Căng thẳng biên giới Nga - Ukraine: Sự chênh lệch về tương quan lực lượng lớn đến đâu?

Dù Ukraine có tới 250.000 binh sĩ tại ngũ và 2.500 xe tăng nhưng lực lượng này vẫn nhỏ hơn nhiều so với Nga.

Theo SCMP, năm 2014, Nga đã sát nhập bán đảo Crimea một cách dễ dàng mà không cần đổ máu. Khi ấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn tự hào nói rằng Moscow không cần phải nổ tới một phát súng nào để đạt được  điều này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng Nga sẽ phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm hơn nếu quyết định tấn công Ukraine. 

Cụ thể, các chuyên gia cho biết quân đội Ukraine hiện nay được huấn luyện tốt hơn, trang bị tốt hơn và được tham gia tập trận nhiều hơn so với 8 năm trước.

Ông Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhận xét: "Họ không còn là một Ukraine của năm 2014 nữa". 

Theo phân tích của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức phi đảng phái có trụ sở tại Washington (Mỹ), mặc dù Nga vẫn là cường quốc quân sự vượt trội và gần như chắc chắn sẽ chiếm ưu thế nhưng lực lượng phòng vệ của Ukraine có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho quân đội Nga.

Nhóm này cho biết: "Phối hợp với những lực lượng dự bị, xã hội dân sự và tình nguyện viên, Ukraine có thể biến bất kỳ nỗ lực tấn công nào trở thành một trải nghiệm tồi tệ với Nga".

Dù vậy, sự chênh lệch giữa tương quan lực lượng của Ukraine và Nga vẫn tương đối lớn. 

Sự chênh lệch rõ rệt 

Ukraine có 250.000 binh sĩ tại ngũ, cộng với 290.000 quân dự bị khác và 50.000 đơn vị bán quân sự có thể được triển khai trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga. 

Trong khi đó, lực lương của Nga lớn hơn nhiều với hơn 1 triệu quân nhân tại ngũ, có 378.000 quân dự bị và 250.000 quân bán quân sự có thể sẵn sằng triệu tập nếu họ muốn tấn công. 

Về sức mạnh trên bộ, Nga chiếm ưu thế với hơn 12.000 xe tăng (so với 2.500 của Ukraine), 30.000 xe bọc thép (Ukraine có 12.000) và 12.000 pháo tự hành (Ukraine chỉ có hơn 1.000).

Nga cũng chiếm ưu thế về sức mạnh không quân, với hơn 700 máy bay chiến đấu (so với khoảng 70 của Ukraine), hơn 700 máy bay cường kích (Ukraine có ít hơn 30 chiếc), hơn 500 máy bay trực thăng tấn công (Ukraine có 34 chiếc) và 1.500 máy bay trực thăng (Ukraine có hơn 100 một chút).

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Nga. Ảnh: Reuters 

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 của Nga. Ảnh: Reuters 

Còn trên biển, Nga sở hữu 15 tàu khu trục, 70 tàu ngầm, 11 khinh hạm và gần 50 tàu tác chiến mìn. Trong khi đó, Ukraine không có tàu khu trục hoặc tàu ngầm, chỉ có một tàu khu trục nhỏ và một tàu tác chiến mìn.

Tuy nhiên, Mỹ đã chi hàng tỷ USD để giúp Ukraine xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự, một khoản đầu tư có thể sẽ làm leo thang căng thẳng nếu Nga tấn công. 

Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ không gửi quân đến hỗ trợ Ukraine chiến đấu nhưng ông cho biết Mỹ có thể sẽ gửi thêm lực lượng Mỹ đến các nước châu Âu khác, bao gồm Ba Lan và Romania.

Lầu Năm Góc hồi đầu tuần tuyên bố đưa 8.500 lính Mỹ vào "tình trạng cảnh giác cao độ" để có thể triển khai tới Đông Âu trong bối cảnh khủng hoảng xảy ra.

Ngoài ra, hồi tuần trước Nhà Trắng cho biết họ sẽ hỗ trợ thêm 200 triệu USD trang thiết bị quân sự phòng thủ cho Ukraine. Theo báo cáo, gói hỗ trợ này bao gồm tên lửa chống giáp, đạn dược và các vật phẩm khác. Được biết, Mỹ đang gửi vũ khí cho Ukraine thông qua chuyển giao của bên thứ ba, trong đó, các thành viên NATO sẽ cung cấp vũ khí do Mỹ sản xuất. Việc chuyển giao sẽ bao gồm vũ khí chống tăng phóng lao từ Estonia, hệ thống phòng không ngòi từ Litva và Latvia, cùng tên lửa chống tăng từ Vương quốc Anh.

Ukraine đã thay đổi ra sao so với 8 năm trước?

Ukraine hoàn toàn không chuẩn bị gì khi Nga quyết định sát nhập Crimea vào lãnh thổ của mình hồi năm 2014. Theo Hội đồng Đại Tây Dương, các lực lượng vũ trang của họ không có người phụ trách, trang bị hoặc huấn luyện để đối phó với Nga và kho dự trữ hậu cần của họ về cơ bản là không tồn tại, ngoại trừ vũ khí và đạn dược hầu hết từ thời Liên Xô.

Ukraine đã ưu tiên hiện đại hóa quân đội trong 7 năm qua nhưng rất khó để vượt qua hàng thập kỷ bị lãng quên. Hiện nay, dù đã tiến bộ nhiều nhưng quân đội Ukraine vẫn còn một số lỗ hổng chiến lược, bao gồm lỗ hổng trong các khả năng tác chiến và hoạt động chính.

Một binh sĩ Ukraine kiểm tra súng máy. Ảnh: AP 

Một binh sĩ Ukraine kiểm tra súng máy. Ảnh: AP 

Ngoài ra, tham nhũng ở Ukraine vẫn là một vấn đề nan giải, kinh phí hạn chế do điều kiện kinh tế chung của đất nước và nhiều hoạt động mua vũ khí quan trọng đã bị đặt vào thế khó vì thiếu kinh phí.

Ukraine có thể "giữ chân" Nga trong bao lâu?

Ông Townsend nhận xét nếu muốn, Nga có thể sẽ tấn công Ukraine từ nhiều hướng khác nhau, buộc Ukraine phải chia nhỏ lực lượng để đối đầu với các đoàn quân đang tiến lên. Ông phân tích: "Họ sẽ phải bảo vệ Ukraine trước một số cách tiếp cận khác nhau, vì vậy điều đó chỉ làm cho sự tự ti của họ thậm chí tồi tệ hơn bởi vì họ sẽ phải chia nhỏ ra".

Trên hết, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ ra Nga có thể sẽ tham gia vào các cuộc tấn công mạng nhằm vào quân đội và xã hội dân sự của Ukraine, điều này ngay từ đầu đã có thể làm suy giảm hệ thống lưới điện và viễn thông của đất nước. Theo đó, ông nói: "Tôi không nghĩ rằng Ukraine có thể giữ chân Nga được trong thời gian dài".

Được biết, tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới Nga - Ukraine hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Từ cuối năm 2021, Nga đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ tới khu vực dọc biên giới với Ukraine. Động thái trên đã khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, lo ngại Nga có ý định tấn công nước láng giềng.

Để hạ nhiệt căng thẳng, phương Tây và Nga đã tổ chức 3 vòng đàm phán vào giữa tháng 1. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại đã không tạo ra bước đột phá ngoại giao nào khi 2 bên không thể đi đến một thoả thuận cuối cùng. Trong đó, liên minh NATO và Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Nga về việc không được mở rộng tầm ảnh hưởng của liên minh ra khu vực Đông Âu và cam kết không bao giờ để Ukraine gia nhập NATO. 

Đồng thời, phía Moscow cũng nhiều lần bác bỏ những ý kiến cho rằng nước này triển khai quân sự vì muốn tấn công Ukraine. 

Thông tin ông Biden nói Nga có thể tấn công, kiểm soát thủ đô Ukraine: Nhà Trắng lên tiếng

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 27.1 diễn ra “không suôn sẻ”,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh (Theo SCMP) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN