Căn hầm chống bom nguyên tử cất giữ “giá trị Mỹ”

Căn hầm bọc thép có khả năng chống bom hạt nhân là nơi lưu trữ Hiến pháp Mỹ, Tuyên ngôn độc lập cùng Tuyên ngôn về nhân quyền.

Căn hầm chống bom nguyên tử cất giữ “giá trị Mỹ” - 1

Quá trình lắp đặt căn hầm năm 1953.

Theo Atlas Obscura, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ (NA) ở Washington DC có căn hầm bí mật, nơi lưu trữ các văn bản giá trị nhất của nước Mỹ trong suốt gần 70 năm nay.

Tháng 4.1952, Quốc hội Mỹ yêu cầu Thư viện Quốc hội chuyển Tuyên ngôn Độc lập cùng Hiến pháp đến trụ sở NA tại thủ đô Washington.

Kể từ đó, hai văn bản này được trưng bày trước công chúng tại tòa nhà lưu trữ cùng với Tuyên ngôn về nhân quyền. Ba văn bản này được gọi chung là Hiến chương Tự do. Đây được coi là những văn kiện được canh phòng nghiêm ngặt nhất trên hành tinh.

Căn hầm chống bom nguyên tử cất giữ “giá trị Mỹ” - 2

Căn hầm đầu tiên do công ty Mosler Safe chế tạo.

Hàng ngày, Hiến chương Tự do được trưng bày công khai đằng sau lớp kính chống đạn và có người canh gác. Khi đêm đến, một chiếc thang máy đặc biệt sẽ đưa 3 văn kiện này xuống lòng đất, trong một căn hầm bọc thép tuyệt mật.

Căn hầm ban đầu được Công ty Mosler Safe xây dựng vào năm 1953. Việc lựa chọn công ty này là một điều hợp lý vì trước đây Mosler Safe từng đạt được những thành tựu đáng kể.

Mosler Safe là công ty xây dựng căn hầm vàng thỏi tại Fort Knox, bang Kentucky, Mỹ và một hầm ngầm của ngân hàng tại Hiroshima, Nhật Bản. Căn hầm này sống sót qua vụ thả bom nguyên tử trong Thế chiến 2.

Căn hầm chống bom nguyên tử cất giữ “giá trị Mỹ” - 3

Hiến chương Tự do được đưa lên trưng bày vào ban ngày và cất giữ tại căn hầm ở độ sâu 6m bên dưới.

Khoảng 70% các ngân hàng ở Mỹ đều sử dụng két sắt và hầm của Mosler vào thời điểm đó.

Cơ quan lưu trữ Mỹ không cho công ty này nhiều thời gian vì ngày trưng bày cận kề. Các kỹ sư, kỹ thuật viên và thợ máy khi đó đã phải làm việc gấp rút để thiết kế và xây dựng căn hầm kiên cố nhất, bảo vệ các tài liệu quý giá nhất của đất nước. Mosler Safe chế tạo căn hầm ở thành phố Hamilton, bang Ohio rồi mới đem lắp đặt tại cơ quan lưu trữ.

Hầm được làm bằng thép và bê tông cốt thép, đặt ở độ sâu 6m so với sàn nhà của phòng triển lãm. Căn hầm được xây dựng trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh nên khả năng chống chịu lửa, bom đạn cũng được tính đến.

Căn hầm chống bom nguyên tử cất giữ “giá trị Mỹ” - 4

Căn hầm nặng 55 tấn có thể chống lại các vụ nổ và bom nguyên tử.

Căn hầm nặng 55 tấn này chỉ có kích thước tương đương với một phòng để quần áo và được trang bị ròng rọc để nâng và hạ Hiến chương Tự do.

Đến năm 2000, căn hầm này được cơ quan lưu trữ Mỹ nâng cấp trong dự án 110 triệu USD. Thông tin về căn hầm mới, do công ty Diebold thiết kế, hiện vẫn còn là bí mật.

Căn hầm chống bom nguyên tử cất giữ “giá trị Mỹ” - 5

Hiến chương Tự do hiện được trưng bày vào ban ngày và cất giữ trong căn hầm bí mật khi trời tối.

Trả lời trên tờ New York Magazine, David Ferrier, nhân viên cơ quan lưu trữ Mỹ từngxác nhận thông tin về việc căn hầm có khả năng chống được một vụ nổ hạt nhân. “Đúng là chúng tôi có kế hoạch cho điều đó. Nhưng tôi sẽ phải giết bạn nếu như tiết lộ bí mật này. Đây là thông tin không được công khai”.

Hiến chương Tự do Mỹ hiện vẫn được trưng bày hàng ngày tại bảo tàng trong khuôn viên cơ quan lưu trữ, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ 30 phút chiều (giờ địa phương).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Atlas Obscura ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN