Căng thẳng có thể leo thang từ việc Trung Quốc đưa tàu đổ bộ tấn công mới xuống Biển Đông
Việc Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu đổ bộ tấn công Hải Nam Type-075 xuống Biển Đông tham gia huấn luyện nội dung tiếp dầu và bắn đạn thật nhằm “cải thiện năng lực chiến đấu” đang được dư luận quan tâm đặc biệt, trong bối cảnh tình hình khu vực có những diễn biến phức tạp.
Tàu đổ bộ tấn công Type-075 của Trung Quốc Mục tiêu thể hiện sức mạnh hải quân
Cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, tàu đổ bộ tấn công Hải Nam thuộc lớp Type-075 đã tiến hành đợt huấn luyện hiệp đồng và diễn tập tại một khu vực trên Biển Đông ngày 22-4, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể. Hình ảnh do quân đội Trung Quốc công bố cho thấy, tàu Hải Nam di chuyển song song và tiếp dầu từ một tàu hậu cần. Lính hải quân đánh bộ trên tàu cũng diễn tập triển khai và đổ bộ bằng trực thăng, trong khi tổ hợp pháo phòng thủ cực gần Type-1130 khai hỏa về phía mục tiêu giả định trên biển.
Lâu nay, Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ đóng thế hệ tàu đổ bộ tấn công mới nhằm tăng cường vai trò của lực lượng hải quân trong việc phô trương sức ở nước ngoài. Những chiếc tàu này sẽ giúp Bắc Kinh quyết đoán hơn trong yêu sách chủ quyền đối với các vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tăng cường đội tàu tuần tra tại eo biển Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang trở nên căng thẳng.
Tàu đổ bộ Type-075 chính là loại tàu đáp ứng yêu cầu đó. Với độ choán nước toàn tải xấp xỉ 40.000 tấn, dài khoảng 237m, Type-075 có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 hoặc Z-9 và xa hơn là loại máy bay Z-20. Cả hai loại trực thăng Z-8 và Z-9 đều có khả năng tác chiến đa nhiệm, tấn công tàu chiến và cả đất liền. Đặc biệt, Z-9 còn có thể mang tên lửa đối không và tích hợp cả khả năng săn tàu ngầm. Chính vì thế, tàu đổ bộ mang máy bay trực thăng Z-8 hay Z-9 có thể được triển khai cho các hoạt động tấn công đảo, đổ bộ tấn công quy mô lớn vào đất liền.
So sánh với tàu vận tải đổ bộ như Type-071, thì Type-075 mang theo lượng khí tài nhiều hơn, đồng thời trong tương lai có thể được sử dụng cùng máy bay tiêm kích cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trở thành tàu sân bay. Hiện Trung Quốc cũng đang gấp rút phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình J-31 phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type-075, giúp chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự Mỹ.
Về tầm chiến lược, lâu nay, Hải quân Trung Quốc chủ yếu chuẩn bị cho các nhiệm vụ gần bờ. Các tàu vận tải đổ bộ loại nhỏ hơn vẫn đang đóng vai trò chủ chốt đối với hải quân Trung Quốc. Nhưng đây là mô hình có từ thời Chiến tranh Lạnh, nên có lẽ không còn phù hợp với tham vọng mà Bắc Kinh đặt ra.
Việc tập trung phát triển tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn như Type-075 phản ánh rõ hơn mục tiêu thể hiện sức mạnh mà hải quân Trung Quốc hướng đến. Đưa vào trang bị tàu đổ bộ mới Type-075 đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình nâng cấp khả năng tấn công của Hải quân Trung Quốc. Từ nay, Hải quân Trung Quốc có thể vươn xa hơn ra các đại dương.
Nguy cơ từ “sự bất cân xứng ngày càng lớn”
Trước thập niên 1990, hải quân Trung Quốc chỉ đóng vai trò thứ yếu so với lục quân. Từ năm 2015, Trung Quốc khởi động dự án quy mô lớn nhằm biến quân đội Trung Quốc trở thành “lực lượng đẳng cấp thế giới”. Tháng 4-2018, trong cuộc duyệt binh trên biển lớn nhất mà Trung Quốc từng triển khai với sự tham gia của 48 chiến hạm, hơn 10 nghìn quân và hàng chục máy bay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố tham vọng xây dựng lực lượng thể hiện sức mạnh của Trung Quốc trên các đại dương.
Hải quân Trung Quốc bắt đầu trong “cơn sốt” đóng tàu lớn chưa từng thấy trên thế giới. Theo Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ (ONI), nếu như năm 2015, hải quân Trung Quốc chỉ có 225 chiến hạm trong biên chế thì tới cuối năm 2020, con số này đã là 360 chiến hạm, nhiều hơn Mỹ 63 chiếc. Chỉ riêng trong năm 2019, nước này đã có tới 24 chiến hạm lớn nhỏ các loại, từ khu trục hạm đến tàu đổ bộ và khinh hạm, được hạ thủy.
Theo thống kê, số lượng tàu chiến hiện đại của hải quân Trung Quốc hiện chỉ đứng sau hải quân Mỹ và vượt xa các nước còn lại. Tuy đa phần tàu chiến Mỹ đều là tác chiến biển xa với trang bị hiện đại (trong đó lực lượng tàu sân bay chiếm ưu thế áp đảo về cả số lượng và chất lượng), song tất cả tàu chiến của Trung Quốc (kể cả tàu tác chiến xa/gần bờ) đều đóng quân tại khu vực Đông Á, do đó giữ được ưu thế về địa lý và mức độ tập trung nếu so sánh với việc Mỹ phải điều quân từ rất xa tới khu vực. Bởi vậy, tại vùng biển gần, thậm chí tại khu vực “chuỗi đảo thứ nhất”, hải quân Trung Quốc luôn chiếm ưu thế hỏa lực lớn hơn so với Hạm đội 7 của hải quân Mỹ.
Về mặt chính thức, Trung Quốc chưa từng công khai mục tiêu phát triển lực lượng hải quân của mình, tuy nhiên theo tính toán của giới chuyên gia Mỹ, đến năm 2035 hải quân Trung Quốc có thể sẽ sở hữu 430 tàu chiến hiện đại có năng lực tác chiến biển xa, bao gồm 270 tàu cỡ lớn và 160 tàu cỡ nhỏ, chưa kể đến các loại tàu khác như tàu quét ngư lôi, tàu đổ bộ cỡ nhỏ và các tàu phụ trợ. Khi đó, hải quân Trung Quốc sẽ đạt đến quy mô lớn nhất thế giới, bất kể là đánh giá theo tiêu chí nào.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh đổ bộ tấn công bằng tàu Type-075 khiến dư luận lo ngại tình hình căng thẳng ở vùng biển này có thể tiếp tục leo thang.
Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho biết động thái triển khai tàu tấn công đổ bộ tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc tới Biển Đông là một thông điệp của Bắc Kinh gửi tới các nước láng giềng trong khu vực. Theo ông Collin Koh, các nước láng giềng của Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải ứng phó với “sự bất cân xứng ngày càng lớn” trong cán cân quyền lực quân sự bằng cách nâng cấp lực lượng vũ trang của mình và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cường quốc bên ngoài.
Sau 1 năm được đưa vào biên chế, tàu đổ bộ tấn công Hải Nam được giới quân sự Trung Quốc kỳ vọng giúp tăng cường đáng kể năng lực răn đe và hậu cần của nước này...
Nguồn: [Link nguồn]