Cẩm Y vệ - lực lượng 20 vạn cao thủ tàn ác "quét sạch công thần" nhà Minh

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Trung Quốc thời Minh được ví như “triều đại của mật vụ”, trong đó nổi tiếng nhất là Cẩm Y Vệ – lực lượng tập hợp nhiều cao thủ võ nghệ, tàn nhẫn khét tiếng.

Nhà Minh còn được biết tới là “triều đại mật thám”, “triều đại hoạn quan” trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Minh nổi tiếng với các tổ chức mật thám như Cẩm Y vệ, Đông xưởng, Tây Xưởng tập hợp nhiều cao thủ võ nghệ, khét tiếng tàn bạo. Loạt bài sau đây sẽ hé lộ phần nào bí ẩn đằng sau các tổ chức “hắc ám” này.

Chu Nguyên Chương – người sáng lập tổ chức Cẩm Y vệ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Chu Nguyên Chương – người sáng lập tổ chức Cẩm Y vệ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

1. “Ưng khuyển triều đình”

Năm 1368, sau khi đánh bại nhà Nguyên và các thế lực cát cứ chống đối, Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) lên ngôi hoàng đế nhưng trong lòng vẫn lo lắng không yên. Thế lực khiến ông e ngại nhất là các quan “khai quốc công thần” đang nắm quyền lực quá lớn, có binh quyền trong tay.

Với bản tính đa nghi, Chu Nguyên Chương cho rằng một ngày nào đó, ngai vàng mà ông vất vả giành được cho con cháu sẽ bị các quan đại thần cướp đoạt. Chu Nguyên Chương rắp tâm thực hiện một cuộc thanh trừng quy mô lớn. Để làm được điều này, ông cần lực lượng riêng và phải tuyệt đối trung thành.

Minh sử chép, năm 1368, Chu Nguyên Chương cho lập Củng vệ ty, đội ngự lâm quân chuyên bảo vệ hoàng đế.

Năm 1369, Chu Nguyên Chương cho sáp nhập Củng vệ ty với Nghi loan ty (đội cận vệ chuyên lo việc nghi lễ) thành Thân quân Đô úy phủ.

Có lực lượng riêng trong tay, Chu Nguyên Chương nhắm tới thừa tướng Hồ Duy Dung đầu tiên. Năm 1380, Hồ Duy Dung bị khép tội mưu phản, cả nhà bị xử tử. Chu Nguyên Chương còn ra lệnh cho người của Thân quân Đô úy phủ truy bắt các “đồng đảng” của Hồ Duy Dung.

Theo Minh sử, số người bị khép tội, bị xử tử trong vụ án Hồ Duy Dung liên tới hơn 10.000 người (có tài liệu chép là hơn 15.000 người). Quan thái sư nhà Minh là Lý Thiện Trường cũng bị cuốn vào vụ án này và bị xử tử cả nhà.

Cẩm Y vệ giúp Chu Nguyên Chương thanh trừng công thần (tranh: Sina)

Cẩm Y vệ giúp Chu Nguyên Chương thanh trừng công thần (tranh: Sina)

Năm 1382, Thân quân Đô úy phủ đổi tên thành Cẩm Y vệ (lính áo gấm), do Chu Nguyên Chương trực tiếp quản lý.

Theo China Daily, ban đầu, Cẩm Y vệ chỉ có khoảng 500 người, nhiệm vụ của họ là bảo vệ an nguy của hoàng đế. Qua thời gian, lực lượng Cẩm Y vệ ngày càng mở rộng, kèm theo đó là quyền lực to lớn hơn.

Đến năm 1385, quân số Cẩm Y vệ đã lên tới hơn 14.000 người, phân bổ rải rác khắp Nam Kinh (kinh đô của nhà Minh thời Chu Nguyên Chương). Ngoài bảo vệ hoàng đế, Cẩm Y vệ còn có nhiệm vụ tra xét quan lại, do thám dân tình, bắt bớ và ngăn chặn các âm mưu tạo phản. Cẩm Y vệ cũng có cơ quan xét xử, tra khảo và giam giữ riêng.

Theo Sohu, giai đoạn đầu hoạt động, Cẩm Y vệ được Chu Nguyên Chương trao cho quyền lực rất lớn. Họ có thể bắt giữ bất kỳ người nào, ngay cả quan lại cấp cao, hoàng thân quốc thích. Bên trong các cơ sở giam giữ, Cẩm Y vệ dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn, bức cung, ép phải nhận tội.

Cẩm Y vệ nằm ngoài cơ cấu của lục bộ (6 bộ trong triều đình nhà Minh). Họ chỉ nhận lệnh và báo cáo trực tiếp cho hoàng đế. Đứng đầu Cẩm Y vệ là quan Chỉ huy sứ do hoàng đế bổ nhiệm (thường là người trong hoàng tộc hoặc tướng lĩnh trung thành với hoàng đế). Chỉ huy sứ đầu tiên của Cẩm Y vệ là Giang Hoàn.

Năm 1393, Chỉ huy sứ Cẩm Y vệ Giang Hoàn báo cáo tướng quân Lam Ngọc (tước hiệu Lương quốc công) âm mưu tạo phản. Chu Nguyên Chương lập tức cho bắt Lam Ngọc và “đồng đảng”. Trong vụ này số người bị khép tội, bị xử tử lên tới hơn 15.000 người (có tài liệu chép là hơn 20.000 người).

Theo Sohu, sau 2 vụ đại án Hồ Duy Dung và Lam Ngọc, triều đình nhà Minh “sạch bóng” công thần, chính trị phủ một màu u ám vì sự lộng hành của Cẩm Y vệ. Dân gian vừa căm ghét, vừa sợ hãi Cẩm Y vệ. Họ gọi lực lượng này là “ưng khuyển triều đình” (chim ưng và chó săn của triều đình).

Minh sử chép, dưới thời Chu Nguyên Chương, quan lại trước khi lên chầu thì khóc lóc từ biệt vợ con, nếu còn trở về thì cả nhà mừng rỡ, mở tiệc ăn mừng như vừa thoát được một kiếp nạn. Cẩm Y vệ mặc sức bắt người, tra tấn và khép tội để “tâng công” với hoàng đế. Hàng nghìn người phải chết oan dưới lưỡi đao của Cẩm Y vệ, tiếng ai oán rộ lên khắp nơi.

Nhận thấy quyền lực của Cẩm Y vệ trở nên quá lớn, thậm chí mất kiểm soát, Chu Nguyên Chương lấy cớ Cẩm Y vệ xử nhiều án oan, ra lệnh xử tử Giang Hoàn để yên lòng dân. Ông cũng cho đốt các hình cụ tra tấn của Cẩm Y vệ và hạn chế quyền lực của lực lượng này.

Lực lượng Cẩm Y vệ nổi tiếng tàn nhẫn, hắc ám (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lực lượng Cẩm Y vệ nổi tiếng tàn nhẫn, hắc ám (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm 1402, Minh Thành Tổ (Chu Đệ) lên ngôi, cho khôi phục quyền lực của Cẩm Y vệ. Sau này, các hoàng đế nhà Minh còn thành lập thêm Đông Xưởng, Tây Xưởng và Nội Hành Xưởng. Nhà Minh vì vậy nổi tiếng với “tam Xưởng nhất Vệ”.

Theo China Daily, thời Minh Vũ Tông (1491 – 1521), quyền lực của Cẩm Y vệ vươn tới đỉnh cao. Lúc này, lực lượng Cẩm Y vệ lên tới hơn 200.000 người, quá đủ để kiểm soát và quản lý dân số khoảng 125 triệu người (thời nhà Minh). Thành viên Cẩm Y vệ có quyền điều tra, giam giữ và tra tấn bất cứ ai mà không cần qua xét xử. Họ nhận lệnh trực tiếp và báo cáo công việc cho hoàng đế.

Thời Minh Vũ Tông, quyền lực của Cẩm Y vệ bao trùm kinh thành, sau đó lan ra cả nước. Đến thời Minh Thần Tông (1563 – 1620), Cẩm Y vệ còn được cử ra nước ngoài hoạt động.

Năm 1592, Nhật Bản xâm lược Triều Tiên (lúc này là chư hầu của nhà Minh), Minh Vũ Tông đã điều hơn 8 vạn quân cứu viện. Cẩm Y vệ cũng được điều tới Triều Tiên để làm nhiệm vụ tình báo, báo cáo trực tiếp tình hình chiến sự cho Minh Vũ Tông. Năm 1598, Nhật Bản kết thúc nỗ lực xâm lược Triều Tiên trong thất bại.

Từ góc nhìn hiện đại, Cẩm Y vệ giống như một cơ quan phức hợp giữa cục điều tra, cục an ninh và cục tình báo của một quốc gia, theo Qulishi.

Tạo hình của lính Cẩm Y vệ trên phim với Tú Xuân đao và Phi Ngư phục (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tạo hình của lính Cẩm Y vệ trên phim với Tú Xuân đao và Phi Ngư phục (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

2. Tú Xuân đao và Phi Ngư phục

Theo Sohu, hầu hết thành viên Cẩm Y vệ đều có võ công cao cường và được đào tạo về kỹ năng điều tra, do thám. Họ cũng được trang bị nhiều loại vũ khí tốt bao gồm đao, kiếm dài, kiếm ngắn, nỏ, giáp nhẹ, các loại ám khí và nổi tiếng nhất là Tú Xuân đao.

Trong nhiều bộ phim kiếm hiệp, lính Cẩm Y vệ thường mặc một bộ y phục màu đen hoặc đỏ, bên trên thêu hình một con cá đầu rồng, có cánh, đang bay trong mây (Phi Ngư phục), trên hông đeo Tú Xuân đao. Lính Cẩm Y vệ cũng có một lệnh bài để chứng minh thân phận.

Trên thực tế, chỉ có lính Cẩm Y vệ cấp bậc cao mới được trang bị Tú Xuân đao và mặc Phi Ngư phục, theo Sohu.

Theo mô tả của Sohu, Tú Xuân đao dài khoảng 77cm, trong đó phần lưỡi đao dài khoảng 52cm, phần cán đao dài gần 16cm. Tú Xuân đao được rèn từ loại thép tốt nhất, do vậy phần sống đao dù rất mỏng (chỉ khoảng 0,7cm) nhưng vẫn đủ cứng cáp. Trọng lượng cả thanh đao (không tính phần vỏ) chỉ nặng 1,24kg, rất gọn nhẹ.

Với chất lượng như vậy, việc rèn Tú Xuân đao không hề dễ dàng. Vì vậy, món vũ khí này không thể được trang bị cho từng thành viên trong lực lượng đông tới hàng vạn người của Cẩm Y vệ.

Về Phi Ngư phục, chỉ có “Đường thượng quan” (cấp chỉ huy trong mỗi đơn vị thuộc Cẩm Y vệ) mới được mặc và họ cũng chỉ mặc trong các nghi lễ quan trọng của triều đình.

Đối với lính Cẩm Y vệ bình thường, họ được mặc áo gấm màu xanh lá hoặc màu đen. So với quân lính trong quân đội, đãi ngộ của lính Cẩm Y vệ tốt hơn hẳn. Điều này là dễ hiểu vì họ làm việc dưới quyền hoàng đế.

Lính Cẩm Y vệ được trang bị các vũ khí đặc biệt (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lính Cẩm Y vệ được trang bị các vũ khí đặc biệt (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

3. Biến mất khỏi dòng lịch sử

Cuối thời Minh, lực lượng Cẩm Y vệ ngày càng suy yếu và thối nát. Đó là lúc xuất hiện một lực lượng mới có quyền thế đến mức biến Cẩm Y vệ thành tay sai, theo Sohu. 

Minh sử chép, thời Minh Hy Tông (1605 – 1627) quan Thiên hộ Cẩm Y vệ Khách Quang Tiên (chức Thiên hộ tương đương với cấp chỉ huy 1.000 lính Cẩm Y vệ) và Chỉ huy sứ Cẩm Y vệ Điền Nhĩ Canh tự nhận là con nuôi của Ngụy Trung Hiền – đề đốc Đông Xưởng.

Nắm được Cẩm Y vệ trong tay, Ngụy Trung Hiền làm đủ trò xằng bậy, hãm hại những người không cùng phe cánh.

Cẩm Y vệ lúc này đã mất đi chức năng vốn có, đến nỗi Trương Tiến Trung, Lý Tự Thành khởi nghĩa ở Thiểm Tây, các “mật thám” của Cẩm Y vệ cũng không hề phát giác hay ngăn chặn.

Theo Minh sử, Chỉ huy sứ cuối cùng của Cẩm y vệ là Lạc Dưỡng Tính (? – 1649). Ông rất được Sùng Trinh, hoàng đế cuối cùng của nhà Minh, tín nhiệm.

Đáng tiếc là Sùng Trinh đã nhìn lầm người.

Tháng 4/1644, quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành đánh vào Bắc Kinh, Lạc Dưỡng Tính lựa chọn đầu hàng. Sùng Trinh phải thắt cổ chết.

Bị quân khởi nghĩa uy hiếp, đánh dập, Lạc Dưỡng Tính phải dâng 30.000 lạng bạc để đổi lấy mạng sống.

Tháng 5/1644, quân Thanh đánh bại quân Lý Tự Thành. Quân Thanh tiến vào Bắc Kinh, Lạc Dưỡng Tính lại dẫn một nhóm quân Minh ra đầu hàng. Lạc Dưỡng Tính được phong một chức quan ở tỉnh Chiết Giang và qua đời tại đó.

Tranh vẽ một lần tuần du của hoàng đế nhà Minh, Cẩm Y vệ đi đầu để bảo vệ (ảnh: Sohu)

Tranh vẽ một lần tuần du của hoàng đế nhà Minh, Cẩm Y vệ đi đầu để bảo vệ (ảnh: Sohu)

Sau khi chiếm được Trung Hoa, nhà Thanh cũng học hỏi nhà Minh thành lập Cẩm Y vệ, nhưng chỉ là một lực lượng nhỏ và mang tính nghi lễ. Năm 1645, nhà Thanh loại bỏ hẳn Cẩm Y vệ, trách nhiệm bảo vệ hoàng đế và hoàng tộc được giao cho Thị vệ xứ.

Theo Qulishi, cuối thời Minh, lực lượng Cẩm Y vệ dù vẫn còn đông đảo, được trang bị tốt nhưng trở nên vô kỷ luật và mất ý chí chiến đấu. Chỉ huy sứ Cẩm Y vệ Lạc Dưỡng Tính dù được giao trọng trách nhưng lại thể hiện là kẻ tham sống sợ chết, chủ động đầu hàng quân địch, kể cả là ngoại bang (quân Thanh).

Đây là lý do chính khiến lực lượng khét tiếng một thời “biến mất” khỏi dòng lịch sử mà không phải do một trận ác chiến nào.

_____________

Đông xưởng chỉ toàn hoạn quan, vì sao "trị" được Cẩm Y vệ và còn làm nghiêng đổ nhà Minh? Mời các bạn tìm kiếm đáp án cho câu hỏi này trong bài kỳ sau, xuất bản vào 19h ngày 9/6/2024.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Không ít tiểu thuyết kiếm hiệp và phim truyền hình cổ trang Trung Quốc chọn hình ảnh một thái giám xấu xa, võ công cao cường làm nhân vật phản diện. Điều này gây cho khán giả ấn tượng sâu sắc rằng rằng nhiều thái giám thời xưa là các cao thủ võ lâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Quốc – tổng hợp ([Tên nguồn])
Những thế lực khét tiếng quấy đảo nhà Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN