Cách nào 'thẳng đường cong’ dịch mà không ‘san phẳng’ kinh tế?
Sốt ruột về kinh tế là tâm trạng chung của các nước khi dịch COVID-19 kéo dài. Nhiều nước đang loay hoay làm sao “làm thẳng đường cong” dịch mà không “san phẳng” kinh tế?
Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo ngày 16-4 tại Nhà Trắng về tình hình dịch COVID-19. Ảnh: REUTERS
Thiệt hại kinh tế vì dịch COVID-19 là câu chuyện không chỉ của cá nhân của địa phương hay của một nước nào. Cả thế giới đang nóng ruột vì dịch càng kéo dài, tổn thất kinh tế vì nó sẽ càng lớn, con đường hồi phục sau đó sẽ càng gian nan.
Đó là lý do tại sao nhiều lãnh đạo, nhiều nước đang băn khoăn giữa ngã ba đường: làm sao cho tốt cả việc chống dịch và giữ gìn kinh tế, hay nói cách khác, làm sao để có thể vừa “làm thẳng đường cong” dịch mà không phải “san phẳng” kinh tế?
Ông Trump quyết phải mở cửa lại kinh tế
Mỹ đang là nước có dịch nghiêm trọng nhất thế giới với gần 1/3 số ca nhiễm và gần ¼ số ca tử vong toàn cầu. Số người chết mỗi ngày vẫn đang trên dưới 2.000, số ca nhiễm mỗi ngày vẫn trên dưới 25.000, tuy nhiên Tổng thống Donald Trump đã không thể kiềm nén sự sốt ruột của mình với đà suy giảm của kinh tế thêm nữa.
Sau nhiều ngày nhắc tới nhắc lui về tính cấp thiết phải xem xét mở cửa lại kinh tế càng sớm càng tốt, ngày 16-4, Tổng thống Trump chính thức đề xuất bản hướng dẫn gồm 3 bước mà các thống đốc bang có thể theo đó mở cửa kinh tế trở lại.
Họp báo tại Nhà Trắng ngày 16-4, Tổng thống Trump nói chuyện đóng cửa kéo dài có thể gây hại sâu rộng đến kinh tế và xã hội Mỹ. Do vậy, “chúng ta sẽ không mở cửa cùng lúc, mà cẩn thận từng bước một”, ông nói với các nhà báo.
Theo hướng dẫn mới của liên bang, các bang nào ghi nhận số ca nhiễm mới có xu hướng giảm 14 ngày thì có thể bắt đầu thực hiện mở cửa từng bước. Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng đánh giá bản hướng dẫn này là thận trọng và đã được các chuyên gia y tế trong đội đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ đồng ý. Trong các chuyên gia này có Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Deborah Birx – điều phối viên chống COVID-19 của chính phủ Mỹ, Tiến sĩ Robert Redfield – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ.
Tuy nhiên Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vẫn nhận xét bản hướng dẫn này "mơ hồ và không nhất quán", đồng thời cho rằng Tổng thống Trump “đã không lắng nghe các nhà khoa học”. Còn nhớ cách đây vài tuần Tổng thống Trump có nói rằng nếu để các bác sĩ quyết chuyện kinh tế thì họ sẽ chẳng bao giờ mở cửa lại cả.
Vì sao ông Trump sốt ruột đến thế?
Là tổng thống và là một nhà kinh doanh, không khó để hình dung sự sốt ruột của Tổng thống Trump khi dịch COVID-19 đã đẩy hàng triệu người Mỹ vào cảnh thất nghiệp. Trong bối cảnh hơn 90% dân số Mỹ phải ở nhà, một tháng qua đã có kỷ lục 22 triệu người Mỹ làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp (tương đương 13,5% của 158,8 triệu lao động ở Mỹ thời điểm tháng 2), chưa kể còn hàng triệu người thất nghiệp chưa được thống kê trong tháng 4.
Người Mỹ mất việc làm chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tại Trung tâm việc làm Arkansas ở TP Fort Smith, bang Arkansas (Mỹ) ngày 6-4. Ảnh: REUTERS
Số người thất nghiệp này đã xóa tan các thành tựu về việc làm mà Mỹ đã đạt được kể từ cuộc đại suy thoái (2007-2009) và là minh chứng rõ nhất cho thiệt hại mà kinh tế phải chịu từ các biện pháp chính phủ đã phải thực hiện để kiểm soát dịch bệnh.
“Quy mô mất việc làm chúng ta nhận lãnh trong 4 tuần qua là quá lớn, gần như toàn bộ việc làm chúng ta đạt được kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính giờ đã mất”, Reuters dẫn lời nhà kinh tế học James Knightley – trưởng nhóm nhà kinh tế quốc tế tại công ty dịch vụ tài chính ING ở New York.
Dữ liệu công bố ngày 16-4 cho thấy hoạt động sản xuất ở vùng Trung-Đại Tây Dương (các bang Delaware, Maryland, New Jersey, New York, Pennsylvania, Virginia, Tây Virginia, và thủ đô Washington DC) đã giảm xuống mức năm 1980.
Ngày 16-4, Bộ Thương mại cũng công bố báo cáo cho thấy ngành xây dựng nhà cửa sụt giảm 22,3%, chỉ còn hơn 1,2 triệu công trình trong tháng 3. Đây là mức giảm lớn nhất một tháng kể từ tháng 3-1984.
Người dân Mỹ đợi nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở TP Las Vegas, bang Nevada (Mỹ). Ảnh: AP
Ngày 15-4 có các báo cáo về sự sụt giảm thê thảm và kỷ lục của ngành bán lẻ trong tháng 3. Sản lượng tại nhà máy giảm thấp nhất kể từ năm 1946.
Các nhà kinh tế ước tính kinh tế Mỹ mất khoảng 10,8% GDP trong quý đầu năm nay, cao nhất kể từ năm 1947.
Chọn kinh tế hay chống COVID-19?
Không chỉ Tổng thống Trump, một lãnh đạo khác cũng đang rất nóng ruột khôi phục hoạt động kinh tế là Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Brazil – quốc gia lớn nhất Nam Mỹ với dân số 210 triệu dân đang là nước có dịch nghiêm trọng thứ 11 thế giới. Đáng nói là nhà chức trách y tế Brazil dự đoán đến khoảng cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 nước này mới chạm đỉnh dịch.
Trong bối cảnh này ông Bolsonaro cực lực phản đối chuyện đóng cửa, chỉ trích các thống đốc bang ra lệnh phong tỏa theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải chăm lo kinh tế.
Đỉnh điểm của việc này là ngày 16-4 ông Bosonaro đã sa thải Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta vốn trái quan điểm với ông trong chống dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters. Trong khi ông Bolsonaro chủ trương mở cửa kinh tế thì ông Mandetta kiên định phải đẩy mạnh cách ly, giãn cách xã hội như một công cụ kiềm chế đà lây.
Tổng thống Jair Bolsonaro (trái) và Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta (phải) trong một cuộc họp báo về COVID-19. Ảnh: PODER360
Trước truyền thông ngày 16-4, ông Bolsonaro nói ông Mandetta không đánh giá cao nhu cầu bảo vệ việc làm của người dân Brazil và một lần nữa kêu gọi các bang chấm dứt lệnh yêu cầu dân ở nhà và khôi phục hoạt động kinh tế.
“Chúng ta cần trở lại bình thường, càng nhanh càng tốt, nhưng chúng ta cần bắt đầu với sự uyển chuyển”, ông Bolsonaro thể hiện sự sốt ruột của mình, đồng thời cũng nói thêm rằng chính phủ không thể trợ giúp khẩn cấp cho người nghèo lâu thêm nữa.
Vội vàng sẽ chỉ làm “đường cong” dịch thêm cong
Tại Ý, điểm nóng COVID-19 ở châu Âu với số người chết cao nhất châu lục và số ca nhiễm cao thứ hai châu lục, nhu cầu khôi phục hoạt động kinh tế cũng rất bức thiết.
Các lệnh cấm ở Ý được áp dụng từ ngày 10-3 và dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 3-5. Hiện chính phủ Ý đang chịu áp lực phải nới lỏng các lệnh cấm và nhanh chóng khôi phục kinh tế. Rõ ràng kéo dài các lệnh cấm sẽ giúp Ý nhanh chóng “làm thẳng đường cong” dịch hơn, nhưng cũng sẽ khiến kinh tế suy sụp nặng hơn. Ngày 15-4, IMF dự đoán Ý sẽ mất 9,1% GDP trong năm nay, mức thất thoát lớn nhất ở nước này từ sau chiến tranh.
Áo thun mô phỏng màu cờ quốc gia Ý được treo trên ban công một ngôi nhà ở thủ đô Rome (Ý) ngày 16-4. Ảnh: EPA-EFE
Trong khi nhà chức trách nóng ruột trước viễn cảnh kinh tế suy sụp thì các chuyên gia y tế lại lo lắng nếu hành động vội vàng sẽ làm bùng lại làn sóng lây nhiễm. Ngày 16-4 Tiến sĩ Andrea Crisanti tại đại học Padua – nhà virus học hàng đầu ở Ý nói rằng nước này vẫn chưa sẵn sàng chấm dứt phong tỏa vì vẫn còn “tảng băng chìm” lây nhiễm nguy hiểm.
Theo Tiến sĩ Crisanti, Ý phải đánh giá thật thận trọng các rủi ro của việc mở cửa trở lại, và phải cân nhắc đến diễn biến nhiễm mới hàng ngày.
Sốt ruột vẫn phải thận trọng
Ngày 17-4, báo South China Morning Post dẫn số liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy kinh tế nước này mất 6,8% trong quý đầu năm nay. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ sau cuộc cách mạng văn hóa năm 1976. Mức sụt giảm này cao hơn mức 6% mà hãng tin Bloomberg thăm dò nhiều nhà phân tích trước đó.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia, sau 2 tháng đầu năm bị dịch COVID-19 ảnh hưởng, trong tháng 3 kinh tế Trung Quốc chịu áp lực rất lớn, khi các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, đầu tư tài sản cố định đều co giảm.
Sản lượng công nghiệp giảm 1,1% trong tháng 3, sau khi đã giảm mất 13,5% trong hai tháng 1 và 2 trước đó. Con số 1,1% vẫn cao hơn số 6,2% dự báo của Bloomberg.
Ngành bán lẻ - căn cứ chính để đo lường mức độ tiêu thụ của đất nước đông dân nhất thế giới giảm tới 15,8% trong tháng 3, chưa kể đã giảm kỷ lục 20,5% trong 2 tháng đầu năm.
Đầu tư tài sản cố định giảm 16,1% trong 3 tháng đầu năm.
Vì dự đoán trước khó khăn, sau khoảng 2 tháng rốt ráo chống dịch, khi tình hình COVID-19 tạm trong vòng kiểm soát, Trung Quốc đã từng bước khôi phục hoạt động kinh tế. Tuy nhiên các thách thức vẫn còn rất lớn ở phía trước để làm sao có thể khôi phục tốt kinh tế mà không để dịch bệnh lan rộng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán thế giới trong năm nay sẽ chịu đựng mức suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái thập niên 1930. Ngày 16-4, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đưa ra cảnh báo kinh hoàng về hậu quả của đại dịch COVID-19. Cụ thể, theo LHQ, kinh tế toàn cầu đi xuống vì đại dịch COVID-19 sẽ làm 385 triệu trẻ em rơi vào đói nghèo nghiêm trọng vì COVID-19 trong năm 2019. Và số liệu này trong năm 2020 theo dự đoán của LHQ sẽ từ 42 triệu đến 66 triệu. Trẻ em Ai Cập được hướng dẫn đeo khẩu trang mùa dịch COVID-19, ngày 13-4. Ảnh: REUTERS Hiện 188 nước đã đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến 1,5 tỉ trẻ em. 369 triệu trẻ em trong số này bình thường vốn trông chờ vào các bữa ăn miễn phí ở các trường học, và dịch COVID-19 đã làm thay đổi điều này. LHQ ước tính có thể sẽ khiến tới gần hàng trăm ngàn trẻ em ở 143 nước chết vì đói trong năm nay. Nguy hiểm hơn, theo LHQ, COVID-19 không gây nguy hiểm về sức khỏe lên trẻ em như với người lớn tuổi, nhưng “các khó khăn kinh tế của gia đình vì suy thoái kinh tế toàn cầu có thể khiến hàng trăm ngàn trẻ em nữa chết trong năm 2020”. “Chúng ta phải hành động ngay… Các lãnh đạo phải làm mọi cái có thể trong khả năng để giảm nhẹ tác động của đại dịch”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng. |
Khi tình hình dịch bệnh diễn ra quá nhanh và liên tục, đưa ra một dự đoán cụ thể về thế giới hậu COVID-19 là việc bất...
Nguồn: [Link nguồn]