Campuchia bước vào thay đổi mang tính thế hệ
Nền tảng giáo dục mà ông Hun Manet được hưởng khiến phương Tây hy vọng rằng ông sẽ tạo nên nhiều thay đổi sau khi lên kế nhiệm cha để lãnh đạo quốc gia 16,5 triệu dân Campuchia.
Ông Hun Manet được đánh giá là người kín tiếng. (Ảnh: AP)
Hàng chục ngàn người ủng hộ tập trung kín ở quảng trường trung tâm thủ đô Phnom Penh hôm 19/7 để chờ con trai cả của Thủ tướng Hun Sen khởi động ngày vận động cuối cùng trước khi bầu cử diễn ra.
Với nụ cười ấm áp và giọng nói nhẹ nhàng, ông Hun Manet khẳng định Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) sẽ mang lại hòa bình, ổn định và tiến bộ cho nhân dân Campuchia.
“Bỏ phiếu cho CPP là bỏ phiếu cho chính mình”, ông Hun Manet nói với đám đông đang hò reo.
Ông hứa sẽ khôi phục niềm tự hào quốc gia “hơn cả thời kỳ Angkor huy hoàng (cách đây mấy thế kỷ)”.
Ngày 23/7, đảng cầm quyền Campuchia tuyên bố giành chiến thắng vang dội trong bầu cử Quốc hội khoá VII. Đảng Nhân dân Campuchia giữ lại tất cả 125 ghế trong hạ viện, mở đường để Thủ tướng Hun Sen chuyển giao quyền lực cho con trai.
Ngày 26/7, Thủ tướng Hun Sen thông báo sẽ từ chức, để con trai cả dẫn dắt chính phủ mới.
Có một sự háo hức rõ ràng khi ông Hun Manet bước qua đám đông gồm khoảng 60.000 người để bắt tay và chụp ảnh selfie, trước khi trở lại đứng cạnh người vợ trên thùng chiếc xe bán tải để đi tuần hành khắp thủ đô.
Sin Dina, 16 tuổi, là một trong nhiều người trẻ tham gia sự kiện này. Cô gái trẻ nhiều lần nhảy lên để vẫy cờ khi ông Hun Manet đi chậm lại. Cô nói rằng đây là lần đầu tiên cô có cơ hội gặp ông Hun Manet trực tiếp.
“Ông ấy trông như một quý ông, dễ gần và có giáo dục. Ông ấy là người kế nhiệm xứng đáng của cha mình”, Dina nói và cho biết cô tiếc vì vẫn chưa đủ tuổi đi bầu cử.
Nhiều người trong đám đông khen ngợi nền giáo dục mà ông Hun Manet được hưởng. Ông tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện quân sự West Point (Mỹ), sau đó học thạc sĩ tại ĐH New York và tiến sĩ kinh tế tại ĐH Bristol (Anh).
Bức ảnh được ông Hun Manet chia sẻ trên Facebook.
Giai đoạn vàng
Nền tảng giáo dục mà vị tướng 45 tuổi được hưởng khiến phương Tây hy vọng rằng ông sẽ tạo nên nhiều thay đổi sau khi lên kế nhiệm cha để lãnh đạo quốc gia 16,5 triệu dân.
Cho đến nay, ông Hun Manet là người rất kín tiếng, hầu như không thể hiện quan điểm chính trị nào ngoài việc hay đăng ảnh lên Facebook và Telegram.
Theo các nhà quan sát phương Tây, ông Hun Sen có thể vẫn sẽ giữ vai trò đáng kể sau khi từ chức.
Năm 1985, ông Hun Sen trở thành thủ tướng trẻ nhất thế giới. Từ năm 1998-2019, dưới sự lãnh đạo của ông, Campuchia đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,7%/năm. Campuchia rời nhóm thu nhập thấp để gia nhập nhóm thu nhập trung bình thấp từ năm 2015, dự kiến sẽ trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới.
Theo ông Ou Virak, chủ tịch Diễn đàn Tương lai Phnom Penh, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách, khi ông Hun Manet trở thành thủ tướng và thay đổi toàn bộ nội các, Campuchia sẽ trải qua “thay đổi mang tính thế hệ” trong tầng lớp lãnh đạo, mang lại “giai đoạn vàng” cho ngoại giao quốc tế.
Tuy nhiên, nhà phân tích này cho rằng Campuchia sẽ không “xoay trục” khỏi Trung Quốc.
“Trung Quốc vẫn sẽ là nước hậu thuẫn chính của Campuchia, là đối tác chính của Campuchia. Vì thế tôi nghĩ bất kỳ dịch chuyển nào về phía phương Tây cũng sẽ chỉ ở mức hạn chế, vì bạn không thể tránh xa nước ủng hộ chính của mình”, ông Virak nhận định.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới, hôm 26-7 cho biết ông sẽ từ chức sau gần 4 thập kỷ lãnh đạo.
Nguồn: [Link nguồn]