Canada: Nắng nóng kỷ lục, hàng triệu sinh vật biển bị "luộc chín"
Một đợt nắng nóng kỷ lục đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tây bắc Thái Bình Dương và các vùng thuộc Canada, khiến hàng triệu sinh vật ở biển chết đồng loạt.
Trai biển bị "luộc chín" do nắng nóng ở thành phố Vancouver, tỉnh British Columbia, Canada. Ảnh: Alyssa Gehman
Theo SCMP, khoảng 2 tuần trước, Alyssa Gehman, một nhà nghiên cứu về sinh thái biển, đang đi dọc bãi biển Kitsilano ở thành phố Vancouver, tỉnh British Columbia, Canada để tìm chỗ bơi, xua tan cái nóng gay gắt, thì phát hiện mùi lạ.
"Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi đi dọc bãi biển là một thứ mùi rất kinh khủng. Nó là mùi của các động vật có vỏ như trai, sò bị thối rữa trong nắng nóng", Gehman cho hay.
Khi đi gần tới mép nước, Gehman nhìn thấy hàng đống trai, hến biển chết như vừa bị "luộc chín".
"Tôi còn nhìn thấy những con cua trôi nổi. Đó là khung cảnh buồn với tôi và cho thấy rằng, có thể còn nhiều sinh vật biển khác đã chết do đợt nắng nóng kỷ lục lần này", nhà nghiên cứu sinh thái biển nói thêm.
Christopher Harley, một nhà sinh thái học hải dương và là cũng là người chứng kiến các sinh vật biển chết trên bãi biển Kitsilano, cho biết, cảnh tượng giống như "một thảm họa sinh thái" - điều mà ông chưa từng thấy trước đây.
Trở lại phòng thí nghiệm Hurley của trường Đại học British Columbia, nơi ông Harley và bà Gehman đang làm việc, các nhà nghiên cứu đang xem xét tác động rộng hơn của việc sinh vật biển chết hàng loạt ở nhiều khu vực tại Canada.
Trai biển là một trong số các sinh vật biển được các nhà khoa học xem xét. Theo Gehman, khi thủy triều xuống, trai biển sẽ đóng chặt vỏ và giữ nước bên trong để chúng không bị chết khô.
"Chúng có thể tồn tại ở nhiệt độ khá giống với nhiệt độ mà con người có thể sống sót, khoảng hơn 37 độ C", Harley cho biết. "Nhưng nhiệt độ mà chúng tôi đo được ở bãi biển là hơn 48 độ C. Vì vậy, nước biển nóng hơn rất nhiều so với mức trai biển chịu đựng được".
Sinh vật biển chết hàng loạt ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái. Ví dụ, một con trai biển có thể làm sạch được 22 lít nước mỗi ngày. "Việc làm sạch nước rất quan trọng với một số loài thực vật sống dưới nước vì chúng cần ánh nắng có thể chiếu xuống. Nếu nước đục, ánh nắng không thể tới được độ sâu cần thiết và một số loài thực vật sẽ chết", Gehman nói.
Ngoài ra, các động vật như trai, hến biển còn là nguồn thức ăn và môi trường sống cho một số loài khác như sao biển, các loài chim biển di cư hay con người.
Theo một nghiên cứu công bố hôm 7/7 của các nhà khoa học hàng đầu, đợt nắng nóng kỷ lục và "chết chóc" đang hoành hành ở khu vực phía tây nước Mỹ và Canada, bắt đầu từ 2 tuần trước, sẽ "không xảy ra" nếu như không có biến đổi khí hậu.
Hàng trăm người đã chết vì đợt nắng nóng kỷ lục này, trong đó phần lớn là cư dân ở tỉnh British Columbia của Canada. Hơn 100 người khác cũng tử vong do nắng nóng ở bang Oregon, Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Cũng giống như tháng 6 – tháng đặc biệt nóng đối với một số quốc gia, khu vực phía Bắc bán cầu – tháng 7 năm nay sẽ...