Căng thẳng gia tăng sau cuộc gặp Mỹ - Trung
Ngoại trưởng Mỹ và nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc đã gặp gỡ trong một cuộc họp bên lề ở Munich, Đức với mục đích tháo gỡ căng thẳng, nhưng kết quả chỉ là những lời chỉ trích qua lại giữa hai bên.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị ngày 18/2 đã có cuộc gặp bên lề tại hội nghị an ninh Munich, Đức.
Ông Blinken và ông Vương Nghị nêu những quan điểm bất đồng giữa hai nước trong các chủ đề nóng, từ vấn đề Đài Loan cho đến Triều Tiên, cuộc chiến ở Ukraine và mới nhất là vụ khí cầu bị bắn hạ.
Một ngày sau, ông Blinken còn cho rằng Trung Quốc có thể đang cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Lời tuyên bố được dự đoán càng làm căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, theo Bloomberg.
"Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên mong manh hơn", Kori Schake, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói. "Nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga tương tự như phương Tây hỗ trợ Ukraine, điều này sẽ càng củng cố quan hệ Nga - Trung và càng khiến phương Tây dè chừng Trung Quốc".
Theo Bloomberg, cuộc gặp đầy sóng gió và những luận điệu sắc bén xung quanh mà hai bên đưa ra phản ánh quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai nước. Trung Quốc thậm chí còn không gọi đây là cuộc gặp, chỉ là "tiếp xúc không chính thức", nói rằng ông Vương Nghị và ông Blinken có những trao đổi theo đề nghị từ phía Mỹ.
"Chúng tôi rất quan ngại việc Trung Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga", ôg Blinken nói trên đài NBC hôm 19/2, một ngày sau khi gặp ông Vương Nghị. "Tôi đã nêu rõ rằng, điều đó sẽ gây ra hậu quả trong quan hệ giữa hai nước".
Ông Vương bác bỏ các quan điểm trừng phạt Nga của Mỹ, nói rằng trong vài ngày tới, Trung Quốc sẽ đưa ra đề xuất hòa bình mới cho vấn đề Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2.
Nhưng Mỹ dường như không quan tâm tới kế hoạch hòa hình của Trung Quốc, đặc biệt khi cáo buộc Bắc Kinh ngày càng củng cố mối quan hệ với Moscow.
"Những gì Mỹ nói về vai trò của Trung Quốc trong quan hệ với Nga cho thấy sự khác biệt trong quan điểm. Nhiều quốc gia khác không coi cuộc xung đột ở Ukraine nghiêm trọng như theo cách nghĩ của Mỹ", Fiona Hill, chuyên gia tại Viện Brookings, nói trên đài CBS.
Hôm 18/2, ông Blinken dường như đã không lường trước khi ông Vương Nghị đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc. Ông Vương Nghị nói phản ứng của Mỹ là "gần như quá khích và không thể hiểu nổi".
Trung Quốc từng nói khí cầu bay lạc vào không phận Mỹ là khí cầu dân sự và khí cầu tương tự của Mỹ cũng từng bay sang lãnh thổ Trung Quốc. Nhà Trắng khi đó đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo Bloomberg, không rõ liệu những lời công kích qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị An ninh Munich chỉ mang ý nghĩa nhất thời hay liệu đây là dấu hiệu mới cho thấy hai bên đang ngày càng lún sâu vào căng thẳng.
Nhưng vẫn có các lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy hợp tác, bao gồm biến đối khí hậu và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, ông Blinken đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Triều Tiên và "nhấn mạnh rằng các cường quốc có trách nhiệm cần đối phó với những thách thức quốc tế như vậy”. Ông Blinken ám chỉ rằng Mỹ muốn Trung Quốc tác động để ngăn Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
"Một cuộc gặp dù căng thẳng nhưng vẫn tốt hơn so với việc không có gì xảy ra. Cả hai bên đều có lý do riêng để tỏ ra cứng rắn", Henry Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu chính sách Trung Quốc và toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nói với Bloomberg.
Ngày 18/2, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm quy tắc quốc tế với hành vi “cuồng loạn”, khi cuộc cãi vã về khinh khí cầu bị nghi là do thám của Trung Quốc...
Nguồn: [Link nguồn]