Căn cứ hạt nhân bí mật, ẩn dưới lớp băng
Ẩn mình bên dưới vùng băng giá rộng lớn của Greenland là một căn cứ bí mật thời Chiến tranh Lạnh: Trại Thế kỷ. Cơ sở quân sự bí mật này đóng vai trò là trung tâm của Dự án Iceworm, một chương trình tối mật của Quân đội Hoa Kỳ.
Có thể coi Dự án Iceworm chính là ví dụ minh họa cho định nghĩa tuyệt mật. Mặc dù nó được khởi xướng vào cuối những năm 1950 và được vận hành vào khoảng năm 1960, nhưng sự tồn tại của nó chỉ được xác nhận chính thức vào năm 1996 với việc công bố các tài liệu đã được giải mật của chính phủ. Chính từ những điều này mà công chúng cuối cùng đã biết được sự thật về dự án và vẻ ngoài mà nó được gắn mác, Camp Century (Trại Thế kỷ). Được quân đội Hoa Kỳ khởi xướng, mục tiêu chính của Dự án Iceworm là triển khai một mạng lưới các bãi phóng tên lửa hạt nhân di động dưới dải băng của Greenland. Mục đích đằng sau dự án này là tăng cường khả năng hạt nhân của Mỹ, nhằm chống lại Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Dự án này đã thiết lập các cơ sở hạ tầng bí mật có khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ bên trong khu vực Bắc Cực. Về bản chất, nó là một căn cứ hạt nhân bí mật, ẩn dưới lớp băng. Kế hoạch của dự án này là xây dựng một hệ thống đường hầm dài khoảng 4.000 km ẩn dưới Greenland. Những đường hầm này có thể triển khai tới 600 tên lửa hạt nhân và sẽ được thay đổi vị trí định kỳ trong trường hợp Liên Xô biết đến sự tồn tại của chúng. Dự án này là tuyệt mật, và ngay cả chính phủ Đan Mạch cũng gần như không biết đến dự án này.
Dự án Iceworm được xếp vào loại tuyệt mật, và ngay cả Chính phủ Đan Mạch cũng không biết về toàn bộ hoạt động tại Trại Thế kỷ.
Tất nhiên, việc triển khai một mạng lưới như vậy không chỉ là một kỳ công kỹ thuật lớn mà còn cực kỳ tốn kém. Tuy nhiên, Mỹ cảm thấy điều đó sẽ có những giá trị nhất định. Thứ nhất, họ hy vọng nếu thành công, dự án sẽ giúp quân đội gây bất ngờ và đánh bại các đối thủ tiềm năng, đồng thời làm kẻ địch khó phát hiện và nhắm mục tiêu vào các cơ sở tên lửa của Mỹ. Thứ hai, trong suốt Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều có những nỗ lực đáng kể nhằm triển khai sức mạnh ở khu vực Bắc Cực vì các lý do chiến lược, quân sự và kinh tế.
Người ta hy vọng rằng nếu Liên Xô vượt lên dẫn trước trong cuộc đua cụ thể này thì Dự án Iceworm có thể cung cấp một lớp đệm chống lại các cuộc tấn công tiềm tàng của Liên Xô. Cuối cùng, những năm 50-60 của thế kỷ trước, cả Mỹ và Liên Xô đều bận tâm đến việc mở rộng phạm vi hạt nhân tương ứng của mình. Dự án Iceworm sẽ mang lại cho Mỹ lợi thế ở vùng cực và tăng cường vị thế chiến lược tổng thể của nước này. Tầm bắn hạt nhân của họ càng mở rộng thì khả năng răn đe càng lớn.
Các lõi băng được đào trên thực tế ít có liên quan đến nghiên cứu khí hậu mà liên quan nhiều hơn đến việc đảm bảo các đường hầm sẽ ổn định về lâu dài khi dải băng dịch chuyển. Ban đầu, có vẻ như Camp Century đã chứng minh rằng Dự án Iceworm là khả thi, nhưng mọi thứ nhanh chóng bắt đầu thay đổi. Sau khoảng ba năm, những quan sát và nghiên cứu thực tế đã cho thấy các tảng băng không ổn định như suy nghĩ ban đầu. Trên thực tế, tuyết và băng có tính đàn hồi nhớt, nghĩa là chúng di chuyển và biến dạng theo thời gian.
Sự nóng lên toàn cầu có nghĩa là tất cả những thứ khó chịu mà Dự án Iceworm để lại có thể sớm gây tan băng và gây ra những thiệt hại không kể xiết cho môi trường.
Hoa Kỳ đã đánh giá thấp quá trình này diễn ra nhanh như thế nào và các nhà địa chất nghiên cứu tại Camp Century nhận thấy rằng rất có thể nơi này chỉ có thể tồn tại thêm khoảng hai năm nữa cho đến khi các đường hầm của nó bắt đầu sụp đổ. Và điều này đã thực sự xảy ra vào năm 1962, trần phòng lò phản ứng của trại bắt đầu bị vênh và phải nâng lên 5 feet (1,5m) để tránh làm hỏng lò phản ứng. Điều này làm dấy lên lo ngại về an toàn và vào tháng 7/1963, quân đội quyết định đóng cửa lò phản ứng vĩnh viễn. Năm 1965, lò phản ứng được dỡ bỏ và trại được sơ tán.
Một năm sau, dự án bị đóng cửa vĩnh viễn. Chính phủ Mỹ đã quyết định rằng với tốc độ di chuyển của tảng băng, Dự án Iceworm không còn khả thi nữa.
Khi khu trại ngừng hoạt động vào năm 1967, hầu hết khu vực, bao gồm cả rác thải, chỉ đơn giản là bị bỏ hoang dưới lớp băng ở Greenland. Người ta tin rằng nó sẽ ở đó, an toàn dưới hàng tấn băng và tuyết rơi trong thời gian còn lại. Tuy nhiên, rất nhiều điều đã thay đổi kể từ những năm 60 thế kỷ trước: Cụ thể là hiện nay chúng ta hiểu nhiều hơn về biến đổi khí hậu so với thời điểm đó. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy trong vài thập kỷ tới, dải băng ở Greenland sẽ bắt đầu tan chảy.
Các nhà khoa học lo ngại điều này sẽ bắt đầu thải ra chất thải bị bỏ lại ở Trại Thế kỷ - đó là chất thải hạt nhân, 200.000 lít dầu diesel, PCB và một lượng nước thải khổng lồ sẽ được thải ra môi trường địa phương. Mặc dù các ước tính khác nhau nhưng người ta cho rằng sớm nhất là vào năm 2090 hoặc muộn nhất là vào năm 2179, tất cả chất thải này sẽ được giải phóng, làm tổn hại thêm đến môi trường sống xung quanh. Nhìn lại, Dự án Iceworm có thể được coi là một thử nghiệm đầy tham vọng nhưng sự sụp đổ cuối cùng của nó đã nhấn mạnh những thách thức ghê gớm do môi trường Bắc Cực đặt ra và sự phức tạp của việc duy trì cơ sở hạ tầng quân sự bí mật. Ngay cả Hoa Kỳ, với tất cả công nghệ và tài nguyên của mình, cũng không thể chống lại các thế lực của Mẹ Thiên nhiên.
Bên ngoài Camp Century ngụy trang như một thị trấn với khu dân cư, trường học, bệnh viện.
Nhưng trước khi mọi người sơ tán khỏi dự án, các nhà nghiên cứu đã tìm cách đào lên một số chất thải khoa học thực tế, họ khoan một lõi sâu 4.550 feet (1feet tương đương 30.48 cm) vào tảng băng. Khi chạm đất, họ khoan thêm 12 feet, mang lên một đống cát đóng băng, băng bẩn, sỏi và bùn. Quân đội đã chuyển lõi băng đó từ tủ đông của họ đến Đại học Buffalo vào những năm 1970. Phần lõi được đưa đến Đan Mạch vào những năm 90 thế kỷ trước, nơi vật liệu được giữ đông lạnh để giờ đây chúng cung cấp cho các nhà khoa học những hiểu biết vô giá về các kỷ băng hà trong quá khứ.
Tuy nhiên, không ai quan tâm nhiều đến lớp trầm tích cho đến năm 2018, khi nó được phát hiện lại trong lọ bánh quy ở tủ đông của Đại học Copenhagen, Đan Mạch. Giờ đây, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phân tích lớp trầm tích đó và thực hiện một khám phá khoa học quan trọng. Nhà địa chất học Paul Bierman, đồng tác giả của một nghiên cứu, cho biết: “Trong lớp trầm tích đóng băng đó có các hóa thạch lá cây và một ít côn trùng, cành cây và rêu, cho chúng ta biết trong quá khứ có một hệ sinh thái vùng lãnh nguyên sinh sống, nơi mà ngày nay có gần một dặm băng”. “Tảng băng rất dễ vỡ. Nó có thể biến mất, và đã biến mất”.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng Greenland đã đóng băng khoảng 2,5 triệu năm trước và tình trạng này vẫn như vậy kể từ đó. Vào năm 2021, Bierman và các đồng nghiệp của ông xác định rằng, vùng đất thực sự không có băng trong một triệu năm qua. Giờ đây, họ đã xác định niên đại của hệ sinh thái lãnh nguyên tìm thấy trong lõi Camp Century cách đây chỉ 416.000 năm - vì vậy vùng tây bắc Greenland không thể bị băng hà bao phủ vào thời điểm đó.
Các nhà khoa học cũng biết rằng, vào thời điểm đó, nhiệt độ toàn cầu tương tự hoặc ấm hơn một chút so với hiện nay. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nồng độ carbon dioxide làm nóng hành tinh trong khí quyển là khoảng 280 phần triệu, so với 422 phần triệu ngày nay - một con số tiếp tục tăng vọt. Bởi vì con người đã làm khí hậu ấm lên một cách nhanh chóng và tần suất cao, chúng ta đang vượt quá những điều kiện trước đây dẫn đến sự tan chảy trên diện rộng của dải băng ở Greenland và tạo ra hệ sinh thái vùng lãnh nguyên. Nhà địa chất học Tammy Rittenour của Đại học bang Utah, Mỹ, đồng tác giả của bài báo mới, cho biết: “Đó là một lời cảnh báo trước”. “Điều này có thể xảy ra trong điều kiện lượng CO2 thấp hơn nhiều so với tình trạng hiện tại của chúng ta”.
Máy khoan nhiệt được lắp đặt tại Camp Century để khoan qua chỏm băng Greenland.
Sự tan chảy của lớp băng có thể cực kỳ nguy hiểm. Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, băng ở Greenland tan chảy cách đây 400.000 năm đã khiến mực nước biển dâng ít nhất 5 feet, nhưng có lẽ lên tới 20 feet. Michael Mann, nhà khoa học khí hậu của Đại học Pennsylvania, Mỹ, cho biết: “Những phát hiện này làm tăng thêm mối lo ngại rằng, chúng ta có thể tiến gần đến ngưỡng sụp đổ của dải băng Greenland và mực nước biển dâng thêm 1 mét trở lên”. Ngày nay, mực nước biển toàn cầu dâng chưa đến 1 foot đã gây ra các vấn đề lũ lụt và nước dâng do bão nghiêm trọng ở các thành phố ven biển.
Nếu Greenland tan chảy một lần nữa, nó có thể đạt đến điểm không thể quay trở lại, khiến mực nước biển không ngừng dâng cao. Khi một tảng băng tan chảy, nó để lộ ra lớp bụi bẩn sẫm màu hơn bên dưới, hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn, làm tăng nhiệt độ cục bộ và khiến băng tan nhiều hơn.
Các nhà khoa học hiện đang chạy đua để khoan thêm lõi băng ở Greenland để thu thập thêm đất. Mặc dù lõi của Trại Thế kỷ cung cấp cho họ cơ sở để lập mô hình mà họ có thể sử dụng để ước tính, nhưng với nhiều lõi hơn, họ có thể tính toán tốt hơn lượng băng trên hòn đảo đã biến mất và tốc độ biến mất nhanh như thế nào - và điều đó có thể báo trước về sự suy giảm hiện đại của dải băng.
Bierman cho biết: “Bây giờ chúng tôi có bằng chứng chắc chắn rằng khi khí hậu ấm lên, dải băng ở Greenland sẽ biến mất”. “Và chúng ta vừa mới bắt đầu làm khí hậu ấm lên”. Nhà nghiên cứu Bierman tiếp tục nhấn mạnh: “Chúng tôi sử dụng quá khứ để cố gắng hiểu tương lai và hiểu hiện tại. “Và điều đó khiến tương lai có chút đáng sợ. Không phải là chúng ta nên chạy trốn khỏi nó, nhưng với tôi, đó là lời kêu gọi hành động”.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Nga được cho là đang xây dựng một căn cứ không quân mới ở vùng Belgorod, gần biên giới với Ukraine.