Nóc nhà thế giới cũng không thoát khỏi cảnh bị đồ nhựa "bóp nghẹt"
Du lịch bùng nổ trên đỉnh Everest dẫn đến hàng tấn rác thải mà không có cách nào dọn dẹp hết được.
Hàng trăm bãi rác thải khổng lồ rải rác trên núi Everest.
Theo Daily Mail, nhà địa chất học Alton Byers nói hàng tấn rác thải bị chôn vùi trên trên núi Everest đang khiến người dân địa phương “đang cạn kiệt quỹ đất bằng phẳng làm nơi chôn lấp”.
“Vấn đề báo động là hàng tấn rác thải nhựa, vỏ bia hơi, vỏ chai rượu whiskey, hộp đựng đồ ăn và các rác thải rắn khác do các du khách đem đến”, Byers nói.
Đủ loại thiết bị leo núi bỏ đi như vỏ bình oxy, lều huỳnh quang, hộp đồ ăn, túi nylon... và thậm chí là chất thải của con người nằm la liệt trên đỉnh núi cao hơn 8.800 mét, nơi được coi là "nóc nhà thế giới". "Thật kinh tởm! Đỉnh núi đang phải gánh chịu hàng tấn rác thải", Pemba Dorje, nhà leo núi từng 18 lần chinh phục đỉnh Everest cho biết.
Rác thải chủ yếu bao gồm chai nhựa, hộp đựng thức ăn, bình nước.
Người dân địa phương không còn cách nào khác là đem đổ vào bãi rác thải và đốt mỗi khi rác đầy. Điều này còn tạo ra khí độc và rác thải chôn lấp làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Một chủ nhà nghỉ địa phương chia sẻ rằng họ đang “cạn kiệt đất trống để chôn lấp rác”, Dyers nói thêm. “Nghe thì có vẻ cường điệu nhưng chỉ cần đi bộ vài bước ra con sông, bạn có thể nhìn thấy cảnh tượng tràn ngập rác ở khắp nơi”.
Alton Byers đến từ Đại học Colorado Boulder còn nói thêm rằng nhiều du khách bị ốm bởi chính chất thải của con người thải xuống sông.
Rác thải gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và con sông gần đó.
Ủy ban kiểm soát ô nhiễm giải quyết vấn đề rác thải trên núi Everest bên phía Nepal, nói họ biết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng không thể làm cách nào ngăn chặn.
Không chỉ các du khách mà giờ đây các chủ nhà nghỉ ở Everest cũng đang gây ô nhiễm chính môi trường tự nhiên. Theo Byers, chính quyền Nepal và Tây Tạng cần phải cấm các du khách mang theo chai nhựa lên đỉnh Everest.
Ông cũng hối thúc các chủ nhà nghỉ tích cực tái chế nhôm, thép và thủy tinh. Everest hiện là đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao 8.848 mét.
Hành trình chinh phục đỉnh Everest.
Trên thực tế, có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu lượng rác thải tích tụ trên đỉnh núi. Nepal đã đặt ra quy định bắt buộc mỗi nhóm leo núi phải đặt cọc khoảng 4.000 USD mới được phép chinh phục đỉnh Everest. Khoản tiền này sẽ được trả lại nếu như mỗi nhóm thu gom được ít nhất 8kg rác thải và mang xuống chân núi.
Phía Tây Tạng cũng có yêu cầu tương tự. Mỗi nhóm leo núi sẽ bị phạt 100 USD/kg rác thải nếu không tuân thủ quy định. Theo Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha (SPCC), Nepal đã thu gom được gần 40 tấn rác thải và chất thải của con người trên đỉnh Everest trong năm 2017.
Khu vực vùng biển Caribe được coi là địa điểm du lịch lý tưởng nhưng những bức ảnh dưới đây có thể khiến du khách...