Cải cách quân đội, TQ thành lập lực lượng hậu cần mới
Quân đội Trung Quốc đã thành lập lực lượng hậu cần mới, nằm trong chiến lược cải cách và hiện đại hóa lực lượng quân đội lớn nhất thế giới do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao lá cờ đỏ cho Lý Sỹ Sinh, tư lệnh lực lượng hậu cần ở Bắc Kinh.
Theo Reuters, hải quân Trung Quốc đã tập trung đầu tư vào tàu ngầm và tàu sân bay trong khi lực lượng không quân đẩy mạnh phát triển chiến đấu cơ tàng hình.
Hồi tháng 1, Trung Quốc thành lập 3 đơn vị quân đội mới bao gồm lực lượng bộ binh, một đơn vị tên lửa và một đơn vị hỗ trợ chiến lược cho quân đội.
Ông Tập kêu gọi binh chủng tên lửa tăng cường khả năng ngăn chặn và phòng thủ hạt nhân, khả năng tấn công chính xác tầm trung và tầm xa để xây dựng lực lượng tên lửa mạnh và hiện đại.
Lực lượng hậu cần mới sẽ đóng vai trò hỗ trợ tốt hơn trong các hoạt động quân sự, Tân Hoa Xã đưa tin.
Đây là “quyết định chiến lược của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản và Quân ủy Trung ương, nhằm tăng cường quốc phòng toàn diện và cải cách quân sự”, Ông Tập phát biểu tại buổi lễ trao lá cờ đỏ cho đơn vị mới ở Bắc Kinh ngày 13.9.
Ông Tập nói thêm: “Việc thiết lập lực lượng hậu cần hiện đại, mang phẩm chất Trung Quốc và xây dựng lực lượng quân đội hàng đầu thế giới mang ý nghĩa sâu rộng”.
Trung tâm hỗ trợ cho lực lượng mới sẽ được thiết lập ở 5 thành phố, bao gồm Thẩm Dương ở phía đông bắc, gần biên giới Trung Triều Tiên.
Ông Tập Cận Bình chụp ảnh với các sĩ quan thuộc lực lượng hậu cần mới thành lập.
Chủ tịch Trung Quốc cũng nói rằng, hậu cần là lực lượng chính trong các nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu chiến lược”.
Lực lượng mới “làm sâu sắc thêm sự chuẩn bị hậu cần cho chiến đấu, tích hợp tốt hơn vào hệ thống các hoạt động chung và huấn luyện thực tế”.
Mục tiêu khác trong nỗ lực cải tổ quân đội của ông Tập là thành lập cấu trúc chỉ huy chung vào năm 2020, cũng như giảm 300.000 người trong quân đội.
Trung Quốc đang ngày càng hiện đại hóa, nâng cấp phương tiện quân sự. Nhưng việc tích hợp hệ thống phức tạp vào cấu trúc chỉ huy theo khu vực đang đứng trước nhiều thách thức. Động thái này gây tranh cãi và khiến phe đối lập trong quân đội Trung Quốc bất bình.
Ông Tập cũng ưu tiên cắt đứt những gốc rễ tham nhũng, vốn ăn sâu trong quân đội. Hàng chục sĩ quan cao cấp đã bị điều tra, bắt giam.