Cách duy nhất giúp tiêm kích F-35 Mỹ đả bại Su-35 Nga
Không chiến không phải là ưu điểm của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 nhưng nếu buộc phải đối đầu với Su-35 Nga, F-35 Mỹ vẫn sẽ có cửa thắng nếu phi công biết tận dụng những ưu điểm sẵn có.
Chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 của Mỹ.
Theo National Interest, chiến đấu cơ F-35 là loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 có số lượng đông đảo nhất thế giới với 231 chiếc (tính đến tháng 3.2017).
Các quốc gia khác như Nga và Trung Quốc hiện đã giới thiệu chiến đấu cơ thế hệ 5 của mình như T-50, J-20 nhưng chỉ duy trì phi đội với số lượng hạn chế vì chi phí chế tạo đắt đỏ.
Trong tương lai gần, Nga vẫn sẽ chỉ sử dụng chủ yếu loại chiến đấu cơ đa năng Su-35, vốn là phiên bản nâng cấp của mẫu Sukhoi Su-27 Flanker.
Để đối phó với các chiến đấu cơ Su-35, Không quân Mỹ và Hải quân Mỹ có thể sẽ phải dựa vào chiếc F-35 dù nó không được chế tạo với mục đích thống trị bầu trời.
Theo tác giả Dave Majumbar, F-35 giống như loại chiến đấu cơ có khả năng phòng vệ trên không hơn là mẫu máy bay thích hợp trong mọi điều kiện tác chiến.
Vậy phi đội 4 chiếc F-35 sẽ phải đối phó ra sao nếu như đụng độ đối phương là 4 chiếc Su-35? Câu trả lời đơn giản nhất là thay đổi hành trình, gọi tiêm kích F-22 Raptor và F-15C đến hỗ trợ.
Nhưng nếu không được phép lựa chọn, F-35 Mỹ vẫn có thể chiến đấu ở mức chấp nhận được với Su-35 Nga, theo tác giả Dave Majumbar.
Không giống như F-22, có thể đạt tốc độ tối đa tới 2.200 km/giờ, chiến đấu cơ F-35 bay chậm hơn đáng kể, chỉ đạt xấp xỉ 1.900 km/giờ. Trong khi F-22 sở hữu khả năng cơ động tuyệt vời trong các cuộc không chiến tầm gần, cạnh tranh ngang ngửa với Su-35 cả về bán kính chuyển hướng, góc tấn công..., F-35 lại thua kém đối thủ hoàn toàn.
Su-35 Nga là đối thủ đáng gờm đối với chiến đấu cơ F-35 của Mỹ.
F-35 cũng không đạt tốc độ và trần bay cần thiết để gia tăng động năng cho tên lửa không đối không tầm trung (AMRAAM) AIM-120 như F-22. Điều đó có nghĩa là tầm bắn của F-35 sẽ ngắn hơn đáng kể.
Chiến đấu cơ thế hệ 5 cũng không mang được nhiều vũ khí vì phải giấu tên lửa trong khoang để đảm bảo khả năng tàng hình. Hệ thống dẫn đường trên tên lửa AMRAAM rất dễ bị ảnh hưởng bởi hệ thống gây nhiễu tần số vô tuyến trang bị trên F-35.
Theo tác giả Dave Majumbar, trong tương lai, các phi công lái F-35 Mỹ có thể hy vọng vào loại tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X khi nó được tích hợp vào chiến đấu cơ thế hệ 5. Đây là mẫu tên lửa đáng tin cậy, chuyên dùng cho không chiến tầm gần.
Hiện tại, khi buộc phải đối đầu trực tiếp với Su-35, những kỹ năng và kinh nghiệm của phi công F-35 chỉ có thể giúp họ sống sót.
Điều đó có nghĩa là chiếc F-35 sẽ phải tấn công mục tiêu xa ngoài tầm nhìn thị giác và tránh phải giao chiến tầm gần, vốn là điểm yếu của mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 này.
Để làm được điều đó, phi công lái F-35 cần tận dụng ưu điểm của máy bay như khả năng tàng hình, hệ thống cảm biến và chiến thuật thông minh.
Trên thực tế, rất ít khả năng các chỉ huy không quân Mỹ giao nhiệm vụ không chiến cho một chiếc F-35 nếu vẫn còn phương án dự phòng.
Trong môi trường tác chiến, F-35 thường thực hiện nhiệm vụ oanh tạc mục tiêu dưới mặt đất với sự yểm trợ của tiêm kích F-22 và F-15C, những máy bay chuyên về chiếm ưu thế trên không.
Tuy nhiên, tác giả Majumdar cũng chỉ ra rằng mối đe dọa thực sự đối với sức mạnh không quân Mỹ không phải là không quân đối phương mà là các hệ thống phòng không, vốn đang được cải tiến, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại hơn.
Tiêu tốn 1.000 tỷ USD để phát triển F-35 nhưng chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ “một triệu năm tới” cũng không thể...