Cấm hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad: Vì đâu Lithuania đi bước táo bạo đến vậy?

Sự kiện: Tin tức Nga

Việc cấm một số hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Vilnius, vậy vì đâu mà Lithuania tự tin đi bước táo bạo này?

Theo kênh Channel News Asia (CNA), hiện quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn đã xấu đi đáng kể do cuộc xung đột ở Ukraine, lại càng gia tăng căng thẳng và lần này liên quan Kaliningrad - một phần lãnh thổ nhỏ của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania trên bờ biển Baltic.

Lệnh cấm vận chuyển

Kaliningrad là một tỉnh của Nga, nằm giữa Lithuania và Ba Lan, và cách Moscow khoảng 1.300 km. Điều đặc biệt là tỉnh này nằm cách biệt hoàn toàn khỏi lãnh thổ Nga. Nó được Liên Xô tuyên bố chủ quyền từ Đức sau Thế chiến II và được Moscow kiểm soát kể từ đó.

Vị trí của Kaliningrad. Ảnh: AL JAZEERA

Vị trí của Kaliningrad. Ảnh: AL JAZEERA

Khi vòng trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga có hiệu lực vào ngày 17-6, Lithuania thông báo sẽ cấm các chuyến xe chở hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad đi qua lãnh thổ của mình.

Quyết định này đã đe dọa một thỏa thuận được ký kết vào tháng 4-2003 giữa EU và Nga, trong đó cho phép người và hàng hóa từ Kaliningrad được cấp phép để đi tàu từ tỉnh này, xuyên qua Lithuania và cuối cùng là đến Nga.

Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - ông Josep Borrell ủng hộ quyết định của Lithuania, đồng thời nói rằng Vilnius đang tuân thủ chính xác các lệnh trừng phạt của EU.

Tàu hỏa chở hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad. Ảnh: AP

Tàu hỏa chở hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad. Ảnh: AP

Vì đâu Lithuania cứng rắn đến vậy?

Ông Agnia Grigas, thành viên cấp cao và chuyên gia về năng lượng và địa chính trị tại Hội đồng Đại Tây Dương, vừa có cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Al Jazeera về lý do Lithuania làm như vậy.

Theo ông Agnia Grigas, lệnh cấm chắc chắn không chỉ là quyết định của riêng Lithuania, mà là của chung EU nhằm cấm một số hàng hóa của Nga qua lãnh thổ liên minh.

Còn theo CNA, lệnh cấm vận chuyển một số hàng hóa đến Kaliningrad thể hiện lập trường của Lithuania trước Nga. Trong khi lệnh cấm ban đầu được áp dụng lên các loại hàng hóa được vận chuyển bằng tàu hỏa, Vilnius đã mở rộng lệnh cấm, và áp đặt lệnh này lên cả các chuyến hàng được vận chuyển bằng xe tải.

Hơn nữa, kể từ cuối tháng 2, Lithuania đã gửi hơn 115 triệu euro (tương đương 121 triệu USD) viện trợ quân sự. Để dễ hình dung, số tiền này tương đương 0,2% tổng sản phẩm quốc nội của Lithuania.

Ngoài ra, trước khi xung đột Ukraine nổ ra, vào tháng 7-2021, Lithuania đã kêu gọi Ukraine gia nhập NATO. Vilnius đã lặp lại lời kêu gọi này kể từ khi xung đột bắt đầu vào tháng 2.

Lithuania cũng là một trong những quốc gia EU đầu tiên yêu cầu Brussels cung cấp tài chính cho những người tị nạn Ukraine. Đây cũng là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine ở EU, và đã vận động để Brussels bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xin gia nhập của Kiev.

Theo CNA, đây hoàn toàn là một bước đi có tính toán của Lithuania, vì khả năng Nga tấn công Lithuania hay bất kỳ một thành viên NATO nào khác đều là rất nhỏ.

Nga có thể làm gì?

Chính phủ Nga đã gọi các hành động của Lithuania là "phong tỏa".

Ngay sau thông báo của Lithuania, Nga đã ra phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo Vilnius sẽ đối mặt "hậu quả nghiêm trọng", song vẫn chưa nêu rõ các hậu quả này là gì.

Ngày 20-6, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập đại sứ Lithuania để yêu cầu Vilnius hủy bỏ các hạn chế hoặc "đối mặt với hậu quả"

Thư ký Hội đồng an ninh Nga - ông Nikolai Patrushev tuyên bố rằng "các biện pháp thích hợp" sẽ có một "tác động tiêu cực nghiêm trọng đến người dân Lithuania".

Khi được hỏi liệu "các biện pháp thích hợp" Nga có thể dùng để nhắm vào Lithuania có thể là gì, ông Grigas nhận định Moscow có thể ban hành các biện pháp trừng phạt của riêng mình đối với việc bán hàng hóa cho Lithuania, theo Al Jazeera.

Theo ông Grigas, các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga là dầu khí và điện. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2021, Lithuania đã không còn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, do Vilnius đã được kết nối với lưới điện châu Âu.

Ông cũng cho rằng Kaliningrad đã là một khu vực quân sự rất cô lập. Việc gia tăng căng thẳng ở đây sẽ khiến khu vực này càng bị cô lập hơn. Và người gành chịu hậu quả lớn nhất chắc chắn là cư dân của Kaliningrad - những người vốn đang gặp khó khăn về kinh tế.

Điểm yếu của NATO

Năm 2016, Nga từng triển khai tên lửa Iskander tầm ngắn ở Kaliningrad. Các thủ đô của Quốc gia Baltic và 2/3 lãnh thổ Ba Lan đều nằm trong tầm hoạt động của Iskander, theo CNA.

Đến tháng 4, lực lượng không quân của Hạm đội Biển Baltic của Nga đã thực hiện các chiến dịch ném bom mô phỏng ở Kaliningrad.

Khoảng trống Suwalki - dải đất dài 100 km, trải dọc theo biên giới Lithuania và Ba Lan, đóng vai trò là ranh giới phân chia Belarus với Kaliningrad. Từ lâu, đây đã là điểm yếu của NATO vì Nga có thể dùng nó để nhanh chóng cô lập các nước Baltic.

Theo ông Grigas, nếu Nga chọn sử dụng lãnh thổ của Belarus để mở một chiến dịch quân sự nhằm vào NATO, Moscow có thể gửi lực lượng từ Kaliningrad. Nga sẽ cùng Suwalki để là cắt đứt liên hệ giữa Lithuania và Ba Lan và giữa các quốc gia Baltic với phần còn lại của NATO.

Mặc dù một viễn cảnh như vậy rất khó xảy ra, nhưng đây vẫn sẽ là điểm yếu nhất của NATO, theo CNA.

Rộ tin Nga ”tháo nút” vấn đề Kaliningrad, Tổng thống Lithuania nói gì?

Tổng thống Lithuania – ông Gitanas Nauseda – tuyên bố, sẽ không có “hành lang” nào để Nga vận chuyển những hàng hóa nằm trong danh mục cấm của EU đến khu vực Kaliningrad.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Như ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN