Cái bóng của TQ phía sau cuộc gặp lịch sử Trump - Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dùng máy bay Trung Quốc đến hội nghị thượng đỉnh lịch sử diễn ra ở Singapore để gặp ông Trump và điều này mang nhiều ý nghĩa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dùng máy bay Trung Quốc đến Singapore.
Theo Asian Nikkei Review, 3 giờ chiều ngày 10.6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt chân xuống sân bay quốc tế Changi của Singapore trên chiếc máy bay Boeing 747 của Air China.
Những chiếc Boeing 747 của hãng hàng không quốc gia Trung Quốc thường chỉ dùng để chở các lãnh đạo cấp cao. Máy bay Trung Quốc chở Kim Jong-un hạ cánh xuống trước, trong khi chiếc Ilyunshin-62M của Triều Tiên hạ cánh sau.
Nikkei nhận định, đây là cách để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện vai trò của mình trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên mà không cần phải trực tiếp có mặt ở Singapore.
Theo Nikkei, ông Tập luôn lo ngại rằng Kim Jong-un có thể “ngả theo” Mỹ và rời xa Bắc Kinh. Điều này sẽ dẫn đến cân quyền lực trên bán đảo Triều Tiên thay đổi và thu hẹp tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Để tránh khả năng này xảy ra, Trung Quốc nhận trách nhiệm bảo đảm an toàn cho Kim Jong-un trên đường tới Singapore.
Ông Trump đến Singapore sau Kim Jong-un vài giờ.
Không chỉ cho mượn chuyên cơ, Bắc Kinh còn điều tiêm kích hộ tống máy bay chở lãnh đạo Kim Jong-un trong suốt hành trình qua không phận Trung Quốc. Bước đi này là tín hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng nhất định với Triều Tiên.
Giới phân tích nhận định, nếu trở về bằng máy bay Trung Quốc, ông Kim có thể dừng chân ở Bắc Kinh để hai nhà lãnh đạo Trung Quốc-Triều Tiên có thể trao đổi về kết quả hội nghị thượng đỉnh.
Nikkei nêu giả thuyết, Kim Jong-un hoàn toàn có thể đề nghị máy bay Mỹ hộ tống và không cần bay qua lãnh thổ Trung Quốc khi đến Singapore. Nhưng điều này rõ ràng đã không xảy ra.
Trên thực tế, chuyên cơ chở Kim Jong-un bay men theo đường bờ biển phía nam của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Máy bay tránh xâm nhập vào vùng thuộc "đường 9 đoạn" trên Biển Đông. Đây là đường ranh giới mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền và đã bị Tòa trọng tài bác bỏ năm 2016.
Hai nhà lãnh đạo bắt tay mở đầu cuộc hội đàm ở khách sạn Capella trên đảo Sentosa.
Lộ trình này cho thấy Triều Tiên vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng cũng tránh làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với các quốc gia khác như Việt Nam và Philippines.
Kim Jong un còn dùng bữa với Thủ tướng Lý Hiển Long để cảm ơn chính phủ Singapore vì đã chi trả tiền khách sạn cho phái đoàn Triều Tiên. Ông Lý từng nói số tiền để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lên tới 20 triệu USD, trong đó một nửa dành cho công tác đảm bảo an ninh.
Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công tốt đẹp, Kim Jong-un có thể góp mặt trong cuộc họp tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9.
Ông Kim cũng có thể tham dự Diễn đàn kinh tế Phương Đông do Nga chủ trì tại thành phố Vladivostok cùng các lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đó là lúc các cường quốc thế giới và trong khu vực tiếp tục tranh giành ảnh hưởng trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Các vệ sĩ chạy bộ từng “gây sốt” mạng xã hội hồi tháng 4 khi được phát hiện chạy theo xe của ông Kim trong hội nghị...