Cách Trung Quốc phác họa toàn cảnh lây nhiễm Covid-19 thực sự

Tuần trước, Trung Quốc đã bổ sung thêm hơn 1.200 người chết vì Covid-19 ở thành phố Vũ Hán và gần đây, Bắc Kinh đã khởi động chương trình có thể giúp phác họa thực sự mức độ lây nhiễm Covid-19 trong nước.

Khi Tiger Ye nhiễm Covid-19 hồi tháng Giêng, anh được mẹ và bà chăm sóc. Cũng trong tháng đó, cả hai người chăm sóc anh đều bị sốt, nhưng vì bệnh viện Vũ Hán chật cứng người bệnh nên mẹ và bà của Ye quyết định tự cách ly tại nhà, theo Japan Times.

Vài tháng sau, Trung Quốc kiểm soát thành công dịch bệnh, mẹ và bà của Tiger Ye tham gia xét nghiệm kháng thể, được xác nhận rằng từng nhiễm Covid-19 và tự khỏi. Những người như vậy chưa từng được thống kê vào danh sách chính thức với hơn 82.000 ca nhiễm Covid-19.

“Cả hai đều may mắn khi có thể tự hồi phục”, Ye nói. Đứng trước sức ép của cộng đồng quốc tế về khả năng thống kê không đầy đủ, Trung Quốc đã khởi động chương trình trên quy mô lớn nhằm phác họa mức độ lây nhiễm thực sự.

Chương trình này được gọi là khảo sát huyết thanh học. Các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu từ một nhóm người đại diện để xem liệu họ có tạo ra kháng thể để chống virus hay không, dấu hiệu chỉ ra một người đã bị nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học dựa vào đó đánh giá mức độ mầm bệnh lan rộng trong cộng đồng. Những nghiên cứu như vậy cũng có thể làm sáng tỏ cách thức virus lây truyền giữa người và người, bao gồm cả nhóm trẻ em ít bị ảnh hưởng, nhưng có thể đóng vai trò phát tán virus.

Kể từ đầu tháng 4, Trung Quốc đã bổ sung vào danh sách các ca nhiễm Covid-19 những người không bộc lộ triệu chứng. Trong động thái mới nhất, Bắc Kinh sẽ tìm kiếm những người nhiễm virus nhưng tự cách ly tại nhà hoặc nhiễm virus và khỏi bệnh mà không hay biết.

Một người đàn ông được nhân viên y tế lấy mẫu thử Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Một người đàn ông được nhân viên y tế lấy mẫu thử Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Ở Vũ Hán, các nhà điều tra lấy mẫu máu ngẫu nhiên của 11.000 người sống ở thành phố ít nhất từ 2 tuần, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3.2020. Những người tham gia khảo sát rất đa dạng, từ các thành viên trong cùng một gia đình, sỹ quan cảnh sát, viên chức nhà nước hay tài xế taxi, theo Nhật báo Hồ Bắc.

Kết quả khảo sát sẽ được dùng để “thay đổi chiến lược đối phó với virus”, Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

Trong quá khứ, Trung Quốc từng áp dụng khảo sát tương tự khi đối với dịch SARS vào năm 2003 và bệnh viêm gan B vào năm 2006.

Trả lời phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Wang Chen, trưởng khoa Đại học Y khoa Bắc Kinh, mô tả cuộc điều tra huyết thanh học là nhiệm vụ cấp bách. Nó sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách tìm ra câu trả lời cho việc Covid-19 sẽ biến mất như SARS cách đây 17 năm hay ở lại như cúm mùa.

Khảo sát cũng có thể trả lời câu hỏi liệu Covid-19 có ẩn trong cơ thể người một cách lâu dài giống như cách virus viêm gan B gây ra đối với người không có đủ miễn dịch hay không.

Bên cạnh mặt tích cực, khảo sát cũng đối mặt với nhiều thách thức vì Trung Quốc có diện tích lớn và dân số đông đảo.

Jeffery Gilbert, nhà dịch tễ học thuộc nhóm đối phó dịch COVID-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói yếu tố quyết định đến độ chính xác là liệu tập hợp những người tham gia khảo sát có đại diện được cho toàn bộ cộng đồng hay không.

“Mỗi tỉnh ở Trung Quốc có kích thước như một nước châu Âu với mật độ dân số rất khác biệt”, Gibert nói. “Nếu không xét nghiệm trên toàn quốc, rất khó để phác họa toàn cảnh bức tranh lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc”.

Trung Quốc hiện mới chỉ công bố xét nghiệm ngẫu nhiên cho 11.000 người ở Vũ Hán mà không rõ ở các thành phố và tỉnh khác, số người tham gia xét nghiệm là bao nhiêu.

Một thách thức khác nằm ở cách xét nghiệm kháng thể. Phương Tây nhận ra rằng xét nghiệm theo kiểu này thường không chính xác vì rất hay phát hiện kháng thể đối với chủng virus Corona khác, không chỉ là SARS-CoV-2.

“Cần phải xác định được kháng thể hình thành từ chính SARS-CoV-2 chứ không phải lây nhiễm ở các chủng virus Corona khác”, David Heymann, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y Nhiệt đới & Vệ sinh London, Anh, nói.

“Nếu thử nghiệm của Trung Quốc vượt qua các thử thách trên và đạt tiêu chuẩn cụ thể thì nó sẽ được coi là phản ánh chính xác mức độ lây nhiễm trong cộng đồng”, Heymann nói.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia Nam Mỹ chờ hỗ trợ máy thở, Trung Quốc nói khác

Chile đang chờ Trung Quốc hỗ trợ máy thở để giúp đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, quan chức chính phủ nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Japan Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN