Campuchia tập trận với Trung Quốc, bất chấp căng thẳng với Mỹ
Campuchia đã khởi động một cuộc tâp trận với Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ đang căng thẳng.
Một cảnh huấn luyện trong cuộc tập trận chung "Rồng vàng 2018" của Campuchia và Trung Quốc
Reuters đưa tin, Trung Quốc và Campuchia đã bắt đầu các cuộc tập trận chung về chống khủng bố và các hoạt động cứu hộ, làm nổi bật thêm mối quan hệ thân thiết giữa hai nước trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Campuchia và Mỹ.
Thiếu tướng Zhang Jian, chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu Nam, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và ông Pol Saroeun, Tham mưu trưởng quân đội Campuchia, đã khai mạc cuộc tập trận Dragon Gold (Rồng vàng) 2018 ở phía Tây thủ đô Phnom Penh.
Ông Pol Saroeun cho biết, cuộc tập trận với sự tham gia của 280 binh sĩ Campuchia và 216 binh sĩ Trung Quốc nhằm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tăng cường thêm nữa “mối quan hệ truyền thống và tin tưởng giữa hai nước”.
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia và đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng nước này.
Ông Pol Saroeun cho biết Campuchia đã được hưởng lợi từ Trung Quốc, đứng đầu về đầu tư nước ngoài và lượng khách du lịch nước ngoài. “Sự hỗ trợ tinh thần, trang thiết bị và tài chính lớn từ “một người bạn lớn” Trung Quốc đã giúp cho Campuchia tiến bộ nhanh chóng.
Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên với Campuchia vào năm 2016 và Phnom Penh đã ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ vô thời hạn từ năm 2017 với lý do quá bận rộn với các cuộc bầu cử.
Cuộc tập trận này diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018 mà Thủ tướng Hun Sen với sự hậu thuẫn của Trung Quốc dường như giành chiến thắng một cách dễ dàng sau khi đảng đối lập CNRP bị giải tán bởi Tòa án tối cao vào tháng 11/2017 theo yêu cầu của chính phủ.
Lệnh giải tán đảng đối lập này đã khiến Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác lên án đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen.
Trong khi đó, ông Hun Sen đã cáo buộc Mỹ ủng hộ CNRP trong việc tổ chức “cuộc cách mạng màu sắc” để lật đổ chính phủ của ông.
Thủ tướng Hun Sen cũng thường nhắc nhở người dân Campuchia về vụ đánh bom của Mỹ bắt đầu vào cuối những năm 1960 và một cuộc đảo chính do một tướng Mỹ hậu thuẫn vào năm 1970.
Washington đã bác bỏ cáo buộc ủng hộ âm mưu của nhà lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha.
Một máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ đã gặp sự cố sau khi hạ cánh và phải được kéo tới hầm chứa trong cuộc tập...