Các nước nói gì về lo ngại chiến tranh hạt nhân ở Ukraine?
Phương Tây liên tục cảnh báo về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, trong khi Moscow trấn an rằng mục đích chỉ để cảnh báo phương Tây về những rủi ro khi can thiệp Ukraine và đề nghị Mỹ tránh để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga.
Những ngày gần đây liên tục xuất hiện các lo ngại từ phương Tây về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21-9 lần nữa cảnh báo sẽ bảo vệ lãnh thổ “bằng mọi biện pháp sẵn có, bằng mọi loại vũ khí”.
Phương Tây cảnh giác
Trả lời phỏng vấn đài CBS ngày 25-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ông nhận định những lời đe dọa của Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân có thể không phải là nói suông. “Trước đây điều đó có thể không thực tế nhưng bây giờ nó có thể trở thành hiện thực” - ông Zelensky cảnh báo.
Binh sĩ Ukraine đóng tại tỉnh Kharkiv ngày 24-9. Ảnh: REUTERS
Trao đổi với đài BBC, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nhận định xung đột giữa Nga - Ukraine đang bước vào giai đoạn nguy hiểm và Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp lực lượng nước này bị bao vây ở Ukraine. Đánh giá của ông Borrell về việc quân Nga bị bao vây được cho có thể liên quan tới diễn biến trên chiến trường thời gian qua, khi Ukraine phản công nhanh ở tỉnh Kharkiv ở Ukraine.
Trong khi đó Mỹ phản ứng gắt với các cảnh báo về khả năng vũ khí hạt nhân từ phía Nga. Trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 25-9, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố rằng Mỹ sẽ đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở chiến trường Ukraine. Ông cho biết đã liên lạc trực tiếp với Moscow để thông báo về những hậu quả thảm khốc mà Nga sẽ phải đối mặt nếu dùng đến vũ khí hạt nhân.
“Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập đến con bài hạt nhân tại nhiều thời điểm trong xung đột Ukraine. Mỹ rất coi trọng vấn đề này vì đây là nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể lần đầu tiên được sử dụng kể từ sau Thế chiến thứ 2” - ông Sullivan nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 21-9, tại một hội nghị do Không quân Mỹ tổ chức ở bang Maryland (Mỹ), Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ Charles Richard cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải chuẩn bị cho những tình trạng leo thang nhanh chóng để chống lại các đối thủ tiềm tàng và bảo vệ đất nước.
“Mỹ và đồng minh cần phải dự tính về cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với một đối thủ ngang hàng có năng lực hạt nhân. Chúng ta đã không phải làm điều đó trong hơn 30 năm qua” - đài CNN dẫn lời ông Richard.
Trả lời phỏng vấn đài CBS hôm 25-9, Tổng thống Zelensky lạc quan rằng Ukraine cuối cùng sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời tiếp tục kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí và tài chính.
Nga: Chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ lãnh thổ Nga
Bên cạnh tuyên bố gần nhất của ông Putin, những lo ngại của phương Tây về khả năng Moscow tính tới vũ khí hạt nhân còn đến từ các phát ngôn của các nhân vật cấp cao Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng sẽ bằng mọi cách bảo vệ bốn tỉnh ly khai khỏi Ukraine sau khi các tỉnh này sáp nhập vào Nga. Cụ thể hơn, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố rằng nếu hai vùng ly khai Lugansk và Donetsk ở khu vực Donbass phía Đông Ukraine sáp nhập vào Nga sau khi trưng cầu dân ý, Moscow có thể sử dụng vũ lực tối đa để chống lại các lực lượng Ukraine tiến vào hai khu vực này, trên cơ sở xâm phạm lãnh thổ của Nga sẽ bị coi là hành vi phạm pháp. Ông Medvedev tuyên bố bất kỳ vũ khí nào trong kho của Moscow, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược, đều có thể được sử dụng để bảo vệ các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga.
Đài RT cho biết học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của nước này; hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa vì vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.
Dù vậy, trong một động thái để giảm nhiệt căng thẳng, ngày 23-9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trấn an rằng những phát ngôn trên thực chất không nhằm đe dọa ai bằng vũ khí hạt nhân, mà chỉ là để cảnh báo phương Tây về những rủi ro khi can thiệp vào vấn đề Ukraine và đề nghị Mỹ tránh để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Theo quan điểm của Moscow, phương Tây được cho đang thực hiện một cuộc xung đột ủy nhiệm với Moscow ở Ukraine và đang gia tăng cam kết cung cấp vũ khí, tài chính, thông tin tình báo cho Kiev.
Trưng cầu dân ý ở bốn tỉnh Ukraine sang ngày thứ tư Tính đến ngày 26-9, quá trình trưng cầu dân ý ở bốn tỉnh Ukraine về khả năng sáp nhập vào Nga đã đến ngày thứ tư. TASS cho biết tính đến sáng 26-9, 76,09% cử tri Lugansk đã đi bỏ phiếu. Con số này ở Donetsk là 77,12%, ở Kherson là 48,91% và ở Zaporizhia là 51,55%. Ông Vladimir Vysotsky - Chủ tịch Ủy ban bầu cử ở Donetsk thông báo rằng hơn 1,2 triệu cư dân vùng này đã đi bỏ phiếu. Trong trường hợp kết quả bỏ phiếu cho thấy cư dân các vùng này muốn sáp nhập vào Nga, Moscow cho biết sẽ tôn trọng quyết định đó. Cả bốn khu vực sẽ giữ nguyên tên gọi, có vị thế như một chủ thể liên bang của Nga, tương tự trường hợp của Crimea năm 2014. Đại diện Ủy ban bầu cử Lugansk - ông Elena Kravchenko chia sẻ thêm rằng khu vực này ghi nhận sự hiện diện của 40 quan sát viên quốc tế, với những người tới từ Anh và từ những nước thuộc EU trong ngày đầu tiên của cuộc trưng cầu dân ý 23-9. Trong khi đó, một đại diện ở Donetsk khẳng định có đến 133 quan sát viên từ 28 quốc gia đang theo dõi quá trình bỏ phiếu ở đây. |
Nguồn: [Link nguồn]
Jake Sullivan – Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ – cảnh báo, Washington sẽ đáp trả dứt khoát và khiến Nga chịu “hậu quả thảm khốc” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.