẩu, đe dọa bấm nút hủy diệt các bên. Đến năm 2018, hai bên bất ngờ tổ chức thượng đỉnh nhưng đàm phán đổ vỡ do không đạt được đồng thuận. Triều Tiên đòi Mỹ phải bỏ cấm vận trước mới giải trừ hạt nhân, trong khi đó Mỹ yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa một phần thì mới dỡ trừng phạt.

Ông Kim từ đó đến nay nhiều lần nói không có ý định nối lại đàm phán với Mỹ hay với Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng mục tiêu của ông Kim nhiều khả năng là muốn giành được sự công nhận của quốc tế rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, từ đó đạt được lợi thế trong các vòng đàm phán tương lai với Mỹ.

Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Trả lời phỏng vấn đài CNN, GS Kim Dong-yub thuộc ĐH Nghiên cứu Bắc Triều Tiên (Hàn Quốc) cho biết các vụ thử tên lửa của Triều Tiên cho thấy chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn đang tiến triển mạnh mẽ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ cùng Hàn Quốc, trong đó có diễn tập phóng tên lửa vào vùng biển phía đông bán đảo không làm Triều Tiên chùn bước. Rủi ro lớn lúc này là Bình Nhưỡng có thể đã phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật với lượng phóng xạ thấp, đủ khả năng đe dọa Hàn Quốc.

Ông Kim cho rằng Mỹ và đồng minh cần thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Theo ông, thay vì tiếp tục đòi hỏi phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ cần chấp nhận thực tế Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, để chuyển trọng tâm đàm phán sang giảm rủi ro xung đột và kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Triều Tiên tuyên bố đáp trả mọi hình thức khiêu khích quân sự

Triều Tiên cảnh báo sẽ thực hiện “các biện pháp quân sự áp đảo” để chống lại những gì mà Bình Nhưỡng tin là hành động khiêu khích có chủ ý từ Hàn Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN