Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Quốc gia nào sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn?

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ - Pakistan hồi tuần qua khiến không ít chuyên gia lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc chiến mở rộng giữa hai nước với sự tham gia của cả vũ khí hạt nhân. Vậy Ấn Độ hay Pakistan sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều hơn?

Dù Pakistan đã thả phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman và xem đây là hành động nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa hai nước. Song thực tế, tình hình căng thẳng giữa New Delhi và Islamabad chưa hề lắng dịu.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Quốc gia nào sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn? - 1

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc chiến hạt nhân. 

Trước đó, trong vụ không chiến ngày 27/2, quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn hạ hai chiến đấu cơ Ấn Độ ở vùng tranh chấp Kashmir và bắt giữ phi công Abhinandan Varthaman. Đây là phản ứng của Pakistan sau vụ không kích một ngày trước đó của không quân Ấn Độ nhằm vào trại huấn luyện của Jaish-e-Mohammad, tổ chức bị New Delhi xếp vào danh sách khủng bố. Trại huấn luyện này nằm trên lãnh thổ Pakistan và dọc Đường ranh giới kiểm soát (LoC) nằm trong vùng tranh chấp Kashmir.

Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần xảy ra chiến tranh ở khu vực tranh chấp Kashmir kể từ khi giành độc lập khỏi Anh vào năm 1947. Lần giao tranh khốc liệt nhất giữa hai nước là vào năm 1999, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và kéo theo hàng loạt đợt đụng độ quy mô nhỏ sau này. Kể từ đây, quân đội Ấn Độ và Pakistan đã tăng cường mở rộng quy mô cũng như năng lực chiến đấu cho lực lượng quân đội.

Theo CNN, sau hàng thập niên đầu tư vào năng lực quốc phòng, Ấn Độ hiện được đánh giá đứng trên Pakistan về số lượng chiến đấu cơ, binh sĩ, xe tăng và trực thăng.

Thậm chí, mức chi tiêu ngân sách quốc phòng của Ấn Độ cũng vượt qua Pakistan. Cụ thể, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng của Ấn Độ là 64 tỷ USD trong khi Pakistan chỉ là 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, số lượng lớn chưa chắc đảm bảo năng lực của quân đội Ấn Độ vượt qua Pakistan. Theo CNN, mối quan hệ với Trung Quốc và phương Tây cũng là yếu tố chi phối tình hình giữa Ấn Độ và Pakistan.

Ngoài ra, theo số liệu được SIPRI công bố hồi năm ngoái, Pakistan có từ 140 – 150 đầu đạn hạt nhân và Ấn Độ là từ 130 – 140.

Vấn đề của Ấn Độ là Trung Quốc

Ấn Độ có khoảng 3 triệu binh sĩ và con số này của Pakistan là chưa tới 1 triệu lính, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS). Song điều đáng nói, Ấn Độ lại không thể tập trung toàn bộ quân tới khu vực phía tây giáp Pakistan.

Trên thực tế, quân đội Ấn Độ chủ yếu dồn quân ở phía đông bắc và sát biên giới Trung Quốc.

Theo ông Peter Layton tại Viện châu Á Griffith, Ấn Độ thường chia quân và đưa quân tới khu vực phía đông để đề ngăn chặn “chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc”.

Vào năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ rơi vào một cuộc chiến đẫm máu và những năm sau đó là hàng loạt cuộc giao tranh quy mô nhỏ. Gần nhất, vào năm 2017, quân đội Trung - Ấn đã có hơn hai tháng đối mặt căng thẳng trên cao nguyên Doklam.

Nói cách khác, Ấn Độ vẫn có thể bị phân tán lực lượng do Trung Quốc – Pakistan duy trì mối quan hệ quân sự mật thiết.

“Suy nghĩ chiến lược của Trung Quốc và Pakistan có điểm tương đồng trong suốt 50 năm qua”, ông Nishank Motwani, nhà nghiên cứu tại Trường Ngoại giao châu Á – Thái Bình Dương nhận định.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Pakistan. Dữ liệu được Viện Brookings ở Washington công bố hồi tháng 12/2018 cho thấy, 40% vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc được đưa tới Pakistan.

Ấn Độ mua vũ khí phương Tây

Trong khi Pakistan đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc thì Ấn Độ, quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn gần gấp 6 lần so với Pakistan, lại đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự bằng việc thu mua vũ khí của phương Tây.  

“Ấn Độ đã chi nhiều tiền hơn và đầu tư vào các hệ thống vũ khí mà Pakistan không thể mua được”, ông Motwani nói.

Điển hình, Ấn Độ đã đặt mua các hệ thống cảnh báo sớm trên không và kiểm soát máy bay trang bị công nghệ của Israel cùng máy bay và pháo của Mỹ. Đây là những vũ khí đang được Ấn Độ triển khai tới dọc LoC ở vùng Kashmir nhằm thay thế cho các loại súng của Thụy Điển hồi thập niên 80, ông Motwani cho biết thêm.

Dù mong muốn tiếp nhận được nhiều công nghệ quân sự mới, nhưng Ấn Độ vẫn bị ràng buộc bởi hàng loạt lệnh kiểm soát xuất khẩu từ những nhà sản xuất vũ khí lớn như Mỹ và Anh.

Bên cạnh đó, nền tảng công nghiệp quốc phòng trong nước của Ấn Độ cũng bị đánh giá là yếu kém.

Trái lại, Pakistan đang phối hợp với Trung Quốc cho ra đời những chiến đấu cơ nội địa JF-17. Một số nguồn tin cho rằng, JF-17 có thể là một trong những máy bay quân sự được Pakistan điều động tham gia đợt không chiến hôm 27/2 và bắn rơi một tiêm kích MiG-21 của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng gặp phải một khó khăn lớn trong khoản ngân sách quốc phòng. Đó chính là số tiền không nhỏ bỏ ra để làm công tác bảo dưỡng các thiết bị quân sự cũng như trả lương cho nhân viên.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan: Quốc gia nào sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hơn? - 2

Ấn Độ có quy mô và lực lượng quân sự lớn hơn so với Pakistan. 

Năng lực không tương xứng

Ấn Độ có diện tích lớn gần gấp 4 lần so với Pakistan, do đó dàn vũ khí quân sự của Ấn Độ có thể rút khỏi các khu vực biên giới đang lâm vào tình hình căng thẳng dễ dàng hơn. Ngoài ra, các đợt không kích của Pakistan cũng sẽ gặp khó hơn do vấp phải hàng hàng lớp lớp phòng không của Ấn Độ.

Trái lại, với diện tích nhỏ và hẹp hơn, các cơ sở quân sự và khí tài của Pakistan khó có thể ẩn lấp và che chắn trước đối phương.

“Pakistan thiếu độ sâu chiến lược. Phần lớn căn cứ quân sự của Pakistan nằm sát Ấn Độ nên dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng quân sự Ấn Độ”, ông Motwani chia sẻ.

Để tiến hành một cuộc tấn công, Ấn Độ cũng có nhiều vũ khí và số lượng hơn để triển khai bao gồm chiến đấu cơ, xe tăng cùng hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không. Đây là điều mà Pakistan không thể sánh được.

Nói đến không chiến, chắc chắn Ấn Độ chiếm ưu thế so với Pakistan nhưng để triển khai các đợt tấn công quy mô lớn dưới mặt đất với Ấn Độ lại là chuyện không hề dễ dàng.

Bởi Pakistan có cả một mạng lưới kênh đào nằm dọc đường biên giới quốc tế. Điều này khiến Ấn Độ gặp trở ngại trong việc dàn quân để tiến vào lãnh thổ Pakistan.

Xét trên biển, Ấn Độ cũng hoàn toàn chiếm ưu thế so với Pakistan. Theo ông Motwani, chính vì Pakistan có những đường bờ biển nhỏ hơn để bảo vệ, do đó quốc gia này đã tập trung vào phát triển năng lực lục quân và không quân.

Về phần mình, New Delhi lại có cả tàu sân bay và các tàu ngầm hạt nhân. Đây là những vũ khí mà Pakistan không thể sánh kịp.

Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Ấn Độ - Pakistan leo thang, giới chuyên gia cũng không khỏi lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc chiến hạt nhân.

Theo SIPRI, Pakistan được cho có từ 140 – 150 đầu đạn hạt nhân và Ấn Độ là từ 130 – 140.

Điều đáng nói, nhiều người lo ngại về khả năng vũ khí hạt nhân của Pakistan có thể được sử dụng trước cả khi giới chức quân sự ở Islamabad có thể ngăn chặn.

"Pakistan có chính sách chiến lược ủy quyền sử dụng hạt nhân cho các đơn vị chiến thuật cấp thấp. Do đó, nguy cơ sử dụng hạt nhân có thể xảy ra nếu như những chỉ huy cấp thấp thấy hành động này là phù hợp", ông Layton nhấn mạnh. 

Chiến đấu cơ Su-30 Ấn Độ bắn rơi mục tiêu Pakistan xâm phạm lãnh thổ

Một chiến đấu cơ Su-30 của Ấn Độ đã bắn rơi máy bay không người lái (UAV) của Pakistan bằng tên lửa không đối không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu - Lược dịch ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN