Các rắc rối pháp lý lại là lợi thế với ông Trump?

Những rắc rối pháp lý giúp ông Trump thu hút sự chú ý của truyền thông, tăng số tiền đóng góp mà ông và đảng Cộng hòa nhận được.

Sáng sớm 18-3, cựu Tổng thống Donald Trump có bài đăng trên mạng xã hội, cho biết ông sẽ “bị bắt vào thứ ba tuần sau (ngày 21-3)”. Cũng trong bài đăng, ông viết: "Phản đối. Hãy lấy lại đất nước của chúng ta”.

Ông Trump không bị bắt như lời mình thông báo nhưng bị truy tố.

Tuyên bố của ông đã tạo ra các hiệu ứng làm thay đổi sâu sắc tiến trình vận động tranh cử của đảng Cộng hòa. Theo đó, các nhà tài trợ gửi thêm tiền cho đảng Cộng hòa, nhiều kênh truyền thông và bộ máy đảng Cộng hòa lao vào bênh vực ông Trump. Ngoài ra, các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Trump tăng lên.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Tờ The New York Times gọi những điều này là “hiệu ứng cáo trạng”. Sau khi phân tích các email vận động tranh cử, các cuộc thăm dò, The New York Times cho rằng ông Trump đã biến các rắc rối pháp lý thành một loại "tài sản chính trị", giúp ông dễ dàng giành được sự ủng hộ trong nội bộ đảng Cộng hòa.

“Sự ủng hộ quanh một vấn đề không phải là một hiện tượng mới trong chính trường Mỹ, nhưng ông Donald Trump đã đưa nó lên một tầm cao mới” - theo ông Tony Fabrizio, nhà thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa.

Truyền thông xoay quanh ông Trump

Trong gần hai năm, các hãng truyền thông theo xu hướng bảo thủ như Fox News hay New York Post không thể hiện sự ủng hộ nhiều đối với ông Trump và thường đề cao Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis. Văn phòng của ông DeSantis đã phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất của Fox News để tạo ra nội dung hấp dẫn người xem, đề cao những thành quả của ông DeSantis trong quá trình lãnh đạo Florida.

Tuy nhiên, sau vụ ông Trump bị truy tố liên quan việc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh hồi tháng 3, các cơ quan truyền thông nói trên đã thay đổi quan điểm và quay sang bảo vệ vị cựu tổng thống. Các hãng truyền thông này cho rằng ông Trump là nạn nhân của một hệ thống tư pháp chịu ảnh hưởng của đảng Dân chủ.

Các rắc rối pháp lý của ông Trump chiếm một thời lượng lớn trong nội dung đưa tin của các hãng truyền thông, có khi kéo dài cả tuần. Theo đó, các bản tin tập trung vào khả năng ông Trump bị truy tố, ông Trump bị truy tố ra sao, trình diện trước tòa thế nào và đưa ra các bài bình luận liên quan các quá trình trên.

Ông Trump và đội ngũ của ông tạo mọi điều kiện để các cơ quan truyền thông đưa tin trực tiếp về những lần cựu tổng thống trình diện trước tòa. Theo The New York Times, đội ngũ của ông Trump xử lý vấn đề này nghiêm túc không thua kém các đợt vận động tranh cử có sự hiện diện của cựu tổng thống.

Đội ngũ của ông Trump mời các phóng viên tham gia đoàn xe hộ tống, thông báo trước cho họ về điểm đến của ông Trump để các phóng viên có thể sắp xếp trước, lấy các góc ảnh đẹp nhất. Thông tin về thời điểm máy bay chở ông Trump cất và hạ cánh cũng được cung cấp cho giới truyền thông.

“Các ứng viên khác đã làm gì hôm nay? Chúng ta có biết không? Chúng ta chỉ biết thông tin về ông Trump” - ông Steven Cheung, phát ngôn viên của ông Trump, nói sau khi ông Trump trình diện trước tòa ở bang Florida hôm 13-6.

Truyền thông bên ngoài tòa án ở Manhattan, bang New York (Mỹ) vào hôm 4-4 - thời điểm ông Trump đến trình diện trước tòa vì cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh. Ảnh: NEW YORK POST

Truyền thông bên ngoài tòa án ở Manhattan, bang New York (Mỹ) vào hôm 4-4 - thời điểm ông Trump đến trình diện trước tòa vì cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh. Ảnh: NEW YORK POST

Đối với phiên tòa hôm 4-8 ở bang Washington, đội ngũ pháp lý của ông Trump đặt chiếc máy quay trong đoàn xe hộ tống để khán giả có cơ hội theo dõi hành trình đến tòa án của cựu tổng thống.

Theo The New York Times, những lần ông Trump ra tòa đã khiến các đối thủ phải thay đổi lịch trình. Việc ông Trump ra tòa được ví như “nhật thực”, vì nó thu hút sự quan tâm đặc biệt lớn của dư luận.

Tài trợ tăng, ủng hộ cũng tăng

Trước khi ông Trump tuyên bố ứng cử tổng thống 2024, các ủy ban của đảng Cộng hòa thường xuyên gửi email khuyến khích cử tri góp quỹ với nội dung lấy ông Trump làm trung tâm. The New York Times cho rằng chỉ cần đề cập tên ông Trump trong chủ đề thư thì đã gây chú ý và khiến các cử tri sẵn sàng đóng góp.

Nhưng vào ngày 15-11-2022 - khi ông Trump chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ, các quan chức hàng đầu của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa biết họ sẽ ngừng tung ra các email liên quan ông Trump. Theo một phân tích của The New York Times, từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 3, các ủy ban của đảng Cộng hòa chỉ gửi 1 email có đề cập tên ông Trump.

Đến ngày 29-3, khi có tin đồn ông Trump sẽ sớm bị truy tố, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa ngừng áp dụng quy tắc này. Chỉ trong 7 ngày tiếp theo, các ủy ban của đảng Cộng hòa đã gửi hàng chục email bày tỏ sự phẫn nộ về bản cáo trạng chống lại ông Trump. Các email này cũng khuyến khích cử tri cung cấp thông tin cá nhân và đóng góp tiền cho đảng Cộng hòa.

Trong giai đoạn đó, các email yêu cầu cử tri bình chọn xem ông Trump có tội hay không. Ngoài ra, đảng Cộng hòa còn gửi một email do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa - bà Ronna McDaniel viết. Trong email, bà McDaniel kêu gọi cử tri quyên góp tiền để “sát cánh cùng đảng Cộng hòa, vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử nước Mỹ”.

Các rắc rối pháp lý cũng giúp ông Trump nhận được nhiều khoản tài trợ.

Trước giữa tháng 3, ông Trump huy động được trung bình 129.000 USD/ngày cho chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, sau khi có thông tin về việc ông Trump bị truy tố, số tiền ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông tăng lên trung bình hơn 778.000 USD/ngày.

Nói cách khác, trong 88 ngày đầu tiên của năm 2023, ông Trump huy động được 12 triệu USD tiền tài trợ. Nhưng chỉ cần 7 ngày kể từ khi bản cáo trạng đầu tiên chống lại ông Trump được đưa ra, ông đã huy động được 13 triệu USD.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Windham, bang New Hampshire (Mỹ) hôm 8-8. Ảnh: REUTERS

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Windham, bang New Hampshire (Mỹ) hôm 8-8. Ảnh: REUTERS

Các rắc rối pháp lý cũng giúp tăng tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Trump.

Theo một cuộc thăm dò của đài CBS News sau bản cáo trạng về việc ông Trump cố gắng lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, 77% đảng viên Cộng hòa coi các cáo trạng và cuộc điều tra chống lại ông Trump cũng là cuộc tấn công nhằm vào chính họ. Ngoài ra, 86% đảng viên Cộng hòa cho rằng bản cáo trạng là nỗ lực ngăn cản ông Trump vận động tranh cử.

“Các bản cáo trạng đang khiến sự ủng hộ của tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Họ đã vũ khí hóa toàn bộ chính phủ để chống lại những người như chúng tôi. Mỗi khi ông Trump bị truy tố, điều đó thúc đẩy thêm hàng chục nghìn người trong chúng tôi đi bỏ phiếu” - cử tri Sheri Hardy Candeni (51 tuổi) nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tín hiệu mừng đối với ông Donald Trump

Ông Donald Trump đang bỏ xa Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và những người còn lại trong cuộc đua đề cử ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN